Khách Mỹ luôn có sức hút vì thu nhập cao
Mức lương cao đồng nghĩa với việc du khách Mỹ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho chuyến du lịch của mình.
Khách Mỹ đang nhận được sự quan tâm của nhiều điểm đến. Ảnh: Shutterstock. |
Justin Albertynas, CEO và người đồng sáng lập của Ratepunk, một nền tảng đặt phòng du lịch, chia sẻ: “Người dân nói chung và hầu hết doanh nghiệp ở châu Âu luôn chào đón người Mỹ, đặc biệt là nhóm khách từ New York hoặc Los Angeles”.
Khách Mỹ chịu chi
Thị trường Mỹ từ lâu đã được các công ty du lịch và quản lý điểm đến (DMC) trên khắp thế giới thèm muốn vì nhiều lý do, đặc biệt là về thu nhập của nhóm khách này.
Mức lương trung bình của người Mỹ cao thứ 7 trên thế giới, khoảng 70.000 USD/năm. Theo các chuyên gia du lịch, thu nhập cao đồng nghĩa với việc họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các chuyến đi.
So với khách châu Âu hoặc một số thị trường khác, du khách Mỹ thường chi tiêu nhiều cho ăn uống, khách sạn hay chương trình tour. Bên cạnh đó, nhóm khách này cũng có văn hóa tiền boa, thời gian du lịch dài ngày và thường đi cùng người thân.
Những đặc điểm trên có vai trò quan trọng trong việc phục hồi ngành du lịch, bù đắp những tổn thất do dịch bệnh gây ra.
Khách Mỹ đổ về các điểm đến ở châu Âu dự kiến tiếp tục tăng trong hè này. Ảnh: CNN. |
Theo ông Michael Rozenbilt, người sáng lập The World Was Here First, website du lịch về các điểm đến ở Mỹ và châu Âu, cho biết thêm khách Mỹ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các điểm đến mới, sau thời gian du lịch gần vì dịch. Các DMC đang nỗ lực để tiếp thị đến thị trường này.
Ở các nước châu Âu, dự kiến trong đợt cao điểm du lịch hè, lượng du khách Mỹ tăng khoảng 55% so với mùa trước. Sự tăng trưởng này không chỉ đến từ sự hiệu quả của các chương trình tiếp thị mà còn cho thấy mong muốn đi du lịch của nhóm khách này sau nhiều năm bị dồn nén.
Ngoài ra, các chuyên gia trong ngành còn chỉ ra một số nguyên nhân khiến thị trường Mỹ có tiềm năng hàng đầu trong danh sách những du khách muốn du lịch thời gian tới như sức mạnh của đồng USD so với các loại tiền tệ khác hay chính sách làm việc từ xa.
Ngày càng nhiều điểm đến thực hiện các chiến dịch hướng đến đối tượng là khách Mỹ, Canada như “Come and Say G’day” (tạm dịch: Hãy đến và chào ngày mới) của ngành du lịch Australia.
Video dài 9 phút thu hút 50 triệu lượt xem là nỗ lực của Australia nhằm thúc đẩy lượng du khách Mỹ – thị trường quốc tế lớn thứ hai tại quốc gia này.
Bên cạnh du khách Mỹ, Catherine Chaulet, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Global DMC Partners, một mạng lưới các công ty quản lý điểm đến, cũng lưu ý thêm các thị trường tiềm năng khác cho ngành du lịch như Canada, Mexico, Brazil.
Thị trường hấp dẫn
G Adventures, công ty chuyên tour du lịch mạo hiểm theo nhóm nhỏ có trụ sở ở Toronto (Canada) cũng đánh giá khách Mỹ là phân khúc mạnh và phát triển nhanh nhất trong số 5 thị trường chính, bao gồm Canada, Anh, Đức và Australia.
Chia sẻ với CNN, Steve Lima, người phụ trách thị trường Mỹ và châu Mỹ Latin của công ty, cho biết họ ngày càng dành nhiều nguồn lực, ngân sách và các chiến dịch tiếp thị để thu hút nhóm khách từ Mỹ.
Không riêng đơn vị trên, đây là quyết định chung của nhiều đại lý du lịch trực tuyến (OTA) hay những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Đại diện Ratepunk cho biết từ khi công ty ra mắt thử nghiệm vào tháng 3/2022, họ đã phân bổ nhiều ngân sách quảng cáo và tiếp thị của mình hơn cho thị trường Bắc Mỹ.
Khách Mỹ có sức chi tiêu cao. Ảnh: Financial Times. |
Theo ông, sự đầu tư này đạt hiệu quả cao khi công ty thu được mức lợi nhuận tốt hơn. Đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư cho thị trường này. Cụ thể, 60% chi tiêu tiếp thị nội dung dành cho các blogger và những người có ảnh hưởng ở Mỹ và Canada.
Du khách Mỹ còn được lòng bởi khao khát sự độc nhất cho các chuyến đi. Nhiều người làm du lịch nhận định thị trường khách này rất quan tâm đến văn hóa, ẩm thực địa phương. Họ thích được trải nghiệm những gì độc đáo, riêng biệt.
Bên cạnh sức chi cao, xu hướng làm việc từ xa và đi du lịch cùng người thân của khách Mỹ cũng được nhiều điểm đến chú ý. Những nơi định vị thương hiệu là điểm hấp dẫn cho cả hoạt động kinh doanh lẫn giải trí có thể thu được lợi nhuận lớn từ khách Mỹ. Theo Chaulet, hai yếu tố trên khiến du khách Mỹ ở lại điểm đến lâu hơn.
Peter Anderson, Giám đốc điều hành của Knightsbridge Circle, một dịch vụ hướng dẫn khách du lịch, lại cho biết điểm khác biệt đáng kể của du khách Mỹ là họ sẵn lòng lắng nghe lời khuyên của các chuyên gia.
Anderson dẫn chứng khách Mỹ dễ dàng tiếp nhận các đề xuất của công ty hơn. Trong khi đó, khách châu Âu cố tình phớt lờ các tư vấn khi đặt phòng khách sạn của họ và điều này gây ra sự khó chịu giữa các bên liên quan.