Lâm thuỷ sản “trượt dốc”, xuất khẩu trông chờ vào rau quả
Tháng 8/2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 4,36 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ. Trong đó, thủy sản đạt 750 triệu USD, giảm 24%; lâm sản 1,19 tỷ USD, giảm 21,5% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong tháng 8/2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 4,36 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm nông sản đạt 2,16 tỷ USD, tăng 11,5%; chăn nuôi 50 triệu USD, tăng 24%; thủy sản 750 triệu USD, giảm 24%; lâm sản 1,19 tỷ USD, giảm 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái…
Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 59,69 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu 33,21 tỷ USD, nhập khẩu 26,48 tỷ USD. Tính đến thời điểm này, toàn ngành nông lâm ngư nghiệp xuất siêu 6,73 tỷ USD.
Trong tháng 8/2023, kim ngạch xuất khẩu nhóm các ngành hàng trồng trọt tăng 11,5% so với tháng 8/2022, ước đạt 2,16 tỷ USD; xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tăng 24% so với tháng 8/2022, ước đạt 50 triệu USD. Xuất khẩu vật tư nông nghiệp đạt 207 triệu USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, xuất khẩu nhóm ngành hàng thủy sản và lâm sản vẫn giảm sâu. Cụ thể, trong tháng 8/2023 so với cùng kỳ, kim ngạch thủy sản đạt 750 triệu USD, giảm 24%; kim ngạch lâm sản đạt 1,19 tỷ USD, giảm 21,5%.
Với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 8/2023 ước đạt 4,36 tỷ USD, giảm 6,5% so với tháng 8/2022, đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng lên 33,21 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, nhóm thuỷ sản 5,68 tỷ USD, giảm 25,4%; lâm sản 8,95 tỷ USD, giảm 25,1%; đầu vào sản xuất 1,32 tỷ USD, giảm 21,9%. Một số nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng như: xuất khẩu sản phẩm từ trồng trọt đạt 16,9 tỷ USD, tăng 11,5 %; xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi 325 triệu USD, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường xuất khẩu trong 8 tháng, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 16 tỷ USD, tăng 0,2%; châu Mỹ 7,5 tỷ USD, giảm 27,4%; châu Âu 3,7 tỷ USD, giảm 13,8%; châu Phi 681 triệu USD, tăng 11,5%; châu Đại Dương 480 triệu USD, giảm 23,5%.
Đặc biệt, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường lớn nhất của xuất khẩu nông lâm thủy sản từ Việt Nam trong 8 tháng: giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 21,9%, tăng 9,8%; sang Hoa Kỳ chiếm 20,6%, giảm 27,4% và sang Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 8 tháng, giá xuất khẩu bình quân một số nông sản chính giảm: Cao su 1.346 USD/tấn, giảm 19,6%; Chè 1.727 USD/tấn, giảm 2,6%; Hạt điều 5.761 USD/tấn, giảm 3,6%; Hồ tiêu 3.263 USD/tấn, giảm 26,5%; sắn và sản phẩm từ sắn 412 USD/tấn, giảm 6,4%…
Trong khi đó, xuất khẩu trông chờ một số mặt hàng như giá gạo và giá cà phê tăng cao. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong 8 tháng đạt 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá cà phê xuất khẩu bình quân trong 8 tháng đạt 2.455 USD/tấn, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng lưu ý, trong 8 tháng năm 2023 chứng kiến kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng tới 57,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,45 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu sầu riêng đã lập kỷ lục mới về kim ngạch khi cán mốc 1,2 tỷ USD trong 8 tháng, chiếm 30% trong tổng kim ngạch rau quả.
Thậm chí, xuất khẩu rau quả được cho là còn “khởi sắc”, nói như ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, những tháng còn lại của năm 2023 chúng ta còn vùng sầu riêng còn lại ở Tây Nguyên chưa khai thác. Cộng thêm những mặt hàng trái cây khác nữa, trong khi sầu riêng của các nước Đông Nam Á khác đã hết vụ. Do đó, dự đoán xuất khẩu trái cây 2023 sẽ khoảng 5 tỷ USD. Như vậy, kim ngạch sẽ bằng dự đoán quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho năm 2025 – sớm hơn kế hoạch 2 năm.
Theo Bộ NN&PTNT, Trung Quốc vẫn đang là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam khi chiếm tới gần 65% kim ngạch. Xuất sang thị trường này, ngoài sầu riêng đang rất được ưa chuộng sắp tới sẽ có thêm mít. Thậm chí, nước này cũng xem xét cho dừa tươi Việt được xuất khẩu chính ngạch.
Bên cạnh đó, mặt hàng đang “nóng” lên từng ngày là gạo sau hàng loạt thông tin về việc hạn chế xuất khẩu từ Ấn Độ. Theo đó, trong 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước đạt 3,17 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ Ấn Độ, Myanmar cũng đang lên kế hoạch tạm hạn chế xuất khẩu gạo để nhằm đáp ứng tiêu thụ nội địa. Điều này khiến giá gạo xuất khẩu nước ta tiếp tục “neo” đỉnh 15 năm và ở mức cao nhất thế giới.
Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT cho biết trong nước đã gần kết thúc vụ Hè Thu nhưng vụ Thu Đông cũng sẽ cho thu hoạch sớm nên năm nay sản lượng lúc gạo sản xuất chắc chắn đạt mục tiêu đề ra 43 triệu tấn.
Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát sao và báo cáo kịp thời Ban chỉ đạo điều hành giá và Tổ điều hành thị trường trong nước tình hình sản xuất, nguồn cung các sản phẩm nông sản đang vào vụ thu hoạch, biến động giá cả, đặc biệt là các mặt hàng đang chịu tác động lớn từ thị trường thế giới như mặt hàng gạo. Đồng thời, triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 05/8/2023 của Thủ Tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Mặt khác, chuẩn bị tổ chức Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023.
Bộ NN&PTNT cũng sẽ hướng dẫn các địa phương điều tiết kế hoạch sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Mặt khác, đẩy mạnh đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch, chủ động xử lý các trường hợp lô hàng bị cảnh báo mất an toàn thực phẩm tại thị trường nhập khẩu và đàm phán xử lý rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản.