Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam

Ngày 18/2, tại Hà Nội, Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) thuộc Văn phòng Dịch vụ dự án Liên hợp quốc (UNOPS) tổ chức Hội thảo “Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam”.

Sự kiện có sự tham dự của đại diện từ các bộ, ban ngành TƯ, bao gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI); Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), và các tổ chức quốc tế UNCTAD, OECD, Ngân hàng Thế giới, GIZ, AFD…, cùng các chuyên gia và hơn 100 đại biểu tham dự dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp đến từ các bộ, ngành, tổ chức nghề nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan báo chí ở TƯ và Hà Nội, và những người quan tâm đến chủ đề chuyển dịch năng lượng.

Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam
Các đại biểu tham dự Hội thảo “Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam”

Phát biểu hội thảo, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang trong thời kỳ tăng trưởng nhanh do đó nhu cầu năng lượng ngày càng cao. Để lĩnh vực năng lượng tăng trưởng đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế cần có nhiều giải pháp thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là thu hút nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân.

Dự án “Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam” hỗ trợ MPI trong việc thực hiện nhiệm vụ được nêu thuộc Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, cũng như phù hợp với các mục tiêu của Việt Nam đặt ra trong Quy hoạch điện VIII và Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với mục tiêu tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư và phát triển các dự án năng lượng, chương trình sẽ nghiên cứu các thông lệ tốt của quốc tế trong việc huy động vốn tư nhân, đánh giá cấu trúc và công cụ hiện tại của Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị phù hợp, các công cụ, phương pháp thu hút vốn hiệu quả. Bên cạnh đó, chương trình sẽ xây dựng lộ trình thực hiện toàn diện cho các khuyến nghị này và tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại giữa các bên liên quan để tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân vào quá trình chuyển đổi năng lượng.

Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam
Hội thảo hướng tới mục tiêu tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư và phát triển các dự án năng lượng tại Việt Nam

Chia sẻ tại hội thảo, bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, các dự án PPP trong lĩnh vực năng lượng có dấu hiệu chững lại trong thời gian gần đây.

Việc thực hiện các dự án PPP trong lĩnh vực năng lượng còn một số thách thức. Trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam, các dự án nhiệt điện than chuyển tiếp đang gặp khó khăn khi ký hợp đồng do không được tài trợ vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế. Trong khi đó, các dự án chuyển tiếp hiện nay phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn thu xếp từ các tổ chức tài chính quốc tế, trong khi các tổ chức này có yêu cầu cấp vốn rất chặt chẽ, cần các bảo đảm, bảo lãnh từ phía Chính phủ – cam kết chịu trách nhiệm từ phía Chính phủ. Vì vậy, việc thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân cần được đẩy mạnh, các chính sách phải đủ sức hấp dẫn để thu hút nguồn lực từ khu vực này vào lĩnh vực năng lượng.

Về giải pháp huy động vốn cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Thị Nhung, chuyên gia của Dự án “Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam” cho rằng cần giải quyết các vấn đề chính sách pháp lý để tăng cường niềm tin của nhà đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo.

Xây dựng khuôn khổ giá điện cho các loại dự án năng lượng tái tạo khác nhau để giúp các nhà đầu tư chuẩn bị tốt hơn cho kế hoạch triển khai dự án. Bên cạnh đó, là các chính sách ưu đãi về thuế, phí và lệ phí cho các khoản đầu tư xanh nói chung và các dự án năng lượng tái tạo nói riêng.

Ưu tiên vốn trong nước bằng cách thúc đẩy trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu xanh. Xây dựng hệ thống giám sát toàn diện để đánh giá hiệu quả của các nguồn tài trợ nói chung, với trọng tâm đặc biệt vào dòng vốn xanh.

Hội thảo Khởi động giới thiệu về dự án, nêu rõ mục tiêu và thảo luận về sự tham gia của khối tư nhân trong việc đầu tư phát triển năng lượng bền vững trên phạm vi toàn cầu và tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hội thảo là cơ hội để đội ngũ tư vấn trình bày phương pháp tiếp cận đối với dự án hỗ trợ kỹ thuật và thu thập ý kiến phản hồi, đánh giá từ các bên liên quan.

Lê Quân

Bài Viết Liên Quan

Back to top button