Hoà Phát lùi kế hoạch đưa vỏ container đầu tiên ra thị trường
Nhà máy sản xuất container Hòa Phát sẽ chạy thử trong quý III/2022 và bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường từ quý IV năm nay, chậm hơn so với kế hoạch ban đầu là quý II/2022.
Trước tình trạng thiếu vỏ container trầm trọng kéo dài trong năm qua, Tập đoàn Hòa Phát đã tham gia ngành sản xuất vỏ container để đáp ứng nhu cầu cho hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam.
Nhà máy ban đầu dự kiến khởi công trong tháng 6/2021 nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19, đến tháng 11/2021 dự án mới được khởi công.
Dự án nhà máy vỏ container tại khu công nghiệp Phú Mỹ II mở rộng có quy mô công suất 500.000 TEU/năm (một container 20 feet tương đương 1 TEU).
Giai đoạn 1 nhà máy có công suất 200.000 TEU/năm. Hòa Phát đã ký kết hợp đồng máy móc thiết bị với các nhà cung cấp trên thế giới. Dự kiến giữa tháng 3-2022 lô thiết bị sản xuất đầu tiên sẽ về đến nhà máy.
Ông Vũ Đức Sính, Giám đốc Công ty CP sản xuất container Hòa Phát, cho biết có nhà cung cấp linh phụ kiện hiện đã đầu tư nhà máy gần khu vực nhà máy sản xuất container.
Nhà máy sản xuất container Hòa Phát sẽ chạy thử trong quý III/2022 và bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường từ quý IV năm nay. Dự kiến cuối năm 2023 nhà máy sẽ đạt công suất 200.000 TEU/năm.
Hòa Phát đặt mục tiêu hoàn thành nhà máy nhanh nhất nhằm tận dụng cơ hội thị trường do nguồn container rỗng từ nước ngoài chuyển về Việt Nam thiếu hút trầm trọng đồng thời góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa và thương mại toàn cầu.
Nguyên liệu cho sản xuất vỏ container rỗng là loại thép HRC, mác SPA-H đặc chủng, kháng tự nhiên, kháng thời tiết, sản phẩm của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Tại Việt Nam, chỉ có Hòa Phát sản xuất được loại thép này.
Khi đạt đến công suất 500.000 TEU/năm, sản xuất container sẽ tiêu thụ 1 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC/năm, là đầu ra tốt cho Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất hiện tại và Dự án Dung Quất 2 của Hòa Phát. Container sẽ là sản phẩm giá trị gia tăng nằm trong hệ sinh thái sản xuất gang thép của Hòa Phát.
Như vậy, thời gian dự kiến đưa sản phẩm ra thị trường của Hoà Phát đã lỡ 2 quý so với dự kiến ban đầu là quý II/2022 mà doanh nghiệp này đưa ra trước đó. Và dù là tín hiệu tích cực đánh dấu sự tham gia của doanh nghiệp Việt vào cuộc đua giải “cơn khát vỏ container” suốt 2 năm qua của ngành logistics thế giới, nhưng cũng còn phải chờ nửa năm nữa cho những sản phẩm đầu tiên ra đời.
Do đó, trước mắt, để giải “cơn khát” container rỗng, giảm chi phí cho các doanh nghiệp xuất khẩu, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics cần có trách nhiệm và hợp tác với nhau chặt chẽ hơn.
Theo đó, các hãng tàu cần lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp chủ hàng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý để tập chung giải quyết những điểm nghẽn như thiếu vỏ, thiếu chỗ, giá cao vượt mức hợp lý,… Qua đó, giúp điều phối hợp lý thiết bị, không chỉ giữa các cảng, depot trong nước, mà cũng cần có sự ưu tiên cho thị trường Việt Nam vì lợi tích lâu dài.
“Các doanh nghiệp là chủ hàng cũng cần thiết lập kế hoạch vận hành kinh doanh phù hợp để giải phòng hàng hoặc nhập hàng hoá nhanh hơn. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần tiếp tục tăng cường cải cách, tạo thuận lợi cho thương mại, qua đó giúp cho việc giải phòng hàng hoá nhanh hơn và đạt mục tiêu kép. Đồng thời cũng cần chú ý tới đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường visibility trong chuỗi cung, qua đó có thể dự báo tốt hơn về nhu cầu, nguồn hàng cụ thể”, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đề xuất.
Trên thực tế tình trạng thiếu container rỗng đã xuất phát từ năm 2020 khi đại dịch Covid-19 khiến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và sự gián đoạn ngoại thương quy mô lớn khiến 25 triệu container rỗng bị mắc kẹt rải rác khắp nơi.
Trong khi đó, Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng lớn khi tình trạng khan hiếm container diễn ra trên toàn cầu và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Bởi, Việt Nam là nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, là nước xuất siêu, nhưng chưa có ngành công nghiệp phụ trợ – sản xuất container đủ lớn nên hàng xuất khẩu Việt Nam rất dễ chịu tác động tiêu cực về giá một khi Trung Quốc – quốc gia chiếm hơn 90% lượng container cung cấp ra toàn thế giới vẫn đang tiếp tục “hút” container rỗng về thị trường này.
Cùng với đó, hiện Việt Nam có vài chục doanh nghiệp hoạt động liên quan đến container, nhưng hầu hết chưa phải là doanh nghiệp sản xuất đúng nghĩa. Có doanh nghiệp đã từng sản xuất container, nhưng do điều kiện khách quan nên phải thu hẹp sản xuất. Còn lại chủ yếu là những doanh nghiệp sửa chữa, cải tạo.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn