Ký kết Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông 4 tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên
(TGA) – Ngày 28/7/2022, tại thành phố Hạ Long, trong khuôn khổ Kỳ họp III Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên tổ chức Ký kết Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông. Đến dự lễ ký có các đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Ký – Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; Ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương; Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên; ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cùng lãnh đạo các ban, ngành trung ương, địa phương và gần 300 đại biểu là đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam – VCCI nhấn mạnh: Liên kết tạo nên sức mạnh! Trong lịch sử xa xưa, dòng sông luôn là trục phát triển và kết nối các trung tâm kinh tế, văn hoá của con người, thì ngày nay các con đường cao tốc đóng vai trò như dòng sông khi xưa tạo ra và kết nối các trung tâm kinh tế, đô thị mới, do đó trục cao tốc phía Đông chính là tiền đề cho sự kết nối kinh tế 4 tỉnh, thành. Bốn địa phương khi liên kết lại sẽ tạo nên một không gian và tầm nhìn mới về phát triển kinh tế, có quy mô lớn, có nhiều tiềm năng, lợi thế, tạo thuận lợi thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển các doanh nghiệp, thu hút nhiều hơn nữa các dự án đầu tư có chất lượng, từ đó tạo ra cực tăng trưởng trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Trong thời kỳ hiện nay, tinh thần “liên kết” ấy càng cần phải được phát huy sâu sắc hơn, đặc biệt trong bối cảnh đất nước ta đang hội nhập sâu rộng. Nền công nghiệp thế giới được xây dựng từ việc kết nối giữa các nhà máy, giữa các khu công nghiệp với cảng biển, sân bay… Nền sản xuất và thương mại thế giới hiện nay được hình thành từ sự kết nối các chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của cách mạng 4.0 thực ra cốt lõi cũng là sự kết nối thông tin, kết nối số và các hàng rào về địa lý bị “mờ đi”. Trong giai đoạn tới, sự liên kết lại càng quan trọng hơn, giữa các doanh nghiệp, các quốc gia không chỉ để tối ưu hoá hơn nữa chuỗi sản xuất mà còn để giải quyết những vấn đề chung toàn cầu như bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Có thể nói, liên kết trong phát triển kinh tế là xu hướng tất yếu hiện nay khi một địa phương riêng lẻ, thậm chí một quốc gia riêng lẻ không thể giải quyết được một cách hiệu quả tất cả những vấn đề phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.
Liên kết kinh tế cấp vùng là một trong những phương hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách quan trọng nhằm tăng cường sự liên kết kinh tế của các tỉnh, thành phố trên cả nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đưa ra phương hướng “nghiên cứu phân vùng phù hợp, nâng cao chất lượng quy hoạch vùng theo hướng tích hợp, đa ngành; khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế – chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới…” Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 cũng xác định nhu cầu: “Phát triển kinh tế vùng: Xây dựng quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ quốc gia một cách hợp lý, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới.” Gần đây nhất, ngày 21/04/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 57/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế – xã hội trong đó nhấn mạnh vai trò chủ động liên kết của các tỉnh, thành phố.
Bốn địa phương chúng ta có sự gần gũi về mặt địa lý, có sự gắn bó lâu đời về lịch sử, văn hóa, và đời sống cộng đồng. Với tổng diện tích tự nhiên gấp 3 lần thủ đô Hà Nội, 5 lần thành phố Hồ Chí Minh và 8 lần so với Đà Nẵng, và quy mô dân số gấp gần 6 lần Đà Nẵng, bằng khoảng gần 80% dân số Hà Nội và bằng gần 70% dân số thành phố Hồ Chí Minh, bốn địa phương chúng ta có những tiềm năng để trở thành một trung tâm phát triển kinh tế của Việt Nam nếu liên kết lại. Bốn địa phương cũng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và hiện nay có sự kết nối về hạ tầng giao thông rất tốt khi cùng nằm trên trục cao tốc nối giữa Hà Nội với Hải Phòng và Quảng Ninh, đi qua Hưng Yên và Hải Dương. Quan trọng hơn nữa, cả bốn địa phương đều cho thấy sự năng động trong phát triển kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh. Quảng Ninh và Hải Phòng dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, trong khi Hải Dương và Hưng Yên là một trong những địa phương tiến bộ nhất cả nước theo kết quả của PCI gần nhất.
