Hối hả tái thiết con tàu Việt

“Con tàu” kinh tế Việt sau hải trình dồn dập bão tố đại dịch đang hối hả tái thiết, sẵn sàng rẽ sóng tiếp tục thời kỳ phát triển rực rỡ. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mang thông điệp này trong chuyến xuất hành đầu năm tới Singapore. Ông là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên “xông đất” Đảo quốc Sư tử.

Với tình tri kỷ

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 24 đến 26/2/2022 vào đúng thời điểm Việt Nam soạn sửa chính thức “mở toang” bầu trời đón khách quốc tế và khôi phục lại mọi hoạt động kinh tế.

Đến Singapore vào lúc này, người đứng đầu Nhà nước muốn gửi niềm lạc quan vào nơi tri kỷ. Bởi những năm đầu của thời kỳ đất nước tiến hành đổi mới, ngót 3 thập kỷ trước, khi Việt Nam rất muốn học hỏi kinh nghiệm về phát triển và quản lý kinh tế – xã hội của Singapore và cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã nhận lời trở thành Cố vấn kinh tế cấp cao cho Chính phủ Việt Nam. Ông Lý Quang Diệu nhiều lần đến thăm Việt Nam để đưa ra lời khuyên về chiến lược kinh tế vĩ mô. Chính phủ Singapore cũng thành lập Quỹ hỗ trợ trị giá 10 triệu SGD để giúp đào tạo cán bộ Việt Nam.

Hối hả tái thiết con tàu Việt
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Đối thoại Doanh nghiệp Việt Nam – Singapore, ngày 25/2/2022.

Với tình tri kỷ, quan hệ Việt Nam – Singapore rất bao trùm và sâu rộng. Đặc biệt, Singapore là quốc gia rất nhiệt tình trong thúc đẩy sự hội nhập của Việt Nam với thế giới. Năm 2021, mặc dù cả nền kinh tế Việt gần như phải đứng im để chống dịch với việc giãn cách xã hội diễn ra khắp các tỉnh thành ròng rã trong nhiều tháng thì hợp tác thương mại, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn đạt 8,3 tỷ USD, tăng 23,3% so với năm 2020. Tháng 1/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 783,9 triệu USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Hối hả tái thiết con tàu Việt
Nguồn: Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan

Với tình tri kỷ, trong hai năm khó khăn chưa từng có vì đại dịch, năm 2020, 2021, Singapore trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể năm 2021, tổng số vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam đạt trên 10,7 tỷ USD, chiếm 1/3 FDI vào Việt Nam. Trong toàn cảnh về đầu tư nước ngoài mấy thập kỷ qua, thì Singapore là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN và đứng thứ 2/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 2.860 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đăng ký đạt 66 tỷ USD. Mô hình các khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) đã trở thành biểu tượng hợp tác thành công giữa hai nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 19 tỷ USD, tạo ra giá trị xuất khẩu khoảng 35 tỷ USD/năm và tạo việc làm cho gần 300.000 lao động trực tiếp ở Việt Nam.

1 giờ hơn 11 tỷ đô

Việt Nam, từ một quốc gia chịu nhiều đau thương, sau đổ nát hoang tàn của chiến tranh đã không ngừng mãnh liệt vươn lên. Còn Singapore là một minh chứng sinh động cho mô hình từ một dân tộc bé nhỏ với chỉ vài triệu dân đã bật dậy trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới, trở thành một mô hình tiêu biểu cho Việt Nam học tập, trong chặng đường phát triển thời gian tới.

Chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng là hoạt động trao đổi đoàn cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa Việt Nam và Singapore, sau hơn hai năm gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, vị quốc khách đầu tiên mà Singapore đón chính là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Khỏe hơn, mạnh hơn

