Kêu trời vì lệnh cấm Quảng Nam – Bài 4: Chính quyền nói gì?
Hàng loạt doanh nghiệp vận tải điêu đứng vì lệnh cấm tải trọng trên 5 tấn trên đường ven biển 129 như phản ánh, cơ quan chức năng và chính quyền Quảng Nam đã có câu trả lời.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp chiều ngày 3/8, với hàng loạt câu hỏi người đứng đầu chính quyền, Chủ tịch UBND Quảng Nam Lê Trí Thanh, kiêm Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt xử lý những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Thanh cho biết công việc quá nhiều, đang đi học. Để tường minh câu chuyện nên trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang theo dõi lĩnh vực này và Giám đốc Sở Giao thông vận tải Văn Anh Tuấn.
Khi được hỏi tuyến đường ven biển 129 (Võ Chí Công) là tuyến đường chiến lược đa mục tiêu để phát triển kinh tế, sau 6 tháng cấm tải trọng đã gây nhiều bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp vận tải. Vậy chính quyền Quảng Nam có điều chỉnh lại tải trọng cho phù hợp với yêu cầu phát triển hay vẫn giữ nguyên việc cấm tải trọng trên 5 tấn lưu thông qua đường này?
Chủ tịch UBND Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh: “Việc cho phép nâng tải trọng xe, loại xe, tốc độ lưu thông trên tuyến đường ven biển 129 sẽ được xem xét theo từng giai đoạn phù hợp vì lợi ích chung của cả tỉnh. Trong đó có yếu tố đảm bảo an toàn giao thông và kết cấu hạ tầng”.
Việc cấm tải trọng trên 5 tấn qua đường 129 Quảng Nam được đầu tư từ nguồn ngân sách hàng nghìn tỷ đồng có đúng quy định của pháp luật và có gây lãng phí trong đầu tư công không vẫn là câu hỏi chưa được trả lời.
Khi hàng loạt câu hỏi được gửi đến Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Nam Văn Anh Tuấn. Ông Tuấn cáo bận họp!
Tuy nhiên, trong báo cáo Phương án tổ chức giao thông trên đường ven biển ĐT.603B và ĐT.619 (đường Võ Chí Công) nhằm tăng cường đảm bảo an toàn giao thông, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Nam Văn Anh Tuấn khẳng định trong báo cáo gửi UBND tỉnh: Do định hướng quy hoạch, mục tiêu đầu tư, quy mô xây dựng của tuyến đường đã được xác định tại các dự án đầu tư hình thành tuyến đường là tuyến đường đa mục tiêu trong phát triển kinh tế nên cần phải tổ chức giao thông cho hợp lý, tránh mất an toàn giao thông nhưng phải đảm bảo yêu cầu đặt ra cho phát triển kinh tế, không gây lãng phí trong đầu tư công.
Ông Tuấn cho rằng trong báo cáo gửi UBND tỉnh, Sở nhận định: Trong quá trình khai thác phải đảm bảo mục tiêu đầu tư, đảm bảo nhu cầu vận tải, giao thông nội bộ, giao thông dân sinh trên tuyến đường này được an toàn, thuận lợi và thông suốt. Các địa phương và các ngành cùng đồng thuận và đề nghị cho lưu thông bình thường tất cả các phương tiện trên đường này. Ngoại trừ các xe tải nặng với kích thước lớn phải hạn chế tốc độ và hạn chế thời gian lưu thông vào các giờ cao điểm. Mục đích là để vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội.
Phương án tổ chức giao thông giai đoạn hiện nay theo Sở Giao thông vận tải khẳng định là tồn tại chủ yếu về an toàn giao thông như lưu lượng rất lớn vào giờ cao điểm; xe kéo sơ-mi-rơ-moóc, xe sơ-mi-rơ-moóc với kích thước lớn có xu hướng cản trở, làm chậm tốc độ lưu thông các xe khác và tìm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Giải pháp tổ chức giao thông đề nghị là cấm xe kéo sơ-mi-rơ-moóc, xe sơ-mi-rơ-moóc lưu thông từ 5h00 đến 20h00 (để đảm bảo an toàn, tránh tiếng ồn ảnh hưởng đến môi trường du lịch và dân sinh), đồng thời hạn chế tốc độ lưu thông không quá 40Km/h trong khung giờ được hoạt động từ 20h00 đến 05h00 ngày hôm sau.Trong thời gian cấm, các xe này có thể lưu thông trên các đường ngang lên QL 1A và cao tốc. Các phương tiện còn lại lưu thông bình thường và hạn chế tốc độ theo từng đoạn theo quy định.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Nam Văn Anh Tuấn khẳng định: Sở Giao thông vận tải là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông và là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh lĩnh vực giao thông vận tải. Với phương án tổ chức lưu thông trên đường ven biển 129 Võ Chí Công đã được báo cáo và UBND Quảng Nam quyết định.
Với phương án lưu thông trên đường ven biển 129 Võ Chí Công đã được cộng đồng doanh nghiệp vận tải và người dân đồng thuận và cho đây là phương án tối ưu. Thế nhưng không hiểu vì sao UBND Quảng Nam lại ra văn bản cấm xe tải trọng trên 5 tấn khiến doanh nghiệp vận tải lâm vào cảnh khốn khó 6 tháng nay vì lệnh cấm này. Còn người dân thì lãnh đủ bởi mất công ăn việc làm và giá nguyên vật liệu tăng cao.