Tìm hướng đi mới trên vùng đồi keo
Chị Đinh Thị Lệ (1991), sinh ra và lớn lên trên miền sơn cước xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, nhà đông anh em, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Song, vượt lên hoàn cảnh ngay từ nhỏ, chị đã luôn nung nấu ý chí và quyết tâm theo học con chữ để tìm cơ hội thoát nghèo.
Năm 2013, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kế toán, chị được tuyển dụng vào làm kế toán NSX tại xã nhà. Năm 2016, chị kết duyên cùng anh giáo dạy văn trường làng Trịnh Ngọc Hanh (SN 1978), xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc. Với đồng lương khiêm tốn của hai vợ chồng cộng với việc ở chung cùng ông bà nội nếu tằn tiện cũng chỉ đủ chi tiêu hằng ngày chứ tính gì đến chuyện mua đất làm nhà. Với bản tính cần cù chịu khó, những ngày nghỉ hai vợ chồng tích cực tăng gia sản xuất và chăn nuôi, nuôi gà đồi, tận dụng khoảnh vườn có sẵn, anh chị nuôi lợn mán, lợn ba sọc… Thấy chị là người con dâu luôn chăm chỉ, tần tảo, hiếu thảo với gia đình, ông bà nội đã tin tưởng giao lại cho hai vợ chồng 1,5 ha trồng keo của gia đình.
Chị tâm sự: “Cây keo phát triển rất nhanh trên vùng bán sơn địa, trung bình từ khi trồng đến lúc thu hoạch mất từ 5 đến 7 năm. Thời gian kéo dài là vậy, nhưng cái khổ nhất của bà con vùng trồng keo là phụ thuộc hoàn toàn vào “tư thương”, có những vụ tư thương ép giá trung bình mỗi ha keo chỉ thu được 50 đến 60 triệu đồng, trừ chi phí, giống má, công thuê người chặt hạ thì chẳng còn bao nhiêu. Đôi mắt chị đượm buồn khi nhìn về phía những đồi keo bạt ngàn của bà con trên vùng đất bazan. Trong suy nghĩ của chị, cứ trông chờ vào cây keo, vài con gà, chục con lợn thì biết lúc nào mới khá lên được?
Lửa thử vàng, gian nan thử sức
Cuối năm 2021 thời hậu Covid, tất cả các mặt hàng lâm sản, gia cầm đều bị rớt giá và tụt dốc… Không chịu khuất phục, chị mày mò, kiếm tìm những mô hình kinh tế xanh trên các trang mạng và từ bạn bè. Tình cờ xem được mô hình trồng măng Lục Trúc tại Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Vốn sẵn niềm đam mê, chị bàn với chồng lên thực tế để tận mắt chứng kiến những người nông dân bắt đất đẻ ra vàng trên vùng đồi khô cằn ít đất và nhiều đá sỏi. Sau khi nắm được kỹ thuật và học kinh nghiệm, chị bàn với chồng và anh em bên nội, bên ngoại về ý tưởng “chặt keo trồng măng Lục Trúc” trên mảnh đồi nhà mình. Không ngờ ý tưởng của chị lại được hầu hết anh em trong nhà đồng tình.
Ý tưởng đã hình thành. Vốn – trở thành vấn đề mấu chốt. Lấy ở đâu ra? Anh chị lại vận động, thuyết phục gõ từng nhà, rà từng anh em và bạn bè. Ban đầu chỉ huy động được gần 500 triệu đồng, chị bắt tay ngay vào công việc. Lên vùng Thái Nguyên mua 1.000 cây giống về trồng tại mảnh đồi của gia đình mình.