Năm 2021, khi mà thế giới dần bước qua những thời khắc đen tối thì toàn khu vực Đông Nam Á vẫn ngộp thở trong bầu không khí u ám bởi Covid-19. Giữa sự hỗn loạn bởi virut hoành hành, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Singapore trở thành điểm sáng rực rỡ. Từ điểm sáng rực rõ này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi đến thế giới nói chung và ASEAN nói riêng lời khẳng định rằng, ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 toàn cầu, với những khủng hoảng về kinh tế, y tế hay ngay cả trong kỷ nguyên đầy bất trắc về chính trị, Việt Nam vẫn đặc biệt quyết tâm phát triển kinh tế và luôn mở rộng cửa, nồng hậu, chân tình chào đón, nỗ lực hết mình để mọi sự hợp tác đều mang lại thành quả tốt đẹp nhất.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng gửi đi thông điệp nền kinh tế Việt Nam không chỉ có mong muốn khỏe hơn mà còn mạnh hơn sau đại dịch khi chuyến thăm nhằm tạo tiền đề để mở rộng hợp tác sang những lĩnh vực then chốt của thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0; phát triển các khu công nghiệp Việt Nam – Singapore theo hướng khu công nghiệp thông minh, công nghệ cao; tăng cường hợp tác trong khuôn khổ ASEAN về nền kinh tế tuần hoàn nhằm phát triển xanh, bền vững, nhất là sau khi Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Singapore, ngày 25/2/2022 tại Phủ Tổng thống Istana, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp riêng và sau đó cùng chủ trì cuộc hội đàm với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí cần sớm khôi phục các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp; thúc đẩy hợp tác an ninh quốc phòng; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, nhất là Cơ chế Bộ trưởng về kết nối hai nền kinh tế. Hiện, Việt Nam và Singapore đều đã công nhận lẫn nhau về chứng chỉ vắc-xin, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu thương mại giữa hai nước, đóng góp tích cực vào nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của mỗi nước sau đại dịch.

Trong khoảng 1 giờ đồng hồ của cuộc Đối thoại Doanh nghiệp Việt Nam – Singapore, với sự tham dự của lãnh đạo của gần 100 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của hai nước, Chủ tịch nước kêu gọi các tập đoàn doanh nghiệp Singapore mở rộng đầu tư vào những lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu.

Ngay sau đó, các doanh nghiệp hai nước đã ký kết và trao văn kiện hợp tác trị giá hơn 11 tỷ USD, như: Tập đoàn SOVICO cùng các đối tác liên quan đã có chuỗi thoả thuận, với tổng trị giá lên tới 5,2 tỉ USD; Tập đoàn T&T Group đã ký kết và trao biên bản ghi nhớ với Tập đoàn YCH (Singapore) về nghiên cứu cơ hội hợp tác đầu tư và triển khai dự án Logistics, có quy mô trên 70 ha tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đây là bước tiếp nối thành công sự kiện khởi công dự án Siêu cảng – Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc vừa được T&T Group và YCH tổ chức vào cuối năm 2021…

Bước đi tắt táo bạo

Trong một diễn biến liên quan đến quá trình hối hả tái thiết con tàu kinh tế Việt, tại tâm dịch đau thương nhất của cả nước năm 2021 – TP. Hồ Chí Minh, đang có những bước đi khẩn trương chưa từng có. Ghi nhận từ đất thép Củ Chi, nơi đây đang ráo riết đẩy nhanh tiến trình phát triển thành thành phố trực thuộc TP. Hồ Chí Minh, với trung tâm logistics, hồ phát triển cảnh quan, các khu dưỡng lão 5 sao… Đây được coi là bước đi tắt táo bạo, huyện Củ Chi không phát triển tuần tự từng bước mà chưa thành quận đã muốn tiến thẳng lên thành thành phố.

Sự táo bạo này đã trở thành lực đẩy lớn cho các địa phương khác trong cả nước có thêm mong muốn bứt phá. Vào tháng 7 năm ngoái, trong bài phát biểu nhậm chức Chủ tịch nước trước Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: “Tôi xúc động khi được sự tín nhiệm của đồng bào cử tri ở hai huyện – là cái nôi của cách mạng miền Nam, Hóc Môn (18 thôn vườn trầu) và Củ Chi (Đất thép Thành đồng), bầu tôi làm đại biểu Quốc hội khóa XV, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh”.

Theo Chủ tịch nước, đây thực sự là vinh dự trong trách nhiệm. Bởi Việt Nam là một quốc gia đã trải qua lịch sử dựng nước, giữ nước hết sức oanh liệt, hào hùng, với nhiều gian khổ, hy sinh. Cùng với những địa danh khác, Củ Chi, Hóc Môn đã trở thành biểu tượng của khí chất, tinh thần Việt Nam, của lòng yêu nước nồng nàn, của khát vọng độc lập dân tộc và niềm tin sắt son vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Ông nhấn mạnh: “Vì vậy, mọi thành quả của chúng ta sẽ không bao giờ trọn vẹn khi những địa phương, những vùng đất giàu truyền thống cách mạng như vậy vẫn chưa phát triển tương xứng với bề dày lịch sử và với tiềm năng”.

Theo Đoàn Trần (Thời báo tài chính Việt Nam)

Bài Viết Liên Quan

Back to top button