Lai Châu: Kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thực sự minh bạch, hấp dẫn
Theo kết quả PCI năm 2021, Chỉ số Tính minh bạch là một chỉ số ấn tượng của tỉnh Lai Châu đã đạt được và đứng đầu cả nước, đạt 7,28 điểm.
Đó là ý kiến đánh giá của ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI tại buổi Tọa đàm phân tích các Chỉ số PCI, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tỉnh Lai Châu và Công bố Chỉ số DDCI, Chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố năm 2021 vào chiều 31/05.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Lai Châu là nơi đa số doanh nghiệp nhận thấy các thông tin được cung cấp là hữu ích.Các thông tin về văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh, các quy định về thủ tục hành chính, các chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ đầu tư… của tỉnh được công khai, minh bạch và dễ dàng tiếp cận.
Được biết, trong những năm qua lãnh đạo tỉnh Lai Châu chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, tỉnh Lai Châu tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai chính quyền điện tử; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực…
Nhờ đó, theo kết quả đánh giá PCI năm 2021 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, PCI Lai Châu tiếp tục tăng hạng, đạt 61,22 điểm, tăng 1 bậc so với năm 2020. Trong đó, Tính minh bạch đạt 7,28 điểm, xếp vị trí thứ nhất, tăng 3 bậc so với năm 2020; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đạt 7,38 điểm, xếp vị trí thứ 15/63 tỉnh thành phố, tăng 26 bậc so với năm 2020.
Bên cạnh đó, năm 2021 Chỉ số PAR INDEX của tỉnh Lai Châu đạt 86,69 điểm, xếp vị trí thứ 31/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2020. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính đạt 86,81%, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố.
Theo ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, qua 10 năm đánh giá, Chỉ số PAR INDEX tỉnh Lai Châu đã có những cải thiện, được các bộ, ngành ghi nhận thông qua công tác theo dõi, đánh giá thẩm định (điểm thẩm định tăng dần qua các năm), từ 66,46% (năm 2012) tăng lên 86,69% (năm 2021), thứ hạng tăng bậc từ 59 (năm 2012) lên thứ tự 31 (năm 2021). Để tiếp tục nâng cao Chỉ số PAR INDEX, tỉnh Lai Châu cần có sự phối hợp chặt chẽ thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; gắn kết, kết nối các đơn vị ngành dọc tại địa phương; quan tâm đến các mô hình, sáng kiến cải cách hành chính để vận dụng vào thực tiễn tại đơn vị, địa phương…
Để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong năm 2022 và những năm tiếp theo, lãnh đạo tỉnh Lai Châu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện Chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, đi vào chiều sâu và lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
“Chiều 31/05, tỉnh Lai Châu đã công bố Chỉ số DDCI năm 2021. Đối với cấp sở, ban, ngành, Sở Thông tin và Truyền thông xếp hạng thứ nhất với 82,90 điểm; Tiếp đến là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với 73,24 điểm. Đối với cấp huyện, thành phố, huyện Tam Đường xếp hạng thứ nhất với 83,23 điểm, huyện Tân Uyên xếp thứ hai với 76,70 điểm.”
Trong thời gian tới, tỉnh Lai Châu tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nhanh, quyết liệt, thực chất hơn việc cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; thực hiện đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin…
Ông Lê Văn Lương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành địa phương tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các chuyên gia để có biện pháp cụ thể, thiết thực cải thiện các chỉ số PCI và PAR INDEX. Ông cũng cho biết Lai Châu sẽ và tiếp tục phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo triển khai thực hiện, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ dân chủ, hiện đại, kỷ cương, công khai minh bạch, nâng cao thứ hạng, chất lượng chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tạo lập, hình thành môi trường đầu tư kinh doanh thực sự minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi, góp phần tăng cường thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp