Kinh nghiệm quốc tế về chính sách trợ cấp và khuyến khích tín dụng xanh
Các thị trường nổi bật như Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia có các kinh nghiệm thực tế ra sao về chính sách trợ cấp và khuyến khích tín dụng xanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh?
Tín dụng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các đổi mới xanh, được thực hiện thông qua hai công cụ chính: trái phiếu xanh và các cho vay xanh.
Trái phiếu xanh là trái phiếu do chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp phát hành nhằm huy động vốn cho dự án xanh (Luật Bảo vệ Môi trường, 2020). Nhằm đảm bảo rằng nguồn tiền thu được từ trái phiếu xanh sẽ được sử dụng đúng mục đích, các dự án này cần phải được kiểm tra và giám sát bởi các tổ chức độc lập và uy tín. Lãi suất coupon của trái phiếu xanh có thể được thiết kế dựa trên mức độ lạm phát hoặc các chỉ số xanh.
Vay xanh các khoản vay mà người vay cam kết sử dụng vốn để đầu tư vào các dự án có lợi ích môi trường, như nâng cao hiệu suất năng lượng hoặc xây dựng hạ tầng xanh.
Các quốc gia như Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia thực tế đều có các chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển tín dụng xanh.
Chính sách hỗ trợ tăng trưởng cho vay xanh
Trung Quốc hiện có dư nợ tín dụng xanh lớn nhất trên thế giới, ước tính ở mức 3,3 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2022, ở mức 8% tổng dư nợ. Chính sách tín dụng xanh của Trung Quốc bắt đầu từ năm 2007 tập trung vào ba khía cạnh (i) yêu cầu các ngân hàng cung cấp tín dụng cho các dự án bảo vệ môi trường (BVMT), giảm phát thải, bảo tồn năng lượng và tài nguyên, trong khi đó (ii) hạn chế cho vay các công ty có ô nhiễm cao, phát thải cao và các ngành dư thừa, và cuối cùng là (iii) rút vốn khỏi các ngành cấm. Nhờ đó, chính sách góp phần làm giảm các tác hại môi trường, giảm rủi ro vỡ nợ của hệ thống ngân hàng, từ đó tăng mức độ ổn định tài chính của hệ thống.
Chính sách này đã đạt được kết quả tốt với tác động đến tăng trưởng và môi trường, tuy tác động còn hạn chế vì tập trung vào việc hạn chế dòng vốn chảy vào các ngành nâu, mà thiếu đi các trợ cấp cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng các ngành xanh.
Các nhà nghiên cứu và cộng sựu đã nghiên cứu tình huống phát triển tín dụng xanh tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc với trọng tâm chính sách là lồng ghép chính sách tài chính xanh vào chính sách quản lý môi trường của tỉnh, xây dựng công cụ hỗ trợ phân loại công ty tạo tham chiếu cho quyết định cho vay của các ngân hàng địa phương, và cung cấp thông tin dữ liệu môi trường của các công ty gây ô nhiễm.
Hệ thống phân loại tỉnh Giang Tô chia các công ty thành 5 nhóm dựa trên hiệu suất quản trị môi trường, bao gồm các nhóm (1) đen và (2) đỏ có hiệu suất môi trường yếu kém, nhóm vàng (3) chỉ vừa đạt yêu cầu tuân thủ và nhóm (4) xanh lá và (5) xanh dương là các công ty có hiệu suất vượt trội. Hệ thống phân loại này được cơ quan bảo vệ môi trường của tỉnh thực hiện. Dựa trên tham chiếu này, các ngân hàng hạn chế cho vay đối với các công ty nằm trong nhóm có hiệu suất quản trị môi trường yếu kém, và hỗ trợ cho vay các công ty có hiệu suất vượt trội.
Chính sách này đã góp phần tạo cơ sở cho các ngân hàng thực hiện chính sách, tuy vậy, còn có tác động khiêm tốn. Một nguyên nhân dẫn đến sự kém hiệu quả của hệ thống phân loại là nó không thực sự giúp các ngân hàng hạn chế các công ty có hiệu suất môi trường kém, khi tỷ lệ các công ty ở nhóm đen chỉ chiếm 1%, nhóm đỏ chỉ chiếm 3% trên tổng số công ty. Hơn nữa, mặc dù có sự cải thiện trong tiếp cận thông tin, dữ liệu môi trường được cơ quan bảo vệ môi trường của tỉnh cung cấp còn thiếu và không kịp thời, dẫn đến việc ngân hàng không thể ra quyết định giảm hoặc dừng cho vay vì thiếu thông tin.
Cuối cùng, có sự tranh chấp giữa nguồn thu từ thuế và chính sách hạn chế cho vay các công ty ô nhiễm.
Chính sách hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu xanh
*Trung Quốc: Thượng Hải
Là một trung tâm tài chính quốc tế, Thượng Hải là nhân tố chủ chốt trong thị trường trái phiếu xanh của Trung Quốc, kết nối thị trường tài chính Trung Quốc với thế giới. Thị trường này đã tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây – đạt top 20 những trung tâm tài chính quốc tế theo xếp hạng Chỉ số Tài chính xanh Toàn cầu.
