Khi các thương hiệu Việt “bắt trend” livestream bán hàng bằng AI
Trong bối cảnh bán hàng qua livestream đã trở nên phổ biến, các thương hiệu cũng bắt đầu tìm kiếm những hướng đi mới bên cạnh các hình thức truyền thống lâu nay.
“Người ảo AI” lên sóng
Mới đây, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân, đặc biệt là tệp khách hàng gen Z (người tiêu dùng trẻ có độ tuổi từ 20 trở lại), Saigon Co.op chính thức triển khai bán hàng trên kênh Tiktok từ ngày 25/01/2024. Bên cạnh đó, đơn vị này còn triển khai công nghệ AI hay còn gọi là “livestream bán hàng bằng người ảo” để tối ưu hóa chi phí, giảm giá thành sản phẩm và hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm trong ngày.
Theo chia sẻ từ công ty, công nghệ AI sẽ được Saigon Co.op thử nghiệm đến cận Tết Nguyên Đán (05/02), với thời lượng trung bình 10-12 tiếng 1 ngày, sau đó sẽ được đánh giá dựa trên số lượng đơn hàng được chốt thành công, lượt xem, lượt tiếp cận, lượt tương tác…, để có thể chính thức triển khai đại trà.
Trước đó, Công ty cổ phần dược phẩm Vinapharma cũng đã ra mắt “Đại sứ bán hàng AI” đầu tiên tại Việt Nam, Diễm Hằng AI. Đây là sự kết hợp giữa giải pháp công nghệ của AICLIP cùng hệ sinh thái sản phẩm và mạng lưới kinh doanh của Vinapharma Group với kinh nghiệm 12 năm chế biến và xuất khẩu nông sản.
Theo Vinapharma, “Diễm Hằng AI” có thể nói được 60 ngôn ngữ với nhiều phiên bản buồn, vui, nhí nhảnh…, để khách hàng có sự lựa chọn phù hợp với nhiều loại nội dung và trạng thái livestream. Đặc biệt, người ảo AI này được tính toán có thể tiết kiệm 70-90% chi phí, thời gian, nhân sự quay phim, khi không cần lên hình trực tiếp, không cần thu âm, không trả lời sai, không ồn ào hình ảnh đời tư và có khả năng livestream 24/7.
Gần đây nhất, đại siêu thị số Nova AI Mall của CTCP Tập đoàn Nova Consumer cũng vừa ra mắt ngày 25/1, trong khuôn khổ dự án Trung tâm Livestream TP.HCM dự án được kỳ vọng mang đến một hệ sinh thái livestream đa chức năng với siêu thị online bán hàng hoàn toàn bằng người ảo AI đầu tiên tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống – nhà sáng lập, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Yeah1: “Chúng tôi muốn xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ cho ngành kinh doanh hoàn toàn mới – ngành livestream bán hàng. Tôi tin rằng đây sẽ là tương lai của ngành bán lẻ hiện đại, mang đến những giải pháp kinh doanh kỹ thuật số”.
Xu hướng của tương lai?
Có thể nói, hình thức livestream bằng người ảo AI hiện đang ngày càng phổ biến trên thị trường trực tuyến toàn cầu, do đáp ứng được những ưu điểm vượt trội so với hình thức livstream truyền thống khi nó có thể hoạt động liên tục 24/7, vận hành đơn giản, giảm tải sức người, mang lại mức giá tối ưu cho khách hàng. Ngoài ra, nó còn phục vụ tốt cho các mục đích chăm sóc khách hàng, giải đáp thắc mắc, review sản phẩm, sáng tạo nội dung…
Nhắc đến livestream bán hàng bằng người ảo AI, không thể không nhắc đến Trung Quốc, nơi nổi lên như một quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực AI, không ngừng vượt qua các ranh giới về công nghệ và đổi mới. Ngành livestream bán hàng của Trung Quốc có một sự kết hợp độc đáo giữa khả năng sáng tạo của con người và hiệu quả của AI, mở ra những khả năng mới trong thế giới sáng tạo nội dung và giải trí, đồng thời định hình lại bối cảnh thương mại điện tử.
Sự kết hợp này đã dẫn đến sự phổ biến ngày càng tăng của các nền tảng phát trực tiếp ở Trung Quốc, chẳng hạn như Bilibili và Kuaishou. Và nhiều kênh phát trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử phổ biến như Taobao và JD đều có các bộ truyền phát do AI tạo ra.
Bên cạnh đó, các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc cũng đang triển khai các buổi phát trực tiếp do AI tạo ra – Alibaba, Tencent, Baidu và JD đều đã tung ra một số biến thể của cùng một dịch vụ trong năm ngoái, cho phép các thương hiệu trên nền tảng của họ tạo ra các buổi phát trực tiếp bằng các bộ truyền phát AI của riêng họ.
Theo các nhà chuyên môn, livestream bằng người ảo AI có thể sẽ trở thành một xu hướng bán hàng mới khi trọng tâm của hoạt động này nằm ở máy chủ ảo, những nhân vật do AI tạo ra này được lập trình để tương tác với người thuyết trình, tương tác với khán giả và thậm chí thể hiện cảm xúc. Nó được tạo ra để thích ứng với nhiều tình huống khác nhau và có thể tạo điều kiện cho cuộc trò chuyện theo thời gian thực, giúp buổi phát trực tiếp trở nên hấp dẫn và năng động hơn.
Khác với việc sử dụng những người có sức ảnh hưởng (KOLs) để livestream, các thuật toán AI hỗ trợ tạo nội dung, giúp người thuyết trình tìm chủ đề, tạo hiệu ứng hình ảnh và thậm chí đề xuất phản hồi cho nhận xét của người dùng. Điều này không chỉ làm giảm khối lượng công việc của người thuyết trình mà còn đảm bảo nội dung nhất quán và chất lượng cao trong suốt quá trình phát sóng.
Ngoài ra, với sự trợ giúp của AI, các nền tảng phát trực tiếp có thể phân tích sở thích của khán giả, theo dõi hành vi của người xem và đưa ra đề xuất nội dung trong thời gian thực. Việc cá nhân hóa này sẽ nâng cao trải nghiệm của người xem và thu hút họ tham gia trong thời gian dài hơn.
Đặc biệt, người ảo AI không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn mang lại mức độ hiệu quả mà những người phát trực tiếp truyền thống không thể sánh được. Sự cộng tác của người ảo AI cho phép tạo và phân phối nội dung một cách hiệu quả 24/7, điều này có thể là thách thức đối với những nỗ lực của con người. Cách tiếp cận này có thể đặc biệt có lợi cho các thương hiệu muốn duy trì sự hiện diện trực tuyến liên tục.
Rất có thể trong tương lai, việc sử dụng những KOL để livestream bán hàng sẽ được các thương hiệu xem xét lại.