KTS tham gia thị trường chứng chỉ carbon, đồng hành cùng chủ rừng

“Với giá tối thiểu 10 USD/tấn, tham gia thị trường tín chỉ carbon giai đoạn 2022-2026, thì chỉ tính riêng 4,26 triệu ha rừng ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Việt Nam chúng ta có thể thu về 1.200 tỉ đồng” TS Lê Xuân Nghĩa thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BID) khẳng định.

Thế giới đã và đang hình thành thị trường tín chỉ carbon và các doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài nếu muốn xuất khẩu sang Mỹ và Châu Âu. Các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng các thế mạnh của riêng mình đầu tư vào lĩnh vực mới mẻ này trong đó có KTS Group.

KTS tham gia thị trường chứng chỉ carbon, đồng hành cùng chủ rừng
Rừng đang là “kho chứa” carbon, nhưng để nó trở thành hàng hóa giao dịch thì cần thêm các quy định. Ảnh TT

Nhìn ra thế giới

Ngày 10/5/2023, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon tại EU (CBAM) của Ủy ban Châu Âu chính thức có hiệu lực. Theo đó, trong giai đoạn chuyển tiếp từ 01/10/2023 đến 31/12/2025, các nhà nhập khẩu có nghĩa vụ báo cáo theo quy định tại Điều 33, 34 và 35 của Quy định (EU) 2023/956 sẽ phải báo cáo vào cuối mỗi quý phát thải được ghi trong hàng hóa CBAM (tuy chưa không phải thanh toán mức chi phí điều chỉnh), dành thời gian cho việc hoàn thiện hệ thống. Bắt đầu từ năm 2026 EU sẽ tính giá carbon đối với tất cả hàng nhập khẩu.

Riêng thị trường Mỹ đã ban hành cơ chế áp đặt thuế carbon lên các nhà nhập khẩu vào năm 2024. Đối với các sản phẩm xi măng, sắt, thép, nhôm, phân bón, điện và hydro, các nhà nhập khẩu phải báo cáo thông tin này hàng quý cho từng loại sản phẩm cho từng nhà cung cấp và sẽ bị phạt nếu không tuân thủ. Công ty Ampaire của Mỹ có trụ sở tại Hawthorne, California vừa thử nghiệm chế tạo thành công loại máy bay hybrid điện đầu tiên trên thế giới chở 9 hành khách, di chuyển 1.000 km và đặc biệt là giảm 70% lượng khí thải carbon so với máy bay dùng nhiên liệu thường. Hằng năm các chuyến bay trên toàn thế giới thải ra môi trường khoảng 1 tỉ tấn khí thải carbon, chiếm 3% lượng khí thải toàn cầu, một con số khá lớn nên được liệt vào ngành gây ra biến đổi khí hậu hàng đầu.

Quả ngọt đầu mùa

Năm 2023, Việt Nam đã nhận được hơn 41 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới chi trả cho các hộ trồng rừng ở sáu tỉnh Bắc Trung Bộ nhờ vào việc mua tín chỉ carbon từ rừng và cơ bản đã hoàn tất bản hợp đồng cam kết giảm 10,3 triệu tấn khí thải carbon từ 6 tỉnh nói trên đến năm 2025. Theo cam kết, Việt Nam sẽ nhận được tổng cộng 51,5 triệu USD, nếu hoàn tất bản hợp đồng nói trên, đơn giá tức mỗi tín chỉ carbon sẽ được mua với giá 5 USD (mỗi tín chỉ bằng 1 tấn CO2).

Việc Việt Nam đã hoàn thành cam kết trước 2 năm đã mở ra thị trường tín chỉ carbon có điều kiện phát triển. Việt Nam đã được hưởng lợi những quả ngọt đầu mùa, dù chặng đường phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn cần giải quyết cả về cơ chế, chính sách lẫn những vấn đề cụ thể, chi tiết.

TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng BID cho biết: “Để giảm phát thải khí nhà kính, các tổ chức, công ty liên quan đến các lĩnh vực quản lý chất thải năng lượng, GTVT, nông nghiệp,… cần chung tay nhưng trước mắt lĩnh vực lâm nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc đạt được mục tiêu hấp thụ carbon rừng, tạo sự cân bằng với giảm phát thải. Theo tính toán của tôi, một nhà máy xi măng công suất khoảng 5 triệu tấn/năm thì mỗi năm doanh nghiệp này sẽ phải nộp khoảng gần 10 tỉ đồng dịch vụ môi trường rừng cho lượng carbon phát thải, một con số không hề nhỏ”.

