Làm việc “giả”
Các công ty thuê quá nhiều người vào “ngồi chơi xơi nước” chỉ để công ty “to” hơn và ngăn đối thủ tuyển được người.
Tỷ phú Keith Rabois, nhà đầu tư công nghệ, Tổng giám đống công ty thương mại điện tử OpenDoor, tuyên bố như vậy tại một sự kiện do ngân hàng Evercore vừa tổ chức tại Miami, Mỹ. Ông gọi tình trạng này là “làm việc giả”.
Không chỉ có Rabois, đa số các tỉ phú, giới tinh anh ở thung lũng Silicon, nơi tập trung những tinh hoa công nghệ của Mỹ, cũng đồng tình với quan điểm trên, và cho rằng việc hầu hết các ông lớn công nghệ phải sa thải nhân viên hàng loạt thời gian vừa qua là do sự bùng nổ quá đà trong việc tuyển dụng và làm việc “giả”.
Tuyển ồ ạt
Theo các nhà lãnh đạo này, nhân viên công nghệ mà không triển khai, phát triển, viết mã phần mềm thì được coi là “chẳng làm gì”.
Ông Keith Rabois nói rằng thời gian vừa qua các công ty công nghệ lớn đã thuê quá nhiều người chỉ để có con số đẹp về số lượng nhân viên. Nhiều nhân viên khiến công ty “lớn mạnh” hơn, và cũng ngăn được các đối thủ tuyển được người, cho dù đa phần nhân viên được tuyển dụng chỉ là những “kẻ tầm thường”.
Ý của Rabois là việc thuê nhiều người thời gian vừa qua, như Google hay Meta chỉ là cách để họ tăng số liệu về quy mô, khiến mọi người nghĩ rằng họ là những “gã khổng lồ”. Từ đó, các công ty này kiếm được lợi ích từ việc cả thế giới nghĩ họ là những công ty khổng lồ, mua cổ phiếu của họ, dùng sản phẩm, dịch vụ của họ, v.v..
Đồng thời, lực lượng lao động trình độ cao đó không đầu quân cho đối thủ cũng là một trong những lợi ích các công ty này thu được.
Rabois là người có giá trị tài sản ròng có thời điểm được ước tính lên tới hàng tỉ USD, cũng là thành viên của “PayPal Mafia”, một nhóm các cựu nhân viên và người sáng lập PayPal, những người đã “có chân” thành lập rất nhiều công ty công nghệ định đám như Tesla, Inc., LinkedIn, Palantir Technologies, SpaceX, Affirm, Slide, Kiva, YouTube, Yelp hay Yammer.
Rabois khẳng định: “Những người này thực sự chẳng có gì để làm. Tất cả chỉ có mỗi một việc là đi họp”.
Quan điểm này của Rabois đã được các nhà đầu tư và những người sáng lập giàu có ủng hộ.
Thomas Siebel, tỷ phú, giám đốc điều hành của công ty trí tuệ nhân tạo C3.ai, vừa phát biểu với trang tin Business Insider: “Gọi là làm việc ở nhà, nhưng ở nhà họ chẳng làm gì”.
Nhưng khi tình hình kinh tế toàn cầu trở nên khó khăn, việc sa thải hàng loạt thời gian vừa qua là cơ hội để thiết lập lại trật tự, khiến mọi thứ trở lại guồng quay, loại bỏ mọi ưu đãi và ngoại lệ với nhân viên.
Làm việc “giả”
Mỗi lãnh đạo ở thung lũng Silicon lại có ý kiến riêng về việc làm việc “giả”, họ tự biết giá trị thực sự của người lao động nằm ở đâu.
Rabois thì coi những người làm việc giả là những người hay họp hành.
Elon Musk, CEO của Tesla thì coi những người không ở trong văn phòng làm việc của công ty hay không bận rộn làm một việc gì đó là những người làm việc giả.
Tỉ phú công nghệ Marc Andreessen thì coi những người khăng khăng giữ một quan điểm xã hội nào đó là những người làm việc giả, ông ta đặt tên cho những người này là “Laptop Class” (lớp người máy tính xách tay), những người mà chỉ làm việc thông qua màn hình máy tính xách tay và xa rời thế giới thực.
Tỷ phú Siebel thì tuyên bố những người làm việc giả là những người làm việc từ xa, ở nhà.
Ngoài những người làm việc “giả”, hiện tượng “nhân viên nghỉ ngơi” cũng được các tỷ phú này coi là làm việc giả. Ở Việt Nam, nó gần giống như cụm từ “lính cậu”. Đó là những người lao động giàu có, “nhà có điều kiện”, được thuê nhưng khi vào công ty lại không làm gì. Những người này ở những vị trí cao, và rời đi ngay sau khi được chia cổ phần của công ty.
Và bởi quá nhiều nhân viên làm việc “giả” dẫn đến hậu quả mà các công ty công nghệ sa thải hàng loạt trong thời gian vừa qua.
Hết thời “như trong mơ”
Những tỷ phú này tuyên bố thời các công ty công nghệ cố gắng ngăn cản nhân viên tìm đến các đối thủ cạnh tranh bằng cách đưa ra các đặc quyền gần như là lố bịch đã qua.
Elon Musk được coi là CEO tàn nhẫn nhất khi cắt giảm nhân viên dư thừa sau khi tiếp quản Twitter. Musk yêu cầu nhân viên phải “cực kỳ chăm chỉ” và ưu tiên kỹ sư hơn trong các lĩnh vực như chính sách, tiếp thị và pháp lý.
Musk đã sa thải gần 4.000 nhân viên toàn thời gian của Twitter ngay sau khi tiếp quản. Từ đó đến nay Twitter đã thực hiện đến gần 10 đợt sa thải, mỗi đợt vài trăm người.
Cũng cuối năm ngoái, Meta (Facebook) cũng đã sa thải hơn 11.000 người ở tất cả các bộ phận.
Tháng 1 vừa qua cũng là tháng được đánh giá là “tháng sa thải nhiều nhất” khi các công ty công nghệ như Alphabet (công ty mẹ của Google), Microsoft, Amazon và IBM đã sa thải tổng cộng gần 44 nghìn nhân sự.
Musk và nhiều CEO khác như Rabois đang thúc đẩy một loại văn hóa doanh nghiệp mới, một loại văn hóa mà nhân viên phải thật chăm chỉ làm việc.
Rất nhiều các CEO khác đang noi gương Musk. Lượng nhân viên bị sa thải ngày một tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Có phải khoảng thời gian “thiên đường” của nhân viên công nghệ thực sự đã kết thúc?