“Kích” đầu tư tư nhân bằng động lực nào?
Tăng trưởng tổng đầu tư của nền kinh tế giảm đáng kể xuống còn 4,7% trong nửa đầu năm 2023 so với 10,7% cùng kỳ năm trước, chủ yếu do đầu tư tư nhân yếu đi.
Trầm lắng đầu tư tư nhân
Dữ liệu về số lượng doanh nghiệp thành lập và doanh nghiệp đóng cửa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy sự năng động của khu vực tư nhân đang giảm trong nửa đầu năm 2023 khi nền kinh tế chịu tác động của suy thoái toàn cầu.
Mặc dù số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới vẫn cao hơn so với số lượng doanh nghiệp đóng cửa ở mức 1,5 lần trong nửa đầu năm (so với 1,8 lần trong cùng kỳ năm 2022) nhưng tốc độ đóng cửa doanh nghiệp lại gia tăng (lần lượt ở mức 11 và 18,3% so cùng kỳ trong các quý 1 và 2), trong khi tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới vẫn khá khiêm tốn (lần lượt ở mức -2 và 0,8% so cùng kỳ trong các quý 1 và 2).
Quy mô bình quân của doanh nghiệp mới thành lập cũng giảm. Theo Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu năm 2023 bình quân doanh nghiệp đăng ký thành lập mới sử dụng ít vốn chủ sở hữu và ít lao động hơn so với doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường trong nửa đầu năm 2022.
Theo Ngân hàng Thế giới, trong điều kiện kinh tế trong nước chịu tác động bất lợi, sức cầu trong nước và bên ngoài chững lại, xuất khẩu giảm đã khiến đóng góp của đầu tư tư nhân trong nước cho tổng đầu tư hạ xuống 1,4 điểm phần trăm trong nửa đầu năm 2023 (giảm so với 7% cùng kỳ năm trước). Dự kiến các diễn biến kinh tế toàn cầu tiếp tục không thuận lợi, các doanh nghiệp tư nhân trong nước trở nên thận trọng với đầu tư mới.
Tình hình thị trường lao động cũng giảm sôi động trong nửa đầu năm 2023 là một trong những phản chiếu các hoạt động kinh tế đang chững lại. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm không thay đổi trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước nhưng tăng trưởng việc làm giảm từ 2,2% so cùng kỳ trong quý đầu năm 2023 xuống còn 1,4% so cùng kỳ trong quý 2, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 4% trong giai đoạn trước đại dịch.
Xem xét tăng đầu tư công
Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực trong nới lỏng chính sách tiền tệ gần đây, theo Ngân hàng Thế giới đã góp phần cải thiện thanh khoản. Ngân hàng Nhà nước tái ban hành hướng dẫn về tái cơ cấu thời hạn trả nợ, những hạn chế về huy động tài chính trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng dự kiến sẽ được nới, tạo cơ hội để đầu tư có thể dần phục hồi từ năm 2024 trở đi.
Đầu tư tư nhân dự báo có thể được cải thiện nếu xuất khẩu hàng hóa phục hồi dần trong quý 4, do cầu từ các thị trường lớn khởi sắc, thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.
Ngoài động lực tăng trưởng trên, Ngân hàng Thế giới cho rằng, duy trì bền vững mức đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cơ sở hạ tầng xã hội và sản xuất, tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân đẩy mạnh đầu tư. Nói một cách khác, trong thời điểm hiện nay, đầu tư công được xem là động lực dẫn dắt đầu tư tư nhân.
Đặc biệt, Ngân hàng Thế giới cho rằng, hiện đầu tư công đang ở mức thấp so với nhu cầu ngày lớn. Việt Nam còn dư địa tài khóa rộng – nợ công và nợ được khu vực công bảo lãnh đang ở mức 35,7% GDP vào năm 2022 so với ngưỡng nợ 60% do Quốc hội đề ra – và có thể chi đầu tư công nhiều hơn để đẩy mạnh tăng trưởng bền vững.
Bên cạnh các giải pháp ngắn hạn, cần thiết thực hiện một số cải cách cơ cấu mới trong trung và dài hạn. Đây là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao năng suất và tính bền vững cho tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục cải cách giảm nhẹ gánh nặng quy định hành chính cho các doanh nghiệp là điều kiện cần để nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh.
Quan trọng hơn, tiếp tục cải cách trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước có thể tạo xúc tác thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, nâng cao năng suất để nâng cao hiệu quả tổng thể của nền kinh tế. Xúc tiến tài chính toàn diện là cách trao quyền cho các cá nhân và doanh nghiệp tham gia đầy đủ hơn vào các hoạt động kinh tế, gia tăng đóng góp của họ cho tăng trưởng bền vững.
Trong trung hạn, nâng cao khả năng chống chịu của các mặt hàng xuất khẩu, tiếp tục đa dạng các mặt hàng xuất khẩu, thị trường xuất khẩu cũng cần được thực hiện nhằm giảm nhẹ những rủi ro, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế liên quan đến cú sốc bên ngoài.