KINH TẾ 2023: Tận dụng mọi thời cơ, vận hội để hồi phục và phát triển
Cần chủ động đối với mọi tình huống, nhất là những khó khăn mới phát sinh; tuyệt đối không chủ quan vì mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ đề ra cho năm 2023 và cả nhiệm kỳ khoá XIII là rất cao.
Từ thực tế đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể là cần chủ động đối với mọi tình huống, đặc biệt là những khó khăn, thách thức mới phát sinh; tuyệt đối không chủ quan, thoả mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được, vì mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ đề ra cho năm 2023 và cả nhiệm kỳ khoá XIII là rất cao, trong khi đất nước ta vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức lớn.
Đồng thời, cần quán triệt thật sâu sắc hơn nữa, tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và luật pháp, chính sách của Nhà nước về phát triển nhanh và bền vững.
Chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém cả trước mắt lẫn lâu dài của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,… gắn với tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cần quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hoá, xã hội, hài hoà và ngang tầm với phát triển kinh tế; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đánh giá, năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và đặc biệt là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 với chủ đề: “Đoàn kết, kỷ cương – Bản lĩnh, linh hoạt – Đổi mới, sáng tạo – Kịp thời, hiệu quả”; nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và trước nhân dân, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, phấn đấu với nỗ lực, quyết tâm cao nhất thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2023, tạo nền tảng vững chắc cho đất nước tiến lên, giành nhiều thắng lợi mới, năm 2023 nhất định phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2022 theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thủ tướng nêu rõ, muốn có kết quả cao hơn năm 2022 thì tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao hơn, nỗ lực phải lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.
Thủ tướng nêu rõ 6 quan điểm, định hướng chỉ đạo chung. Thứ nhất, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021 – 2030, các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, Nghị quyết 01 của Chính phủ và cụ thể hóa ra kế hoạch thực hiện của từng cấp, từng ngành và cơ quan; nâng cao năng lực dự báo và nắm chắc tình hình, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, không chuyển trạng thái đột ngột và luôn cầu thị, lắng nghe và phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả.
Thứ hai, phải phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, lấy khó khăn, thách thức làm động lực phấn đấu vươn lên – không hoang mang, dao động, bi quan nhưng cũng không chủ quan, lơ là mất cảnh giác. Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào nội lực là chính, ngoại lực là cần thiết, quan trọng.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành. Cái gì thuộc thẩm quyền thì phải chủ động làm, không trông chờ ỷ lại; kịp thời đề xuất, kiến nghị những vấn đề vượt thẩm quyền.
Thứ ba, đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, các vấn đề tồn đọng kéo dài, vừa kịp thời ứng phó với những vấn đề cấp bách, bất ngờ phát sinh, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ trong trung và dài hạn. Tập trung tháo gỡ khó khăn, có các giải pháp chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho sản xuất kinh doanh; bảo đảm đồng bộ các mục tiêu trước mắt và lâu dài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.
Thứ năm, bảo đảm an sinh xã hội, an dân; khôi phục và ổn định thị trường lao động, cơ cấu lại lực lượng lao động và nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.
Thứ sáu, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế. Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn
Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của năm 2023 đã được trình bày tại dự thảo Nghị quyết 01, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án, nội dung trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội nghị Trung ương, các kỳ họp Quốc hội để xử lý các vấn đề đặt ra, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn. Trong đó, quyết liệt triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị, chương trình hành động của Chính phủ về phương hướng phát triển phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng kinh tế – xã hội và quy hoạch 6 vùng.
Cùng với đó, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Tập trung thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả theo phương châm quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược và mở ra cơ hội, không gian phát triển mới.
Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, tiếp tục nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt và các hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa; phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; với sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo việc làm, phục hồi thị trường lao động. Đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Tập trung thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn. Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường.
Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống nhân dân. Xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương chuẩn bị cho người dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, mọi người đều có Tết, không có ai bị bỏ lại phía sau.
Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả. Đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Đẩy mạnh thông tin truyền thông, nhất là chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước và tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc, sai sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước.
Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.