Kích cầu sức mua Tết
Các doanh nghiệp bán lẻ đã phối hợp với các nhà cung cấp tổ chức nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sâu nhằm kích cầu tiêu dùng ở thời điểm sức mua tăng mạnh nhất trong năm.
Những ngày giáp Tết Nguyên Đán là thời kỳ cao điểm kinh doanh của thị trường bán lẻ. Nền kinh tế năm nay đã phục hồi nhưng ảnh hưởng của suy thoái kinh tế trên thế giới ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của một bộ phận người dân. Vì vậy, thị trường bán lẻ năm nay ghi nhận nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng hấp dẫn của các doanh nghiệp phân phối và sản xuất nhằm chia sẻ khó khăn, giảm áp lực chi tiêu với người tiêu dùng, góp phần bình ổn giá và tăng sức mua.
Các chương trình giảm giá đang được đồng loạt triển khai tại nhiều hệ thống siêu thị trên cả nước thông qua nhiều hình thức như giảm giá trực tiếp trên sản phẩm, mua 2 tặng 1, tặng quà trên tổng giá trị hoá đơn… Do đặc thù năm nay, Tết Dương lịch gần với Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nên các doanh nghiệp bán lẻ đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng từ sớm để có mức giá bán hợp lý cũng như tổ chức các chương trình khuyến mại liên tiếp.
Từ sau rằm tháng Chạp, lượng khách mua sắm tại các siêu thị lớn đã đông hơn ngày thường. Ở thời điểm này, các mặt hàng Tết như bánh kẹo, đồ khô, nước giải khát, các loại hạt, ô mai… được khách hàng lựa chọn nhiều hơn.
“Năm nay, bánh kẹo được đóng gói đẹp, dưới dạng túi quà lịch sự phù hợp để làm quà biếu hoặc bày thắp hương. Các mặt hàng này có hạn sử dụng dài, không bảo quản lạnh nên gia đình tôi ưu tiên mua sớm. Từ ngoài 25 Tết tôi chỉ phải mua thêm thực phẩm tươi sống như thịt gà, thịt lợn, giò chả, bánh chưng và rau củ cho đỡ vội” – chị Nguyễn Thị Hà, khu đô thị Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết.
Tại hệ thống siêu thị MM Mega Market, các chương trình khuyến mại với mức giảm trung bình áp dụng cho các mặt hàng thiết yếu đã kích cầu tiêu dùng. Sức mua hiện nay đã tăng 40 – 50% so với ngày bình thường. Đại diện hệ thống siêu thị này kỳ vọng, con số này tiếp tục tăng trưởng trong những ngày giáp Tết nhờ các khuyến mại, giảm giá kéo dài. Trong đó, các mặt hàng đặc thù chỉ bán nhiều dịp Tết như bánh kẹo, mứt, giỏ quà Tết, bánh chưng… có thể có mức giảm giá lớn để tránh tình trạng tồn hàng.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung – Giám đốc hệ thống siêu thị Co.op Mart Hà Nội cho biết: Các mặt hàng bán chạy nhất là thực phẩm chế biến sẵn đồ khô, bánh kẹo, rượu bia… Trong 10 ngày trước Tết Nguyên đán Quý Mão, siêu thị Co.op Mart có thể sẽ tiếp tục giảm giá sâu hơn cho các mặt hàng như lạp xưởng, trái cây, bánh chưng, mâm cỗ Tết… nhằm kích cầu tiêu dùng, giảm áp lực mua sắm cho người dân.
Tương tự, hệ thống phân phối AEON Việt Nam đã triển khai chương trình giảm giá từ 30% – 40% cho nhiều mặt hàng thiết yếu, giảm từ 10% – 45% cho các sản phẩm mang thương hiệu TOPVALU – nhãn hàng riêng của Aeon. Đặc biệt, để giảm áp lực thanh toán, siêu thị đẩy mạnh mua sắm trực tuyến, khuyến khích khách hàng đặt hàng qua ứng dụng, thanh toán không dùng tiền mặt… Đi kèm với đó là các mã giảm giá, khuyến mại.
Dự báo lượng khách tăng mạnh trong 10 ngày cuối năm âm lịch, đại diện các doanh nghiệp phân phối đều khẳng định: đã có phương án dự trữ hàng hóa để phục vụ tốt nhất với số lượng đủ và giá hợp lý. Trung bình 2 – 3 tiếng nhân viên siêu thị bổ sung hàng lên kệ một lần cũng như mở rộng khung giờ bán hàng, trong những ngày cao điểm có thể phục vụ đến 23 giờ; tăng số lượng quầy thanh toán…
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn