Lấp hồ Bà Đồ: Đừng làm mất “lá phổi xanh” hiếm hoi của Hà Nội
Việc quận quận Long Biên tổ chức san lấp hồ Bà Đồ để làm dự án bất động sản đang nhận được sự quan tâm của nhiều người dân trong suốt thời gian qua.
Hà Nội vốn được biết đến là một đô thị rất nhiều hồ và cây xanh. Tuy nhiên, hiện nay diện tích mặt nước, cây xanh đã giảm đi rất nhiều hay nói cách khác là phát triển không kịp với tốc độ đô thị hóa và sự bê tông hóa khi xây nhà cao tầng. Thực trạng này dẫn đến đất chật kín cao ốc nhưng diện tích mảng xanh lại không được “trả lại” tương ứng.
Mới đây, câu chuyện lấp hồ để làm dự án lại tái diễn và hồ Bà Đồ (tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) là “nạn nhân” của dự án. Điều này khiến cho không chỉ người dân sinh sống nơi đây, mà dư luận Hà Nội và cả nước cũng lên tiếng không đồng tình. Thậm chí đơn kiến nghị cũng đã được gửi đến Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trước những phản ánh của người dân, ngày 29/3, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có trao đổi với báo chí liên quan tới việc lấp hồ Bà Đồ. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Luật Bảo vệ môi trường cũng đã có những quy định về việc lấp hồ. Theo đó, đối với các hồ có nguồn gốc tự nhiên đều có những chức năng vô cùng quan trọng. Do đó, việc tác động vào hồ cần phải có những cân nhắc, xem xét thật kỹ lưỡng.
“Đối với sự việc lấp hồ xảy ra tại phường Ngọc Thụy, thẩm quyền giải quyết thuộc TP.Hà Nội. Về nguyên tắc, trong khi có ý kiến phản ánh từ người dân thì cần phải xem xét rất kỹ mới tiến hành làm. Phải nói và giải thích cho dân hiểu cái nào cần bảo vệ bảo tồn, cái nào cần thay đổi”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Đáng chú ý, Ban Tiếp Công dân Trung ương – Thanh tra Chính phủ đã nhận được kiến nghị, phản ánh liên quan đến việc san lấp hồ Bà Đồ có diện tích 12.000m2 thuộc hệ thống hồ tự nhiên tại khu vực tổ 11 và tổ 12 phường Ngọc Thụy để bán đất phân lô. Ban Tiếp Công dân đã có văn bản về việc chuyển đơn kiến nghị, phản ánh của công dân về vụ việc này.
Sở dĩ người dân không đồng tình việc lấp hồ là vì theo các hộ dân sinh sống quanh khu vực hồ Bà Đồ từ trước đến nay góp vai trò rất lớn trong việc thoát lũ, tưới tiêu cho ruộng lúa, hoa màu và điều hòa không khí cho khu vực này. Việc quận Long Biên lấp hồ, lấy đất làm dự án sẽ lấy đi không gian sống đã được hình thành qua nhiều thế hệ của cả nghìn người dân.
Nhìn rộng hơn, môi sinh thành phố rồi sẽ phải trả giá, giống như chuyện san lấp hồ ao từng xảy ra vài năm trước và bây giờ đô thị Hà Nội đang phải gánh chịu. Hà Nội đang phải chi nhiều tỷ đồng cho hệ thống thoát nước đô thị và đào lại hồ, khơi vét các dòng sông để chống chọi với tình trạng úng ngập.
Mặt khác, cảnh quan, không gian công viên, cây xanh, mặt nước đang trở thành một thứ xa xỉ ở các đô thị lớn của Việt Nam. Trong khi tốc độ đô thị hoá, mật độ dân số và cao ốc tăng lên thì diện tích không gian xanh này dường như lại càng ít.
Thẳng thắn thấy rằng cảnh quan công cộng không chỉ tạo sắc màu cho đô thị mà còn là tấm áo choàng phù phép nâng giá cho các dự án bất động sản. Và một số dự án “ăn theo” quy hoạch công viên, cây xanh, mặt nước đã nhanh chóng tạo ra giá trị thặng dư khổng lồ.
Đã đến lúc Việt Nam nói chung và các đô thị nói riêng phải thuộc bài học “foot step” của châu Âu từ vài thế kỷ trước, để không giẫm lại vết xe đổ: Sự lan tỏa của đô thị là bước chân tàn phá thiên nhiên.
Gần đây, Luật Bảo vệ môi trường (2020) đã quy định “công viên, vườn hoa, cây xanh, mặt nước, đường giao thông công cộng, hệ sinh thái tự nhiên phải được bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan, bảo vệ môi trường và không được lấn chiếm, san lấp, sử dụng sai mục đích” (Điều 57). Trong khi đó, Luật Kiến trúc (2019) cũng yêu cầu các công trình công cộng, công trình phục vụ tiện ích đô thị trên tuyến phố, bao gồm cả đài phun nước đều phải đảm bảo thiết kế phù hợp với cảnh quan và đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ (Điều 11).
Mặt khác, chúng ta không thể quên công viên và cây xanh đô thị cũng là một loại tài sản công quan trọng và quý giá. Điều 4 của Luật Quản lý và sử dụng tài sản công (2017) nêu rõ tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng bao gồm nhiều công trình kết cấu hạ tầng. Trong đó, bao gồm hạ tầng đô thị, hạ tầng văn hóa và hạ tầng du lịch. Như vậy, chính công viên và cây xanh đô thị thuộc về ba loại tài sản kết cấu hạ tầng nêu trên. Đã là tài sản công thì phải được quản lý và khai thác “công khai, minh bạch, chống lãng phí, chống tham nhũng và đúng pháp luật” (Điều 6).
Rõ ràng, những đề xuất lấp hồ, lấp diện tích cây xanh đều phản khoa học, trái ngược lại với các quan điểm bảo vệ môi trường. Còn luật chúng ta có đủ để thực thi. Chẳng lẽ không thể sử dụng “cây gậy pháp lý” để ngăn chặn những con người và dự án xâm phạm môi sinh môi trường?
Các ao hồ tự nhiên còn sót lại giữa lòng Hà Nội nói riêng chính là những “lá phổi xanh” hiếm hoi của thành phố, sẽ không bị co hẹp hoặc biến dạng vì những đề xuất thương mại “đường mật”. Bởi vì, bất kỳ hồ nào khác trên địa bàn thành phố đều là tài sản vô giá đang cần được bảo vệ, không có chuyện nhà đầu tư thích làm gì cũng được.
Nguồn:diendandoanhnghiep.vn