Liên kết kinh tế bốn địa phương sẽ mở rộng không gian phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Bốn địa phương khi liên kết lại sẽ có đầy đủ tiềm năng và điều kiện để tạo thành một khu vực kinh tế phát triển năng động như có cảng biển lớn quốc tế (tại Hải Phòng), có cửa khẩu trên bộ và trên biển với thị trường lớn nhất thế giới Trung Quốc (tại Quảng Ninh), có sân bay quốc tế (ở Hải Phòng, Quảng Ninh), có nguồn nhân lực còn dồi dào (tại Hải Dương và Hưng Yên) cùng không gian phát triển kinh tế còn rộng lớn và nhiều tiềm năng (như tại Hải Dương và Hưng Yên). Chính vì thế, mô hình liên kết kinh tế của bốn địa phương chúng ta sẽ củng cố các thế mạnh hiện có của cả bốn địa phương và bù đắp những bất lợi về nguồn lực. Từ đó, bốn địa phương có lợi thế chung để thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển doanh nghiệp, thu hút nhiều hơn nữa các dự án đầu tư có chất lượng, khắc phục các hạn chế về logistics và cũng qua đó cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh nói chung trong vùng.
Bối cảnh mới trên toàn cầu cũng như trong nước đang đặt ra cho cả bốn địa phương bài toán cần mở rộng không gian phát triển. So với các trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, chúng ta có cở sở hạ tầng còn kém phát triển hơn, quy mô thị trường nhỏ hơn, mật độ doanh nghiệp, số lượng và quy mô các dự án đầu tư đều thấp hơn. Muốn đi xa hơn, tiến bước vững chắc hơn và đạt nhiều thành tựu hơn trên “đại lộ” của sự thịnh vượng, chúng ta cần đi cùng nhau, bù đắp những hạn chế nguồn lực của từng địa phương để tạo nên sức mạnh chung của cả vùng. Chúng ta sẽ chung sức giải quyết các thách thức cấp vùng trong phát triển kinh tế nhằm tạo ra sự thịnh vượng chung, đồng thời hình thành vành đai kinh tế Đông Bắc Bộ, trở thành một trung tâm công nghiệp, kinh tế biển, và dịch vụ du lịch. Chúng ta cũng sẽ nỗ lực để bốn địa phương trở thành một cực tăng trưởng kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng. Tầm nhìn của chúng ta là xây dựng một mô hình liên kết kinh tế cấp vùng năng động, có định hướng toàn cầu và phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam về chiến lược liên kết vùng.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Khẳng định vai trò, tầm quan trọng của việc tăng cường liên kết vùng: Mục tiêu của sáng kiến kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông không chỉ thúc đẩy liên kết kinh tế giữa 4 tỉnh, thành phố, những địa phương đang là những cực tăng trưởng nằm trên trục đường cao tốc hướng Đông, mà còn hướng tới việc xây dựng một mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, thiết lập cơ chế điều phối và triển khai hiệu quả để khơi thông, kết nối các nguồn lực, bổ sung lợi thế cho nhau, tối ưu hóa việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế.
Tăng cường các hình thức liên kết, hợp tác phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của các địa phương gắn với các địa phương khác trong vùng sẽ tạo sự thống nhất và sức mạnh tổng hợp về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh cho mỗi địa phương, cho toàn vùng và cả nước, nhất là trên các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; giáo dục và đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng; sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hình thành, phát triển các dịch vụ và chuỗi sản phẩm du lịch…
Để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030: Xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, trung tâm logistic, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; là khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng – an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.
Với quan điểm “hạ tầng đi trước một bước”, “đường cao tốc mở ra đến đâu, văn minh đi đến đó”, những năm gần đây, Quảng Ninh đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể, trọng tâm ưu tiên là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng đô thị. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với nhanh chóng tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của Tỉnh; gắn chặt với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hiệu lực, hiệu quả thực thi thể chế, chính sách, pháp luật.
Thanh Bình