Kinh doanh bền vững trong thời đại mới: Vượt lên trên sự tuân thủ
Những nỗ lực tích cực, chủ động trong chuyển đổi và thực hành kinh doanh bền vững của cộng đồng doanh nghiệp đã vượt ra khỏi yêu cầu cơ bản của sự tuân thủ.
Chúng ta đang bước vào quý cuối cùng của năm 2024 và 3 tháng tới đây được đánh giá là 3 tháng quan trọng đối với con người, thiên nhiên và khí hậu bởi các nhà lãnh đạo từ hầu hết các quốc gia trên thế giới sẽ tham dự một loạt hội nghị thượng đỉnh quốc tế từ nay đến cuối năm. Tiêu biểu trong số các hội nghị nói trên đó là Đại hội đồng Liên hợp quốc và Tuần lễ Khí hậu tại New York, Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc (COP29), Tuần lễ cấp cao ASEAN,…
Thế giới bước vào kỷ nguyên phát triển mới
Năm ngoái, Global Stocktake cho biết thế giới còn cách rất xa mục tiêu 1,5°C và đang hướng tới mức nóng lên thảm khốc 2,9°C vào cuối thế kỷ này, hay thậm chí lên tới 4°C nếu các quốc gia không thực hiện được kế hoạch khí hậu hiện tại.
Cũng chỉ tính riêng trong năm 2023, thế giới đã mất đi 3,7 triệu ha rừng nguyên sinh nhiệt đới, tương đương 10 sân bóng đá mỗi phút. Nhiều ý kiến đánh giá năm 2024 đem đến cơ hội cuối cùng để đạt được một tương lai tốt đẹp hơn.
Điều đó cũng một lần nữa được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh trong bài phát biểu ở Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai tại New York cuối tháng 9 vừa qua, rằng “Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới tốt đẹp hơn, vì sự phát triển tiến bộ, công bằng xã hội, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của người dân khi chúng ta thống nhất nhận thức cùng hành động, cùng nỗ lực và hợp tác chặt chẽ hiệu quả”.
Cũng theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) của thế giới và lợi ích của con người phải được đặt ở vị trí trung tâm, là mục tiêu cao nhất của chúng ta. Trong bối cảnh hiện nay, tính tất yếu và cấp bách của các mục tiêu PTBV là không thể phủ nhận. Thế giới chỉ còn hơn 1.900 ngày để nỗ lực hướng tới hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 (Agenda 2030). Theo “Báo cáo SDG 2023: Phiên bản đặc biệt” của Liên hợp quốc, hơn 30% trong số mục tiêu không có sự tiến triển nào, thậm chí thụt lùi so với mức cơ sở 2015.
Nói như vậy để thấy các quốc gia cần hợp tác và hành động quyết liệt hơn nữa để có thể tiến gần hơn đến việc hiện thực hóa 17 SDGs. Trong đó, sự cam kết mạnh mẽ và tham gia tích cực hơn của cộng đồng doanh nghiệp trong kinh doanh bền vững, kinh doanh có trách nhiệm là hết sức cần thiết.
Giờ đây, thay vì nhìn nhận PTBV và lợi nhuận là “hai mặt của đồng xu”, thì doanh nghiệp nên coi đó là một “phương trình cân bằng”, tương hỗ, bổ trợ nhau.
Sự chuyển mình của cộng đồng kinh doanh
Cũng trong tháng 9 vừa qua, theo lời mời của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự PTBV thế giới (WBCSD), tôi đã tham gia Cuộc họp Hội đồng thường niên của WBCSD được tổ chức cùng thời điểm diễn ra chuỗi các sự kiện của Tuần lễ Khí hậu tại New York.
Một trong những chủ đề chính của cuộc họp này là những nỗ lực hướng tới giảm phát thải các-bon của cộng đồng doanh nghiệp thế giới. Bên cạnh đó, các phiên thảo luận cũng tập trung vào các nội dung về thúc đẩy trách nhiệm giải trình, hiệu suất của doanh nghiệp; giải quyết các rủi ro vật chất trong chuỗi giá trị; đồng thời nêu bật các thách thức và cơ hội cho sự thay đổi mang tính chuyển đổi.
Tôi rất ấn tượng với con số 6.046 doanh nghiệp, đại diện cho hơn 1/3 tổng số vốn hóa thị trường toàn cầu đã xây dựng các mục tiêu dựa trên khoa học để giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính của họ, trong đó có tới 75% lượng phát thải này thuộc Phạm vi 3.
Hàng loạt các sáng kiến và nền tảng toàn cầu đã được giới thiệu và được cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu hưởng ứng như Global Circularity Protocol – một khung công cụ thúc đẩy hành động, đưa ra các hướng dẫn cho doanh nghiệp trong việc đặt mục tiêu, đo lường, báo cáo và công bố thông tin về nỗ lực thực hiện kinh tế tuần hoàn và hiệu quả sử dụng tài nguyên; hay Trung tâm Thúc đẩy Nhu cầu Khử các-bon của WBCSD, với sự tham gia của các DN thành viên WBCSD, hướng tới thúc đẩy chuyển đổi lĩnh vực công nghiệp theo hướng Net Zero.
Những dẫn chứng đó cho thấy cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu đang tích cực chuyển đổi một cách quyết liệt và gấp rút để bước từ một nền kinh tế “xám” sang một nền kinh tế “xanh” và bền vững.
Làm chủ “cuộc chơi kinh doanh”
Với sự nhận thức rõ ràng về các rủi ro khí hậu, rủi ro của việc không hành động, cùng một tầm nhìn dài hạn và niềm tin vững chắc vào lợi ích lâu dài của PTBV, những doanh nghiệp tiên phong không chỉ đáp ứng các quy định, thực hiện tốt trách nhiệm giải trình, mà còn kiến tạo được những giá trị mới khi sẵn sàng vượt lên trên sự tuân thủ.
Từ đó, họ xác lập được cho riêng mình vị thế của người định hình và làm chủ “cuộc chơi kinh doanh” trong thời đại chuyển đổi xanh. Đây cũng là hướng đi mà các doanh nghiệp Việt Nam cần học hỏi nếu muốn bứt phá trong thời đại mới.
VCCI đã luôn tiên phong, bền bỉ trong nỗ lực hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi, thực hành sản xuất, kinh doanh trách nhiệm, bền vững. Trong bối cảnh mới hướng tới chuyển đổi xanh và mục tiêu Net Zero, VCCI đã, đang thể hiện mạnh mẽ hơn vai trò là một nhân tố thúc đẩy chuyển đổi đồng bộ thông qua các hoạt động kiến nghị chính sách; kết nối giao thương kinh tế trong nước – quốc tế; xây dựng và lan tỏa các bộ chỉ số như Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) hay Bộ chỉ số Khu công nghiệp bền vững (SIP Index) hiện đang được hoàn thiện để triển khai.
Tôi tin rằng những nỗ lực của VCCI và của cộng đồng doanh nghiệp sẽ là những “mảnh ghép” quan trọng trong “bức tranh” chuyển đổi đồng bộ để cùng hướng tới một tương lai xanh, bình đẳng, bao trùm và bứt phá vươn tầm cao mới.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp