Khơi dòng tiền cho doanh nghiệp sản xuất: Lựa chọn đúng đối tượng
Khi triển khai Thông tư 02/2023 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng cần trung thực, khách quan, chọn đúng đối tượng gặp khó khăn thật sự…
LTS: Thông tư 02 có hiệu lực thi hành từ 24/4/2023 quy định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và lãi của khoản nợ.
Đó là quan điểm của ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên phó viện trưởng viện Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi trao đổi với Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
– Theo ông, đâu là điểm giống và khác nhau về chính sách cơ cấu nợ của NHNN giữa Thông tư 02/2023 với các Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14/2021 trong thời kỳ Covid-19?
Để tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, tương tự như đã triển khai trong giai đoạn dịch Covid-19, có hiệu lực từ ngày 24/04/2023.
Việc triển khai Thông tư 02 không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, mà đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng có thể giãn thời gian trích lập dự phòng rủi ro, đồng thời tạo điều kiện tiếp tục cho vay vốn.
Thực tế, Thông tư mới này không khác nhiều so với Thông tư 14/2021/TT-NHNN trong thời kỳ Covid-19, cũng là giãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Tuy nhiên giai đoạn năm 2021, khó khăn của doanh nghiệp chủ yếu do dịch bệnh gây ra và đối tượng được hưởng chỉ hạn chế ở những ngành nghề bị tác động bởi Covid-19.
Còn lần này phạm vi bao trùm hơn, vì sau giai đoạn đại dịch cũng như khó khăn của kinh tế thế giới nói chung, toàn bộ nền kinh tế Việt Nam đã thực sự “ngấm đòn”. Gần như tất cả các doanh nghiệp và người dân đều bị ảnh hưởng.
Một điểm khác nữa là đối với trích lập dự phòng rủi ro, NHNN nêu ra điều kiện các ngân hàng phải chủ động phân loại nợ và tính toán trích lập 50% trong năm 2023, còn lại sang năm 2024 phải trích hết 100%. Mặc dù ngân hàng có thể cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, nhưng vẫn phải tính toán để đánh giá xem khoản nợ đó có thực sự nằm ở nhóm đó không, mới có thể chủ động thực hiện trích lập. Đặc biệt, trong việc đánh giá đối tượng doanh nghiệp, người dân có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh hay không.
– Khi đi vào thực thi chính sách sẽ có những rào cản hay điểm gì cần lưu ý, thưa ông?
Trong Thông tư mới này có hai điểm cần phải lưu ý: Thứ nhất, quá trình kiểm soát, đánh giá lại việc thực hiện tái cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ của các TCTD phải bảo đảm tránh câu chuyện đẩy rủi ro cho tương lai.
Có thể ở nhiệm kỳ này, một số lãnh đạo ngân hàng sẽ có khuynh hướng cơ cấu lại nhằm giảm bớt áp lực trích lập dự phòng rủi ro, để vẫn đạt được kỳ vọng lợi nhuận, nhưng sẽ dẫn đến tình trạng “lãi giả lỗ thật”. Đây là điểm rất cần phải cảnh báo.
Thứ hai, nếu ngân hàng vẫn tiếp tục tạo ra phương án tái cơ cấu không đúng sự thật, sẽ không phản ánh đúng chất lượng tín dụng, nghĩa là vẫn đang “ủ bệnh” trong hệ thống ngân hàng. Trong khi việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã trải qua 15 năm nhưng đến nay vẫn còn nhiều khó khăn chưa được xử lý, gây thách thức chung đến toàn bộ nền kinh tế.
Thứ ba, sẽ xảy ra tình trạng doanh nghiệp khó khăn thực sự, có khả năng hồi phục nhưng lại không được cơ cấu nợ, còn doanh nghiệp là khách hàng thân thiết, được ngân hàng ưu tiên mới được hỗ trợ, dễ dẫn đến thiếu công bằng và làm giảm tính hiệu quả của chính sách.
– Vậy xin ông cho biết, giải pháp cho những vấn đề nêu trên là gì để chính sách đi vào thực tiễn một cách hiệu quả?
Đầu tiên, NHNN cần tăng cường thanh tra, giám sát để đánh giá lại việc tái cấu trúc, cơ cấu nợ có đúng không; yêu cầu các TCTD phải thực hiện nghiêm túc việc này, tránh tình trạng không đáp ứng điều kiện nhưng vẫn treo nợ.
Tiếp đó, khi thanh tra giám sát, cũng yêu cầu lãnh đạo các ngân hàng thương mại phải chịu trách nhiệm trước NHNN về tính trung thực của những số liệu, để việc trích lập dự phòng rủi ro bảo đảm bao phủ được nợ xấu. Điều này sẽ giúp duy trì tính ổn định và lành mạnh của hệ thống ngân hàng.
Cuối cùng, cần lập đường dây nóng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể trực tiếp phản ánh thông tin về NHNN.
– Xin cảm ơn ông!