Khối ngoại ráo riết chốt lời cổ phiếu FPT
Cổ phiếu FPT tiếp tục giảm giá mạnh, mất mốc hỗ trợ cứng. Điều gì đang xảy ra với cổ phiếu này?

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/4, cổ phiếu FPT tiếp tục rơi còn 120.500 đồng/cp. Trong phiên, có thời điểm cổ phiếu này còn rớt xuống còn 119.000 đồng/cp. Tính từ vùng đỉnh cổ phiếu này đã mất 30% thị giá so với đầu năm.
Trước đó, với chuỗi tăng mạnh mẽ, vốn hóa FPT đã liên tục “thăng hạng”. Có thể nói, trong bối cảnh thế giới chứng kiến sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), việc hợp tác giữa hai tập đoàn công nghệ, bao gồm kế hoạch xây dựng nhà máy AI và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đã giúp FPT thu hút dòng vốn của nhà đầu tư, đặc biệt là khối ngoại. Đây cũng là lý do room ngoại của FPT luôn trong tình trạng “kín chỗ”.
Thời điểm đầu năm, cổ phiếu FPT là lựa chọn hàng đầu trong danh mục đầu tư của khối ngoại. Không ít nhà đầu tư từng chấp nhận trả mức giá chênh lệch (premium) lên tới 20-30% để sở hữu cổ phiếu này. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 2/2025, khối ngoại đã chốt lời khoảng 6.200 tỷ đồng từ cổ phiếu FPT. Giá trị bán ròng FPT trong một số phiên thậm chí bị đẩy lên hơn 1.000 tỷ đồng, áp đảo hoàn toàn so với các mã khác. Làn sóng thoái vốn này đã thị kéo giá FPT lao dốc không phanh.
Theo các chuyên gia, diễn biến giá cổ phiếu FPT nói riêng và cổ phiếu công nghệ Việt Nam nói chung gắn chặt với xu hướng cổ phiếu công nghệ tại Mỹ được dẫn dắt bởi Nvidia.
Cùng với đó là câu chuyện DeepSeek và việc định giá nhóm cổ phiếu công nghệ tại Mỹ và Việt Nam lên mức rất cao đã tạo áp lực chốt lời từ giới đầu tư, cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu FPT lao dốc. Với việc thiết lập đỉnh các chỉ số FPT thiết lập vùng đỉnh với P/E lên gần 30 lần, còn P/B lên sát 7,5 lần cũng là phần nguyên nhân khiến cổ phiếu FPT tiếp tục bị bán…
Đánh giá về FPT, báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, kết quả kinh doanh 02 tháng đầu năm ghi nhận giá trị hợp đồng ký mới đang cho thấy dấu hiệu chậm lại. Trong 2 tháng đầu năm 2025, FPT đã công bố doanh thu sơ bộ và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 10,4 nghìn tỷ đồng (+16%) và 1,6 nghìn tỷ đồng (tăng 21%), trong đó lợi nhuận trước thuế tăng 20%. Mặc dù doanh thu thấp hơn dự kiến, với doanh thu CNTT nước ngoài (tăng 21%) thấp hơn dự báo, chủ yếu do khu vực châu Mỹ tăng trưởng. Mảng CNTT trong nước đạt tăng trưởng doanh thu 10% thu hẹp mức lỗ so với 02 tháng đầu năm 2024. Dự án FPT AI Factory chưa tạo ra doanh thu trong giai đoạn này như đã kỳ vọng trước đó.
Mảng viễn thông đạt mức tăng trưởng doanh thu 15%, với biên lợi nhuận cao hơn, được hỗ trợ bởi nỗ lực bán hàng hiệu quả và tối ưu hóa các gói dịch vụ internet…
Do vậy, SSI điều chỉnh giảm 6% dự báo doanh thu năm 2025 cho thị trường Châu Mỹ do những khó khăn tại Mỹ, trong khi các ước tính khác hầu như không thay đổi. Với tốc độ tăng trưởng chậm lại của giá trị hợp đồng ký mới, SSI lo ngại rằng nếu xu hướng này tiếp diễn, có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng dài hạn của FPT nói riêng với ngành công nghệ toàn cầu nói chung…
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp