Hướng tới mục tiêu đạt 150.000 doanh nghiệp CN CNS vào năm 2035

Luật Công nghiệp Công nghệ số (CNCNS) được Quốc hội khóa 15 thông qua vào ngày 14/6/2025 để hiện thực hóa và là bước đột phá chiến lược cho ngành công nghiệp công nghệ số. Luật CNCNS không chỉ là một đạo luật chuyên ngành, mà còn được kỳ vọng là đòn bẩy thể chế cho quá trình chuyển đổi số quốc gia. Đây là thời điểm vàng để Việt Nam xây dựng được nền tảng pháp lý, xây dựng cơ chế là lợi thế cạnh tranh, mở đường cho doanh nghiệp công nghệ số trong nước phát triển vững chắc, hội nhập sâu rộng và góp phần tạo dựng vị thế trung tâm mới của Việt Nam trong kỷ nguyên số trên toàn cầu. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành một đạo luật riêng biệt về công nghiệp công nghệ số với những chính sách ưu đãi vượt trội, doanh nghiệp làm trụ cột của phát triển KH- CN, chuyển đổi số.

Đưa doanh nghiệp làm trung tâm để thực hiện chiến lược phát triển quốc gia số

Luật Công nghiệp Công nghệ số được Quốc hội khóa XV thông qua là cột mốc lịch sử, từng bước đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ số toàn cầu. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ ( Bộ KH- CN) thông tin tại buổi họp báo của Bộ KH&CN chiều ngày 27/6.

Nghị quyết 57-NQ/TW đã đặt yêu cầu “Hình thành và phát triển một số doanh nghiệp công nghệ số chiến lược trong nước quy mô lớn để phát triển hạ tầng số, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia và đủ năng lực cạnh tranh quốc tế”. Luật CNCNS xây dựng các cơ chế để thực hiện mục tiêu này. Nhà nước đặt hàng doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển các công nghệ tiên phong, đồng thời hỗ trợ tài chính và xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường quốc tế. Doanh nghiệp đầu tư các dự án CN CNS quy mô lớn, công nghệ số chiến lược được hưởng cơ chế ưu đãi đặc biệt cao nhất theo quy định pháp luật đầu tư. Bên cạnh đó, để thu hút nhân tài, Luật áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm cho chuyên gia công nghệ, cấp visa 5 năm cho chuyên gia nước ngoài, cùng các cơ chế đặc biệt về lương thưởng và môi trường làm việc. Những giải pháp này tạo điều kiện để hình thành các doanh nghiệp CNCNS lớn mạnh, đủ sức dẫn dắt ngành công nghệ số Việt Nam vươn tầm thế giới.

Hướng tới mục tiêu đạt 150.000 doanh nghiệp CN CNS vào năm 2035

Cùng với phát triển các DN lớn, Luật CN CNS còn hướng tới xây dựng một hệ sinh thái doanh nghiệp CNCNS mạnh mẽ với mục tiêu đạt 150.000 doanh nghiệp vào năm 2035, Luật đưa ra các chính sách hỗ trợ toàn diện. Doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỗ trợ chi phí đầu tư hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao, và ưu tiên tham gia đấu thầu các dự án mua sắm công. Về tài chính, Nhà nước hỗ trợ kinh phí đổi mới công nghệ, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sáng tạo và cạnh tranh. Các dự án sản xuất CNCNS và doanh nghiệp phụ trợ nhận ưu đãi thuế tương tự khu vực đặc biệt khó khăn, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài để tăng cường năng lực sản xuất. Việc phát triển các khu CNCNS với chính sách ưu đãi hấp dẫn tạo môi trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển bền vững, góp phần hiện thực hóa mục tiêu chiến lược này.

Chính sách ưu đãi vượt trội để đầu tư phát triển ngành công nghiệp CNCNS

Để ngành công nghiệp công nghệ số trở thành động lực kinh tế chủ đạo với tốc độ tăng trưởng gấp 2-3 lần GDP, Luật CNCNS cùng với các luật như Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, Luật sửa một số Luật về tài chính và đầu tư được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này đã đưa ra các chính sách ưu đãi đồng bộ cho hoạt động CN CNS. Theo đó, các dự án CNS trọng điểm, bán dẫn, AI được áp dụng chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư cao nhất của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai. Đặc biệt, đối với những dự án CNS trọng điểm, bán dẫn, AI có quy mô vốn đầu tư 6000 tỷ đồng sẽ được áp dụng cơ chế ưu đãi đặc biệt của nhà nước như: Áp dụng thuế suất 5% trong 37 năm; miễn thuế 06 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 13 năm tiếp theo; miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 22 năm và giảm 75% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại. Đây là những chính sách ưu đãi đầu tư đặc thù, vượt trội của ngành CN CNS, các chính sách ưu đãi này chỉ áp dụng đối với các ngành lĩnh vực ưu tiên khác, có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên.

Bên cạnh cơ chế ưu đãi hỗ trợ đầu tư đặc biệt, các dự án CN CNS còn được hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước và từ Quỹ đầu tư phát triển; được tăng mức chi bổ sung khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi của doanh nghiệp cho R&D (được tính bằng 200% chi phí thực tế),… Thủ tục hành chính được đơn giản hóa thông qua cơ chế phân cấp thẩm quyền thành lập khu CNS tập trung cho UBND cấp tỉnh; áp dụng chế độ ưu tiên hải quan “luồng xanh” cho doanh nghiệp. Nhà nước ưu tiên đầu tư vào hạ tầng thiết yếu như trung tâm dữ liệu, mạng 5G, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại. Thị trường nội địa được mở rộng bằng cách thúc đẩy sử dụng sản phẩm công nghệ “Make in Vietnam” trong các dự án ngân sách và đặt hàng phát triển công nghệ số chiến lược.

Phát triển ngành bán dẫn Việt Nam trong chuỗi bán dẫn toàn cầu

Lần đầu tiên công nghiệp bán dẫn được định vị và pháp lý hóa trong hệ thống pháp luật. Đây là cơ sở để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn – một ngành công nghiệp quan trọng, có vai trò, tác động đến rất nhiều ngành lĩnh vực trong kỷ nguyên số ngày nay. Luật CN CNS  đã quy định các nguyên tắc phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam với trọng tâm là phát triển chip bán dẫn có tính đột phá trong các ngành, lĩnh vực; liên kết chặt chẽ với hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu; Phát triển công nghiệp bán dẫn phải đồng bộ với công nghiệp điện tử; Khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài, huy động nguồn lực trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp bán dẫn, hướng tới làm chủ công nghệ, thiết kế và sản xuất chip bán dẫn.

Trong đó, Luật CN CNS đã đưa ra cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển công nghiệp bán dẫn toàn diện, đầy đủ chuỗi cung ứng từ đầu vào là sản xuất phụ trợ, đến đầu ra là doanh nghiệp điện tử. Đây là cách tiếp cận chính sách mới để nhằm phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn Việt Nam gắn với hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu; đưa Việt Nam trở thành một vị trí quan trọng trong chuỗi bán dẫn toàn cầu.

Theo thứ trưởng Bộ KH- CN Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương, những chính sách đột phá trong luật CN CNS sẽ tạo đột phát về phát triển KH- CN, khích lệ cộng đồng  doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, nghiên cứu công nghệ lõi… Đồng thời cũng là môi trường thúc đẩy tốt ngành công nghiệp hỗ trợ, nâng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghệ của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Lê Hiền

Bài Viết Liên Quan

Back to top button