Đầu năm 2023, lấy chiến lược giảm phát thải làm trọng tâm trong kế hoạch hành động tài chính xanh, Thượng Hải triển khai Kế hoạch hành động tài chính xanh, đặt mục tiêu tổng giá trị tài chính xanh trên 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2025, thiết lập tiêu chuẩn ngành tài chính xanh, phát triển hệ sinh thái dịch vụ tài chính xanh, phát triển ổn định các hoạt động như tài chính xanh, trái phiếu xanh, quỹ xanh, quỹ tín thác xanh, quản lý tài sản xanh và cho thuê xanh; tăng cường khả năng đổi mới tài chính xanh liên tục, và xây dựng kế hoạch tài chính xanh có khả năng tái sản xuất và mở rộng.
Để hỗ trợ các tổ chức tài chính và nhà đầu tư, các cơ quan quản lý tài chính của Thượng Hải đã đưa ra các hướng dẫn và quy định khuyến khích các tổ chức tài chính đánh giá và quản lý rủi ro môi trường. Những quy định này giúp đảm bảo rằng các cân nhắc về môi trường được lồng ghép vào các hoạt động cho vay, đầu tư và quản lý rủi ro. Cùng với đó, Thượng Hải đã ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực tích hợp các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào các quyết định đầu tư và kinh doanh – góp phần thực hiện các hoạt động tài chính có trách nhiệm và bền vững hơn.
*Singapore
Theo Chỉ số Tài chính Xanh Toàn Cầu (Global Green Finance Index), chỉ trong 3 năm, Singapore đã đứng đầu khu vực và xếp thứ 11 trên tổng số 86 trung tâm tài chính quốc tế.
Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) triển khai GBGS (Chương trình tài trợ trái phiếu xanh kỳ hạn 3 năm) từ năm 2017, cung cấp tài trợ chi phí xác minh từ bên ngoài, một yêu cầu bắt buộc để trái phiếu được gắn nhãn là “xanh”, góp phần làm giảm chi phí phát hành trái phiếu xanh
Từ năm 2019, Ngân hàng trung ương Singapore (MAS) đã ra mắt Kế hoạch hành động tài chính xanh, cùng với sự thành lập của Uỷ ban Công nghiệp Tài chính Xanh (GFIT), nhằm xây dựng Singapore thành trung tâm tài chính xanh hàng đầu châu Á, sử dụng tài chính xanh và bền vững như một cách tiếp cận chính để đạt các cam kết giảm phát thải.
Để hướng dẫn và khuyến khích các tổ chức tài chính tham gia vào chuyển đổi xanh, MAS đã nghiên cứu việc tích hợp đánh giá rủi ro khí hậu vào lĩnh vực tài chính, cho phép các tổ chức hiểu rõ hơn và quản lý các rủi ro liên quan đến khí hậu. Cùng với đó, MAS đã đưa ra các hướng dẫn và quy định nhằm khuyến khích các tổ chức tài chính lồng ghép các vấn đề về môi trường vào các hoạt động cho vay, đầu tư và quản lý rủi ro của họ – bao gồm cả việc đánh giá và quản lý rủi ro môi trường liên quan đến danh mục đầu tư.
Các nỗ lực đổi mới trong ngành tài chính cũng được Singapore khuyến khích như phát triển các sản phẩm tín dụng xanh như trái phiếu xanh, các hình thức nợ bền vững, cho vay liên kết bền vững và các giải pháp công nghệ cho tài chính bền vững… MAS đã cung cấp các hướng dẫn và khuôn khổ để các tổ chức phát hành, đảm bảo tính minh bạch và độ tin cậy trong việc sử dụng tiền thu được cho các dự án thân thiện với môi trường. Lấy ví dụ từ cho vay liên kết bền vững – những khoản vay này cung cấp các ưu đãi tài chính cho người đi vay dựa trên việc họ đạt được các mục tiêu bền vững cụ thể.
*Malaysia
Chương trình Hỗ trợ Trái phiếu Xanh được Chính phủ Malaysia triển khai từ tháng 7 năm 2017, nhằm hỗ trợ các tổ chức phát hành Trái phiếu Sukuk Bền vững và Trách nhiệm Xã hội Xanh.
Các trợ cấp được sử dụng để chi trả các chi phí liên quan đến việc phát hành trái phiếu xanh này, như chi phí đánh giá độc lập bên ngoài. Để nhận được các hỗ trợ này, các dự án phải phù hợp với Khuôn khổ “Sukuk Bền vững” có thể được chi trả 90% chi phí kiểm tra độc lập, với tối đa là MYR300,000 ($77,536) mỗi lần phát hành trái phiếu. Các tổ chức nhận được hỗ trợ cũng được miễn thuế.
*Indonesia
Chính phủ Indonesia thiết lập khuôn khổ và quy định quốc gia riêng cho việc phát hành trái phiếu xanh, cũng như Khuôn khổ Trái phiếu Xanh và Sukuk Xanh quốc gia từ năm 2017. Theo khuôn khổ này, tiền thu được từ sukuk xanh hoặc trái phiếu xanh chỉ được sử dụng để tài trợ và hoặc tái tài trợ cho “Các Dự Án Xanh Đủ Điều Kiện”.
Chính phủ Indonesia xem xét và phê duyệt các dự án, phân bổ ngân sách và các khoản hỗ trợ được bao gồm trong ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính Indonesia chịu trách nhiệm báo cáo, mô tả các dự án được phân bổ cho tiền thu được từ trái phiếu xanh và sukuk xanh, số tiền thu được và ước lượng về tác động tích cực từ việc triển khai các Dự Án Xanh Đủ Điều Kiện. Với cách làm này, chính phủ Indonesia đã phát hành hơn một nửa nửa số trái phiếu xanh trong thị trường.