Những thành quả bước đầu
Anh Ngô Công Cảnh – Người giúp sức rất nhiều cho anh chị trong việc hướng dẫn, phổ biến, thực hành kỹ thuật, người trực tiếp học tập kỹ thuật chăm sóc vun trồng chia sẻ: “Việc đầu tiên gia đình thuê máy mở rộng đường vào đồi, tạo thành những luống đất theo hình tròn đồng mức để vừa giữ nước cho cây và chống xói mòn. Với khoảng cách đều nhau mỗi gốc giống có khoảng cách từ 2,5m đến 3m, sau khi tạo luống xong chúng tôi cẩn thận hướng dẫn anh em cách lấy bùn hoa pha loãng với nước ao và nhúng trực tiếp vào các gốc măng sau đó mới đem trồng. Anh giải thích làm theo cách “dân gian” này thì rễ cây dễ hấp thụ chất dinh dưỡng và phát triển rất nhanh. Để cung cấp tưới nước cho cây, chúng tôi tận dụng diện tích ao hồ có sẵn và khoan thêm các giếng khoan nên lúc nào cũng chủ động được nước tưới”. Các cụ có câu “nhất nước nhì phân”, chúng tôi luôn thực hiện nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, phân bón chủ yếu là phân gà đã ủ hoai kết hợp với bùn hoa và lá cây mộc. Nguồn phân gà rất dồi dào vừa rẻ lại vừa hiệu quả. Để chống sâu bệnh mà không cần đến thuốc trừ sâu, chúng tôi áp dụng kinh nghiệm dân gian dùng ớt ngâm với rượu sau đó pha loãng phun trực tiếp, còn đối với các loại sâu đục thân hại rễ thì dùng vôi bột ủ sẵn bón xung quanh gốc. Tóm lại trong quá trình vun trồng và chăm sóc chúng tôi luôn thực hiện chính sách “Ba không”, đó là: Không dùng phân hóa học, không dùng thuốc trừ sâu và không dùng thuốc kích thích.
Sau gần 14 tháng chăm sóc, đất và cây không phụ lòng người từ những khóm măng ban đầu chỉ cao khoảng 60 đến 70cm đến thời điểm hiện tại tháng 9/2024 đã chuyển thành cánh rừng măng Lục Trúc xanh mướt và bắt đầu cho quả ngot. Trung bình mỗi gốc măng có từ 6 đến 7 cây chính, và cho thu hoạch kéo dài từ 6 đến 7 tháng/ năm, chu kỳ thu hoạch kéo dài liên tục từ 10 đến 12 năm. Tại thời điểm phóng viên có mặt trung bình năm thứ nhất măng cho sản lượng trung bình 20 kg đến 30 kg củ/1gốc. Trung bình một ngày trên diện tích 1,5 ha cho thu hoạch từ 200 kg đến 300 kg. Với giá thành thực tế, trung bình 40.000 đồng/1kg đến 60.000 đồng/1kg mỗi ngày HTX thu hoạch khoảng 10 triệu đến 15 triệu đồng/ngày và tạo công ăn việc làm ổn định cho từ 3 đến 5 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 8 đến 9 triệu đồng/người/tháng.
Những ưu điểm nổi trội của măng tre Lục Trúc
Một là: Măng tre Lục Trúc rất giàu chất dinh dưỡng so với măng truyền thống, đặc biệt măng này rất phù hợp cho những người mắc bệnh tiểu đường và bệnh huyết áp.
Hai là: Măng Lục Trúc không kén đất, dễ trồng, khả năng chống chịu hạn và sâu bệnh rất tốt. Thời gian thu hoạch kéo dài và việc tự nhân giống thuần chủng rất nhanh và có thể đáp ứng được số lượng lớn khi cần mở rộng diện tích. Anh Cảnh chia sẻ: Trồng măng một năm có thể thu hoạch trên 10 năm liên tục, măng rất dễ nhân giống, trung bình mỗi gốc măng có từ 6 đến cành, chi và mỗi cành có thể tự chiết được 5 đến 6 cây làm giống, tỷ lệ sống rất cao đạt tới 98%. Cái hay và khác với măng truyền thống nữa đó là: Mỗi củ măng đều có 6 mắt đối xứng nhau và khi ta trồng đến kỳ khai thác măng nếu ta cắt 2 mắt trên thì 4 mắt dưới lại tiếp tục nảy mầm măng mới và nếu ta để lại không hái măng thì bốn mắt đó sẽ phát triển thành 4 cây. Như vậy quá trình sinh trưởng và phát triển, cũng như giá trị từ cây măng Lục Trúc mang lại đều được tính theo cấp số nhân.
