Huyện Thanh Trì (Hà Nội) sẵn sàng cho mùa lễ hội xuân 2025
Huyện Thanh Trì hiện có 154 di tích lịch sử văn hóa và 47 lễ hội truyền thống, trong đó có 44 lễ hội nằm trong danh mục kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể của Thành phố Hà Nội. Trước thềm mùa lễ hội xuân 2025, PV Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì về công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản trên địa bàn huyện.
![Huyện Thanh Trì (Hà Nội) sẵn sàng cho mùa lễ hội xuân 2025 Huyện Thanh Trì (Hà Nội) sẵn sàng cho mùa lễ hội xuân 2025](/wp-content/uploads/2025/02/minh-hoa-3.jpg)
- Xin ông cho biết hiện trạng các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện?
Thanh Trì là huyện trung tâm nằm ở phía nam Thủ đô Hà Nội, gắn với vùng hữu ngạn sông Hồng (Nhị Hà) và sông Nhuệ; đây là vùng đất cổ, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Nơi có hai làng khoa bảng nổi tiếng: làng Nguyệt Áng (xã Đại áng), làng Tả Thanh Oai (xã Tả Thanh Oai); Thanh Trì nơi sinh ra nhiều danh nhân nổi tiếng như lão tướng Phạm Tu, tiên triết Chu Văn An – Người thầy của muôn đời, trạng nguyên Nguyễn Quốc trinh, bảng nhãn Nguyễn Như Đổ; Thanh Trì tự hào là nơi sinh ra Chi bộ Đông Phù (xã Đông Mỹ), chi bộ Đảng đầu tiên của khu vực ngoại thành Hà Nội (tháng 5/1930), là quê hương của đồng chí Đỗ Mười – Nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Đỗ Ngọc Du – Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội lâm thời, đồng chí Vương Thừa Vũ – Nguyên Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội.
Hiện trên địa bàn huyện có 154 di tích lịch sử văn hóa và 47/47 lễ hội truyền thống tại các địa phương (trong đó có 44 lễ hội nằm trong danh mục kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể của Thành phố), tiêu biểu là Lễ hội Triều Khúc, xã Tân Triều được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Các lễ hội trên địa bàn huyện diễn ra chủ yếu vào mùa xuân, được tổ chức theo phương châm “Trang trọng, vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm”, với quy mô hội chính 5 năm /lần, hội lệ được tổ chức thường xuyên hàng năm, do các thôn, làng, tổ dân phố đứng ra tổ chức. Tại mỗi lễ hội đều thành lập Ban tổ chức, xây dựng kế hoạch, chương trình lễ hội và có phương án cụ thể đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường; lễ hội Ngọc Hồi với những năm chẵn do UBND huyện chủ trì tổ chức; những năm lẻ giao UBND xã Ngọc Hồi chủ trì tổ chức.
- Mùa lễ hội 2024 đã được UBND huyện tổng kết như thế nào, thưa ông?
Năm 2024, trên địa bàn huyện Thanh Trì đã diễn ra 40/47 lễ hội truyền thống và có 7/47 lễ hội truyền thống chỉ tổ chức lễ dâng hương, không tổ chức lễ hội vì di tích đang thực hiện tu bổ, tôn tạo. Tất cả các lễ hội đã diễn ra đều được tổ chức an toàn, tiết kiệm, trang trọng; thực sự tạo không khí phấn khởi trong đời sống tinh thần của cộng đồng người dân Thanh Trì, qua đó phát huy cao độ bản sắc văn hoá dân tộc, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống quê hương, tinh thần đoàn kết cộng đồng.
UBND huyện ban hành kế hoạch về việc kiểm tra công tác quản lý nhà nước về hoạt động Văn hóa và Thông tin, giao Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện tăng cường thực hiện kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn các xã, thị trấn, để kịp thời hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở khắc phục những sai phạm (nếu có)… Qua kiểm tra các lễ hội, công tác tổ chức tại các xã, thị trấn đều được thực hiện tốt cả phần lễ và phần hội.
Phần lễ được tổ chức trang trọng theo nghi thức truyền thống là dâng hương, tế, rước tái hiện lịch sử, nhằm giáo dục truyền thống đoàn kết đấu tranh chống giặc ngoại xâm; chinh phục thiên nhiên; cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, phát triển ngành nghề, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Phần hội được tổ chức trong không khí vui tươi, phấn khởi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm với các trò chơi dân gian nhằm thoả mãn nhu cầu sinh hoạt văn hoá cộng đồng như: thổi cơm thi, cờ người, kéo co, bịt mắt bắt vịt…; các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ quần chúng như tại các lễ hội truyền thống cũng được tổ chức an toàn tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, phong phú.
![Huyện Thanh Trì (Hà Nội) sẵn sàng cho mùa lễ hội xuân 2025 Huyện Thanh Trì (Hà Nội) sẵn sàng cho mùa lễ hội xuân 2025](/wp-content/uploads/2025/02/minh-hoa-1.jpg)
- UBND huyện đã chuẩn bị gì cho mùa lễ hội xuân 2025?
Năm 2025, trên địa bàn huyện Thanh Trì dự kiến tổ chức 45/47 lễ hội truyền thống và dự kiến có 9/47 lễ hội truyền thống chỉ tổ chức lễ dâng hương, không tổ chức lễ hội vì di tích đang thực hiện tu bổ, tôn tạo.
UBND huyện xác định tiếp tục thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành từ Trung ương đến huyện về việc chỉ đạo, tổ chức và quản lý lễ hội. Tiếp tục tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư khóa XI và Chỉ thị số 03-CT/TU ngày 12/01/2016 của Thành ủy Hà Nội về việc tăng cường lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội và các văn bản pháp luật quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức xã hội và mọi tầng lớp nhân dân về công tác bảo vệ, quản lý di tích – lễ hội; về các quy định của Nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh khi tổ chức và tham gia các hoạt động lễ hội; đặc biệt là việc giữ gìn những giá trị văn hóa phi vật thể gắn liền với di tích và đời sống nhân dân; đồng thời chỉ ra những yếu tố cần phê phán, loại bỏ những yếu tố lạc hậu, làm mất đi những giá trị quý báu trong lễ hội truyền thống.
-Xin cảm ơn ông!
PV thực hiện