Hơn ai hết người dân địa phương Quảng Nam, địa phương đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng đang thu lợi trên 120 tỉ đồng/năm. Theo đó, với 680.000 ha rừng, độ che phủ đạt 58,6%, trong đó có 466.113 ha rừng tự nhiên, với khả năng hấp thụ khoảng hơn 11,2 triệu tấn khí carbon giai đoạn 2018-2025 địa phương này sẽ tạo ra được 6,1 triệu tín chỉ carbon rừng. Hiện nay, có ít nhất 5 công ty nước ngoài đăng ký mua lại giấy phép/tín chỉ carbon rừng của địa phương này.

TS Lê Xuân Nghĩa chia sẻ: “Viện BID đang quản lý hơn 500 ha rừng tự nhiên tại Hà Tĩnh, bốn năm trước đây các chuyên gia Đức đo đạc chỉ số carbon theo chuẩn quốc tế thì đã cho kết quả 195 tấn carbon/ha. Đưa lên sàn chứng chỉ carbon thì chúng tôi sẽ thu về ít nhất 800.000 USD, lớn hơn rất nhiều số tiền công chăm sóc, quản lý rừng 300 ngàn đồng/ha của người dân địa phương đang được hưởng hiện nay”.

KTS vào cuộc

Thị trường carbon trong nước đang trong giai đoạn hình thành, đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định triển khai thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2025 và từ năm 2028 mới chính thức hình thành thị trường carbon trong nước, từ đó mới có khả năng kết nối ra thị trường thế giới. Việt Nam hiện có trên 14,7 triệu ha rừng với tỷ lệ che phủ 42,02%, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 10 triệu ha, rừng trồng hơn 4,5 triệu ha; nếu phân theo mục đích sử dụng thì rừng đặc dụng chiếm hơn 2,1 triệu ha, trong đó 94.940 ha là rừng trồng; rừng phòng hộ hơn 4,6 triệu ha, trong đó 626.124 ha là rừng trồng; rừng sản xuất trên 7,8 triệu ha, trong đó hơn 3,8 triệu ha là rừng trồng (Bộ NN&PTNT, 2022).

Hiện các nhà đầu tư nước ngoài khá kén việc thu mua tín chỉ từ rừng trồng, bởi ngoài tuổi thọ của cây thì thảm thực vật ở ít hơn rừng tự nhiên, khiến việc hấp thụ carbon của rừng trồng ít hơn, cao nhất là rừng trông loại cây Keo tai tượng khoảng 93 tấn carbon/ha. Vì thế Việt Nam cần từng bước cải tạo rừng trồng thành rừng nguyên sinh để tạo ra nguồn carbon phong phú hơn, điều mà chỉ người dân sẽ khó lòng thực hiện được do hạn chế về vốn, khả năng quản lý.

Theo tìm hiểu của chúng tôi quy định về quyền sở hữu rừng ở Việt Nam rất phức tạp về nguyên tắc nó thuộc toàn dân, nhưng lại giao cho các chủ rừng quản lý. Hiện nước ta có diện tích rừng khá lớn, khoảng 14 triệu ha, nhưng có hơn 1 triệu chủ rừng nhỏ lẻ nên rất cần các doanh nghiệp lớn đồng hành cùng. Thực tế kinh nghiệm các nước khác để có thể phát triển thị trường tín chỉ carbon, cần nắm rõ các thông lệ quốc tế như carbon rừng là hàng hóa thì sẽ được dán nhãn ra sao, mức thuế bao nhiêu, cân, đong, đo, đếm ra sao, thuộc danh mục hàng hóa nào.

Hiện nay, KTS Group đang nghiên cứu đồng hành và hỗ trợ người dân phát triển thị trường này. Nhiều ứng dụng công nghệ quản lý rừng như báo cháy, tự động hóa bón phân, nước tưới sẽ được KTS Group triển khai. Trao đổi vấn đề này, ông Hoàng Văn Ngọc – Chủ tịch Tập đoàn KTS khẳng định: “Tiềm năng của rừng Việt Nam 50 – 70 triệu tấn tín chỉ carbon, có thể bán được hàng ngàn tỉ đồng. Rừng đang là “kho chứa” carbon, nhưng để nó trở thành hàng hóa giao dịch thì cần thêm các quy định. Carbon sẽ thuộc về ai, chỉ mình chủ rừng hay nhiều đối tượng khác?”. TS Lê Xuân Nghĩa sẽ đóng vai trò cố vấn cho KTS để phát triển thị trường này.

An Thanh

 

 

 

 

 

 

 

Bài Viết Liên Quan

Back to top button