Khơi thông nguồn vốn giá rẻ

Dù lãi suất đã và đang giảm mạnh, nhưng nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ.

Khơi thông nguồn vốn giá rẻ

Để tăng khả năng tiếp cận vốn, ngân hàng và doanh nghiệp cần nỗ lực để “hiểu nhau hơn”. Ảnh: Hồng Giang

Theo nhiều chuyên gia, để tăng khả năng tiếp cận vốn thì cả ngân hàng và doanh nghiệp cần nỗ lực để “thấu hiểu nhau hơn”. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các quỹ bảo lãnh tín dụng (BLTD).

Lãi suất giảm, tín dụng vẫn chậm

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, theo báo cáo của các TCTD, đến hết tháng 10/2023, lãi suất các khoản cho vay mới đã giảm khoảng 3%.

Mặc dù lãi suất đã giảm mạnh, nhưng tín dụng vẫn không đạt mục tiêu đề ra. Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt 13,5%, mặc dù cao hơn nhiều con số 11,09% được Tổng cục Thống kê công bố vào ngày 21/12/2023, nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu 14 – 15% mà NHNN đề ra hồi đầu năm 2023.

Có hai nguyên nhân khiến tín dụng gặp khó đã được cả giới chuyên gia chỉ ra và cũng được NHNN nhiều lần thừa nhận. Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn do hoạt động sản xuất – kinh doanh gặp khó khăn, tồn kho sản phẩm lớn. Thứ hai, một số doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng không đáp ứng được điều kiện mà các ngân hàng đưa ra.

Cần đồng bộ các giải pháp

Theo TS. Lê Duy Bình – Giám đốc Economica Việt Nam, giảm lãi suất mới chỉ là một “chìa khóa” để mở cánh cửa đưa tín dụng quay trở lại nền kinh tế mạnh mẽ hơn. “Chìa khóa” thứ hai do chính các doanh nghiệp và người dân nắm giữ, đó là năng lực hấp thụ vốn. “Lãi suất cho vay giảm nhưng cũng cần đi kèm với năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp được cải thiện, đơn hàng của doanh nghiệp gia tăng”, TS. Bình nhấn mạnh.

Để tháo gỡ nguyên nhân thứ hai, cần nỗ lực của cả ngân hàng và doanh nghiệp. Về phía ngân hàng, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia ngân hàng, hiện hoạt động cho vay của các ngân hàng trong nước vẫn dựa chủ yếu vào tài sản đảm bảo. Bởi vậy, các ngân hàng nên đẩy mạnh cho vay tín chấp, cho vay dựa trên hàng tồn kho, cho vay dựa trên dòng tiền…

Ngoài ra, cần phát huy vai trò của các Quỹ BLTD. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, nhiều chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh tái cấu trúc các Quỹ BLTD theo hướng sắp xếp các Quỹ BLTD địa phương thành một chi nhánh trực thuộc quỹ Trung ương. Đặc biệt, cần bổ sung thêm nguồn lực cho các quỹ BLTD từ các quỹ dự trữ khác nhau, hoặc góp vốn từ các ngân hàng thương mại. Vấn đề quan trọng là các Quỹ BLTD cần phải bảo lãnh gần như tín chấp, vốn đối ứng của doanh nghiệp chỉ khoảng 20- 30%. Quỹ BLTD sẽ trích lập dự phòng rủi ro trên cơ sở nguồn thu phí bảo lãnh.

 

Bài Viết Liên Quan

Back to top button