Ba là: Khác với măng truyền thống, măng tre Lục Trúc có thể ăn sống trực tiếp và quá trình sơ chế rất đơn giản không tốn nhiều công sức, đồng thời vì thời gian khai thác kéo dài và liên tục nên măng Lục Trúc luôn đảm bảo tươi, ngon, vị thanh, ngọt và dòn rất phù hợp với các món ẩm thực của người phương Đông.
Bốn là: Hầu hết những thân cây măng, lá sau khi thu hoạch từ trên 10 năm trở đi khi ta trồng lứa mới đều có thể tận dụng tối đa. Thân cây có thể trở thành nguồn nguyên liệu làm mây tre đan hoặc nhiều công cụ, dụng cụ dân gian như bàn, ghế, rổ rá, các vật dụng trang trí thân thiện với môi trường, lá cây tận dụng ủ mục và quay trở lại quá trình tái sinh phân bón hữu cơ.
Cần lắm những cơ chế và chích sách đặc thù để mô hình măng tre Lục Trúc của HTXDV NN Xuân Hanh trong tương lai gần sẽ trở thành mô hình điểm
Trao đổi với PV – ông Đặng Sỹ Thu – Chủ tịch UBND xã Minh Sơn cho biết: Đây là mô hình mới có nhiều triển vọng, ngay từ khi thành lập THTXDVNN măng Lục Trúc Xuân Hanh tháng 3/2023, với số vốn ban đầu chỉ vẻn vẹn 1,5 tỷ đồng, chính quyền địa phương đã xác định đây là một hướng đi mới, mô hình “Nông nghiệp xanh”, do vậy địa phương luôn kịp thời động viên và khuyến khích, tuyên truyền bà con tích tụ đất đai sẵn có, tham gia mô hình HTX. Đến nay, chúng tôi đã cùng HTX huy động thêm 3 ha đất trồng keo kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng măng Lục Trúc.
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, chính quyền địa phương đang xúc tiến đưa sản phẩm măng này đạt chuẩn VietGAP và sắp tới sẽ trở thành sản phẩm OCOP chủ lực của đại phương. Song song với quá trình đó, chúng tôi rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành đặc biệt là phòng nông nghiệp huyện, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, sở Khoa học và công nghệ… trong việc tạo cơ chế mở để HTX tiếp cận chính sách, cơ chế đặc thù trong việc vay vốn ưu đãi và mở rộng diện tích.
Chị Đinh Thị Lệ – Chủ nhiệm HTX cho rằng: Mong muốn của bản thân nói riêng và gia đình nói chung là muốn cùng bà con xã nhà thoát nghèo vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, từ những thành công ban đầu bên cạnh việc HTX đã sớm xúc tiến đầu tư máy móc, xây dựng khu nhà bảo quản sản phẩm và hướng tới định hình sản phẩm xanh thân thiện với môi trường… Định hướng lâu dài là phát triển toàn diện, mở rộng diện tích trồng măng từ 30ha đến 50ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3- 4 sao. Hình thành chuỗi liên kết, chuyển giao công nghệ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho toàn vùng của huyện Ngọc Lặc nói riêng và toàn tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, nông nghiệp xanh là nền nông nghiệp sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nông nghiệp xanh hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, ổn định kinh tế và giúp cho người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp… đảm bảo nông nghiệp bền vững trên cả trụ cột kinh tế – xã hội và môi trường. Nền nông nghiệp xanh còn là địa chỉ đỏ trong việc hấp thụ khí CO2, ngăn phát thải ra môi trường và hình thành các tín chỉ Carbon.
Hy vọng rằng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, từ những thành công ban đầu mô hình trồng măng tre Lục Trúc của HTXDVNN Xuân Hanh xã Minh Sơn huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa trong thời không xa nữa những ngọn đồi trồng keo truyền thống sẽ được thay thế bằng những cánh đồi xanh bạt ngàn phủ kín bởi những khóm măng trúc và thấp thoáng trong những cánh đồi ấy là những nếp nhà khang trang phản ánh những mảnh ghép tương đồng thể hiện sự no đủ của bà con đồng bào Mường nơi đây.
Đỗ Long