Kỳ vọng vực dậy thị trường bảo hiểm năm 2024
Việc kết hợp giữa sự quản lý chặt chẽ của nhà nước, sự sáng tạo của các công ty bảo hiểm và sự tham gia rộng rãi của người dân sẽ tạo nên một môi trường bảo hiểm minh bạch, hiệu quả và đáng tin cậy.
Khủng hoảng niềm tin khách hàng
Năm 2023, ngành bảo hiểm tại Việt Nam đối mặt với một cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng, ảnh hưởng không chỉ đến một vài doanh nghiệp mà còn lan rộng ra toàn bộ ngành. Mặc dù những vụ việc trục lợi niềm tin của khách hàng chỉ xuất phát từ một số trường hợp cá biệt và không phản ánh tổng quan về ngành bảo hiểm, nhưng tác động tiêu cực đã gây ra hậu quả đáng kể đối với toàn bộ hệ thống.
Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm quý IV/2023 ước tính giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ giảm 17%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 2%.
Cả năm 2023, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm ước đạt 227.100 tỷ đồng, giảm 8,33% so với năm trước. Mảng bảo hiểm nhân thọ tiếp tục là nguyên nhân chính khiến doanh thu phí giảm. Doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ ước đạt gần 156.000 tỷ đồng, giảm 12,5% so với năm trước. Đây cũng là năm đầu tiên trong 20 năm lịch sử hình thành phát triển của ngành bảo hiểm nhân thọ ghi nhận tăng trưởng âm.
Trong năm này, Bộ Tài chính đã nỗ lực trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, với việc ban hành các Nghị định và Thông tư quy định chi tiết về Luật Kinh doanh bảo hiểm. Những nỗ lực này nhằm thúc đẩy sự phát triển an toàn, ổn định và bền vững của thị trường.
Younet Media, một công ty hàng đầu trong lĩnh vực phân tích dữ liệu mạng xã hội gần đây đã công bố một báo cáo nghiên cứu cho thấy, các vụ việc gây tranh cãi liên quan đến bảo hiểm trong thời gian qua đã tác động đáng kể đến quan điểm của khách hàng về ngành này. Cụ thể, chỉ số cảm xúc tiêu cực của khách hàng đối với ngành bảo hiểm đã tăng lên mức cao nhất trong ba năm trở lại đây. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tỷ lệ tư vấn thành công mà còn đến khả năng ký kết hợp đồng với khách hàng tiềm năng trong ngành bảo hiểm nhân thọ.
Hạn chế tiếp cận thị trường
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS. Bùi Duy Tùng, Giảng viên Đại học RMIT cho rằng, thị trường bảo hiểm Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các kênh bán hàng truyền thống như bancassurance và bán hàng trực tiếp qua đại lý. Điều này trái ngược với cách tiếp cận đa dạng hơn ở Hoa Kỳ và châu Âu, nơi sự kết hợp giữa các nhà môi giới độc lập, bán hàng trực tuyến trực tiếp và nền tảng kỹ thuật số đóng một vai trò quan trọng. Việc phụ thuộc nhiều vào một số lượng kênh hạn chế có thể hạn chế khả năng tiếp cận thị trường và hạn chế khả năng phân khúc khách hàng.
Thứ nhất, mô hình bancassurance của Việt Nam bộc lộ nhiều điểm yếu so với mô hình của Châu Âu. Khung pháp lý ở Việt Nam còn đang phát triển và chưa toàn diện như các tiêu chuẩn khắt khe của châu Âu, ảnh hưởng đến tính minh bạch và bảo vệ người tiêu dùng. Các sản phẩm bảo hiểm ở Việt Nam kém đa dạng và thiếu mức độ tùy biến như các ngân hàng châu Âu. Quan hệ đối tác chiến lược giữa các ngân hàng và công ty bảo hiểm ở Việt Nam chưa hội nhập sâu sắc, ảnh hưởng đến việc cung cấp các dịch vụ tài chính một cách gắn kết.
Thứ hai, thị trường Việt Nam cũng kém trưởng thành hơn với những tranh cãi gần đây ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng vào bancassurance. Ngoài ra, kiến thức tài chính và giáo dục người tiêu dùng về các sản phẩm bảo hiểm vẫn là những lĩnh vực cần phát triển hơn nữa ở Việt Nam, không giống như ở châu Âu, nơi người tiêu dùng thường có nhiều thông tin hơn và có thể đưa ra quyết định sáng suốt về các sản phẩm bảo hiểm được cung cấp qua ngân hàng.
Thứba, nhận thức và hiểu biết của người sử dụng bảo hiểm tại Việt Nam cũng có sự khác biệt khi so sánh với quốc tế, đặc biệt là với Mỹ và Châu Âu. Ở Việt Nam, hiểu biết về tài chính, đặc biệt là về bảo hiểm, còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng đưa ra quyết định bảo hiểm sáng suốt của người tiêu dùng. Các chuẩn mực văn hóa ở Việt Nam theo truyền thống nhấn mạnh sự hỗ trợ của gia đình trong việc lập kế hoạch tài chính cá nhân. Điều này trái ngược với cách tiếp cận của phương Tây, nơi bảo hiểm là một phần quan trọng trong quản lý tài chính cá nhân.
“Ngoài ra, bảo hiểm ở Việt Nam thường được coi là một lựa chọn tiết kiệm hoặc đầu tư hơn là một công cụ quản lý rủi ro. Niềm tin vào các nhà cung cấp bảo hiểm đã bị ảnh hưởng bởi những tranh cãi gần đây trên thị trường, trong khi ở các thị trường phát triển hơn như Mỹ và Châu Âu, mức độ tin cậy thường cao hơn do thực tiễn quản lý nhất quán và lịch sử đáng tin cậy”, TS. Bùi Duy Tùng phân tích.
Mục tiêu và thách thức cho năm mới
Có thể thấy, thời gian qua Bộ Tài chính đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát, với mục tiêu quản lý dựa trên cơ sở quản trị rủi ro. Đồng thời thúc đẩy việc phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm mới, như các sản phẩm bảo hiểm dành cho người già, các sản phẩm tích hợp dịch vụ hỗ trợ y tế, bảo hiểm nông nghiệp, rủi ro thảm họa, thiên tai và bảo hiểm xanh…
Một số doanh nghiệp trong ngành bảo hiểm, như MB Ageas Life cũng tập trung vào phát triển các sản phẩm bảo hiểm linh hoạt và đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, đồng thời tối ưu hóa thông tin và cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng thông qua các ứng dụng và dịch vụ trực tuyến.
Thông tin từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho hay, ngành bảo hiểm Việt Nam đang hướng tới một năm đầy triển vọng trong 2024 với những mục tiêu tài chính đáng chú ý. Cụ thể, tổng tài sản của ngành được ước tính đạt 1.004.421 tỷ đồng, phản ánh một sự tăng trưởng ấn tượng 9,97% so với năm 2023.
Ngành bảo hiểm cũng đóng góp tích cực cho nền kinh tế thông qua số vốn đầu tư ước đạt 850.264 tỷ đồng, tăng 11,51% so với năm trước. Tổng doanh thu phí bảo hiểm dự kiến đạt 243.472 tỷ đồng, trong đó bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 79.687 tỷ đồng (tăng 12%) và bảo hiểm nhân thọ ước đạt 163.785 tỷ đồng (tăng 5%). Sự tăng trưởng này là minh chứng cho sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của ngành sau những khó khăn của năm 2023.
Trước những thách thức từ bối cảnh kinh tế, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm nhận định việc đưa ngành bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng dương là một thách thức lớn. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ Chính phủ, sự quyết liệt từ Bộ Tài chính, và nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành bảo hiểm Việt Nam đang từng bước thay đổi theo hướng tích cực.
Đại diện Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm chia sẻ: “Với sự nhận thức rõ về các vấn đề nội tại và việc áp dụng các giải pháp phù hợp, ngành bảo hiểm sẽ tiếp tục thay đổi để cung cấp sản phẩm và dịch vụ chất lượng hơn, tập trung vào nhu cầu của khách hàng. Điều này sẽ góp phần xây dựng lại niềm tin và thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường”.
Theo một vị chuyên gia, việc ổn định thị trường bảo hiểm việt nam trong năm 2024 có thể được hỗ trợ thông qua nhiều giải pháp như: Một là, tăng cường quản lý nhà nước, cải thiện khung pháp lý và giám sát thị trường, đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo hiểm. Điều này bao gồm việc siết chặt quản lý về vốn pháp định, rủi ro và quy định về dự phòng kỹ thuật.
Hai là, nâng cao năng lực của các công ty bảo hiểm thông qua tăng cường khả năng quản lý rủi ro, nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển sản phẩm bảo hiểm mới phù hợp với nhu cầu đa dạng của người dân.
Ba là, áp dụng công nghệ thông tin để cải thiện quy trình, nâng cao hiệu quả hoạt động, và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc mua bảo hiểm và giải quyết quyền lợi bảo hiểm.
Bốn là, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của bảo hiểm, thông qua các chiến dịch truyền thông, giáo dục tài chính, nhằm mục đích khuyến khích mọi người tham gia bảo hiểm.
Năm là, hợp tác với các tổ chức bảo hiểm quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, cập nhật xu hướng mới, và áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến.
Sáu là, có cơ chế xử lý nhanh chóng các khiếu nại và tranh chấp, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến uy tín của ngành bảo hiểm và lòng tin của người tiêu dùng.
Các giải pháp này, khi được thực hiện một cách có hiệu quả, không chỉ giúp ổn định thị trường bảo hiểm Việt Nam, mà còn góp phần tăng cường sự phát triển bền vững của ngành trong dài hạn. Việc kết hợp giữa sự quản lý chặt chẽ của nhà nước, sự sáng tạo của các công ty bảo hiểm và sự tham gia rộng rãi của người dân sẽ tạo nên một môi trường bảo hiểm minh bạch, hiệu quả và đáng tin cậy.