Hủy gói hỗ trợ lãi suất 2% nếu không giải ngân hết: Nguồn lực và niềm tin
Sau gần 2 năm, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% của ngành ngân hàng giải ngân rất thấp mới chỉ gần 2,3% nguồn lực.
Thông tin này được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình tại Quốc hội – Kỳ họp đang diễn ra.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, khoảng 176.000 tỷ đồng (tương đương 50% nguồn lực) của chương trình phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội được dành đầu tư vào những dự án hạ tầng trọng điểm, chiến lược. Tuy vậy, một số chính sách thuộc chương trình phục hồi, như gói hỗ trợ lãi suất 2% của ngành ngân hàng giải ngân thấp. Đến cuối tháng 10, gói này mới giải ngân 873 tỷ đồng, tức gần 2,3% nguồn lực (40.000 tỷ đồng).
Bộ trưởng cũng nêu là “Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép thực hiện tiếp gói hỗ trợ lãi suất này tới hết năm 2023, nếu không giải ngân được hết thì sẽ hủy dự toán”.
Thay vào đó, Chính phủ sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền các chính sách tài khóa khác để hỗ trợ doanh nghiệp, như kéo dài thời gian giảm thuế VAT, miễn, giãn hoãn các loại phí, lệ phí…
Đối với gói hỗ trợ lãi suất 2%, theo dõi thông tin suốt thời gian vừa qua, chúng ta nhận thấy có một nghịch lý là: Doanh nghiệp đủ điều kiện thì không muốn vay, đơn vị muốn vay lại không đáp ứng tiêu chí. Đây cũng là vấn đề được Bộ trưởng giải thích, đặt trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn.
Bên cạnh đó, có điểm nghẽn là quy định “dự án có khả năng phục hồi” mới được vay vốn, khiến cả bên cho vay và người đi vay đều ngại, không biết nên hiểu thế nào cho đúng.
Theo báo cáo Kiểm toán Nhà nước tại báo cáo gửi Quốc hội, “tâm lý e ngại về hồ sơ thủ tục hậu kiểm của khách hàng” là lý do từ phía các ngân hàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chưa chú trọng công tác truyền thông; các ngân hàng thương mại, chưa chủ động triển khai chính sách này.
Tại một số hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, chúng ta cũng thấy nhiều lãnh đạo địa phương, đại diện đặt ra vấn đề là lo ngại về hậu kiểm.
Câu hỏi ở đây là: Tại sao các gói hỗ trợ khác các doanh nghiệp vẫn có thể tiếp cận được – không lo hậu kiểm? Đơn cử như trước đây là gói hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng đã giải ngân hết (dù thời gian giải ngân kéo dài so với ban đầu) và tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường bất động sản ở giai đoạn hậu khủng hoảng, suy thoái? Phải chăng là do các quy định, đối tượng chưa thật sự phù hợp để tạo nhịp nối cung – cầu tiếp nhận vốn hỗ trợ? Và nếu có bất cập như vậy, thì trách nhiệm của việc gỡ vướng, triển khai… nên làm được làm rõ, để rút kinh nghiệm cho bất kỳ việc triển khai chương trình chính sách/ gói hỗ trợ nào về sau.
Đối với gói hỗ trợ lãi suất 2%, như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin, hết năm không giải ngân hết thì sẽ đề xuất hủy và việc này không ảnh hưởng tới bội chi do đây là khoản chưa huy động. Tức nguồn lực không suy suyển, ảnh hưởng. Song, thực tế nó ảnh hưởng tới việc tiếp nguồn lực cho doanh nghiệp và qua đó là ảnh hưởng sức lan tỏa tới nền kinh tế.
Bởi một chương trình có ý nghĩa, tạo kỳ vọng, tạo niềm tin, nhưng lại dần dần đuối sức khi triển khai thực tế, không hiệu quả, các bên từ tìm kiếm giải pháp gỡ vướng cho đến doanh nghiệp có thể sẽ là cảm xúc thờ ơ… Nó ảnh hưởng kép đến cả niềm tin của doanh nghiệp, đến kỳ vọng vào các chương trình, chính sách tạo đòn bẩy hỗ trợ – thúc đẩy trong tương lai.
Điều này tôi cho là quan trọng và cần đánh giá để có giải pháp ứng xử phù hợp, trong cấp bách cũng như lúc bình thường. Do đó, nên chăng trong thời gian gấp rút còn lại của năm, cũng là giai đoạn doanh nghiệp cần được tiếp sức, tăng tốc mạnh mẽ để phục hồi/ tranh thủ mùa lễ tết cuối năm và tạo đà cho năm tới, rất cần các nhà quản lý, cơ quan hữu quan nghiên cứu xem xét mở rộng đối tượng doanh nghiệp tiếp cận gói vay, theo hướng mặc dù kg đủ điều kiện nhưng xét khả năng vận hành doanh nghiệp và giá trị hình thành trong tương lai với ngành sản xuất và dịch vụ; cùng với đó là đơn giản hoá thủ tục hồ sơ vay và giải ngân nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nhanh nguồn vốn.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn