Khối ngoại dịch chuyển dòng tiền về đâu?
Thị trường ngày càng tin rằng lãi suất đã đạt đỉnh, việc hạ lãi suất sẽ nhanh chóng diễn ra nên dòng tiền đang dịch chuyển rất nhanh, trước hết là từ các quốc gia như Việt Nam về Mỹ để mua trái phiếu.
Trên thị trường tài chính gần đây có một lớp tài sản rất “nóng” đang quay trở lại đó là thị trường tiền điện tử. Điều này cho thấy các yếu tố nội tại của thị trường quốc tế đang có sự thay đổi. Đứng ở góc độ nhà đầu tư, họ sẽ có tầm nhìn về thị trường và phải đánh giá được sự chuyển dịch của các lớp tài sản khác nhau.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu từ thời điểm tháng 4/2023, khối ngoại liên tục bán ròng, điển hình trong tháng 11 bán ròng hơn 3.500 tỷ đồng và một phiên gần đây của tháng 12 là 1.500 tỷ đồng.
Trong 20 ngày qua, khối ngoại bán ròng 9.790 tỷ đồng, gần gấp 3 lần so với mức mua ròng khoảng 3.467 tỷ đồng.
Các chuyên gia đã đưa ra rất nhiều lý do giải mã cho hành động này, còn theo quan điểm của tôi nhìn từ phía các nhà đầu tư nước ngoài, họ đang đánh giá bối cảnh vĩ mô ra sao. Theo đó, lạm phát tại Mỹ có xu hướng giảm từ mức đỉnh về mức mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tương tự tại các nền kinh tế đang phát triển cũng vậy. Dự báo cho năm 2024, các ngân hàng đầu tư lớn đều cho rằng lạm phát đã đạt đỉnh và đi dần về mức khoảng 2,3%.
Trong bản cập nhật mới nhất tháng 12/2023 của Moody’s đánh giá, tăng trưởng toàn cầu trong năm 2024 sẽ chậm lại. Do đó, xu hướng chung của đầu tư sẽ là lạm phát thấp và tăng trưởng thấp. Trước bối cảnh đó, các nhà đầu tư hoặc nhà quản lý quỹ sẽ chuyển dịch đầu tư sang trái phiếu với mức lãi suất tốt và họ bắt đầu đón đợi thời điểm Fed cắt giảm lãi suất thì giá của trái phiếu cũng sẽ tăng.
Theo Financial Times, dòng vốn vào thị trường trái phiếu đang trở lại, nhất là ngày 13/12 tới đây sẽ có thêm cuộc họp của Fed. Thị trường ngày càng tin rằng năm nay lãi suất đã đạt đỉnh, có thể việc hạ lãi suất sẽ nhanh chóng diễn ra, nên dòng tiền đang dịch chuyển rất nhanh, trước hết là từ các quốc gia như Việt Nam đi về Mỹ để mua trái phiếu. Đây là một trong những đợt tăng giá mạnh nhất cho trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 2 năm kể từ năm 2008.
Hay chỉ số S&P 500 Bond Index cho thấy, từ thời điểm cuối tháng 10, đầu tháng 11/2023 chỉ số này bắt đầu tăng trở lại sau một thời gian dài. Tương tự, dòng vốn vào ETF của các trái phiếu sau cuộc họp ngày 2/11 của Fed đã tăng rất mạnh. Từ các yếu tố trên, nhà đầu tư đã dịch chuyển tiền vào trái phiếu để khóa lợi nhuận và cũng là để được hưởng lợi về giá.
Vấn đề mà chúng ta cần nhìn rộng hơn là đối với sự dịch chuyển này thì ngoài Việt Nam, các nước tương đồng như Thái Lan, Philippines, Indonesia có chịu sự dịch chuyển như vậy hay không? Nếu có thì vấn đề không quá phản ánh nội tại của thị trường chứng khoán, mà đang chủ yếu phản ánh câu chuyện dòng tiền. Riêng so sánh thị trường Việt Nam với Trung Quốc sẽ thấy, thị trường của Trung Quốc hiện nay còn tệ hơn rất nhiều.
Cụ thể, dòng vốn chạy vào cổ phiếu của các nước đang phát triển ở Châu Á có ba nhóm: Nhóm thứ nhất là Trung Quốc, do vấn đề bất động sản suy yếu đã khiến luồng vốn bị rút ra mạnh mẽ; Nhóm thứ hai có dòng tiền bắt đầu dương trở lại ở một số quốc gia như Hàn Quốc; và Nhóm thứ ba là nhóm ASEAN-4 (bao gồm Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam), bắt đầu từ tháng 4/2023 hầu hết các thị trường này đều bị rút ròng. Như vậy có thể nói, hiện dòng tiền của khối ngoại rút về để mua trái phiếu vì cho rằng lạm phát đã đạt đỉnh và năm sau sẽ là năm GDP không cao.
Vừa qua, tài liệu của JP Morgan đã đưa ra nhận định khi lãi suất được thiết lập lại thì có năm vấn đề đáng chú ý dành cho người quản lý tài sản, trong đó nổi bật là thị trường trái phiếu có sức cạnh tranh rất lớn so với thị trường cổ phiếu.
Đối với thị trường Việt Nam, chúng ta vẫn phải lưu ý những rủi ro trên thị trường trái phiếu. Tuy nhiên năm vừa rồi các chứng chỉ quỹ trái phiếu ở Việt Nam vẫn đạt mức lợi suất khoảng 10%, so với lãi suất gửi tiết kiệm trung bình khoảng 6% thì các chứng chỉ quỹ trái phiếu đã mang lại lợi tức khá ổn định cho nhà đầu tư.