HỒ GƯƠM GROUP VỚI HÀNH TRÌNH ĐƯA NÔNG SẢN “XUẤT NGOẠI”

Trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ, đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn, doanh nghiệp xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ là hướng đi tất yếu.

HỒ GƯƠM GROUP VỚI HÀNH TRÌNH ĐƯA NÔNG SẢN
Nông nghiệp công nghệ cao đang làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu ngành nông nghiệp (Hình minh họa)

Xu thế tất yếu trong nông nghiệp

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được coi là xu hướng tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc, qua đó làm thay đổi bức tranh nông nghiệp nước nhà. Đồng thời, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao sẽ giúp các doanh nghiệp thu được những “trái ngọt” nhờ đáp ứng tốt thị hiếu khách hàng và “xuất ngoại” sang những thị trường khó tính.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp đang bị thu hẹp do đô thị hóa, biến đổi khí hậu; nhu cầu lương thực ngày càng tăng lên; sự bùng nổ của công nghệ thông tin, quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi chất lượng nông sản càng cao, là những thách thức rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp.

Để giải bài toán này, ngành nông nghiệp nói chung, doanh nghiệp sản xuất nói riêng cần đổi mới công nghệ, ứng dụng hiệu quả những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến nhất trong sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, cho ra những sản phẩm sạch bảo vệ môi trường. Một số công nghệ đang được ứng dụng phổ biến hiện nay như: công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật…

Nhận định về sự đóng góp của khoa học công nghệ đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp, nhiều chuyên gia, nhà khoa học có chung nhận định, khoa học và công nghệ thực sự là một trong các giải pháp quan trọng đóng góp có hiệu quả, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, phục vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt.

HỒ GƯƠM GROUP VỚI HÀNH TRÌNH ĐƯA NÔNG SẢN
Mô hình nông nghiệp sạch của Tập đoàn Hồ Gươm

Cần tính tiên phong

Để phát triển nông nghiệp “sạch”, ứng dụng công nghệ cao chưa bao giờ là điều dễ dàng trong bối cảnh ngành nông nghiệp nói chung còn manh mún, nhỏ lẻ và vẫn “đậm chất” truyền thống.

Do đó, để hiện thực hóa mục tiêu “Hiện đại hóa, thương mại hóa nông nghiệp, chuyển mạnh sang phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, sản xuất lớn, dựa vào khoa học – công nghệ, có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao” theo Nghị quyết 06/NQ-TW của TW Đảng khóa XII, nền kinh tế cần nhiều doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Duy Ninh, Tổng Giám đốc Khối Dịch vụ Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm cho biết, nước ta có điều kiện khí hậu vô cùng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nhưng vẫn chưa khai thác được tiềm năng và lợi thế “trời cho” này.

HỒ GƯƠM GROUP VỚI HÀNH TRÌNH ĐƯA NÔNG SẢN
Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt tay chúc mừng ông Nguyễn Duy Ninh – Tổng Giám đốc Khối Dịch vụ Tập đoàn Hồ Gươm nhân ngày Doanh Nhân Việt Nam 13/10/2023

Tập đoàn Hồ Gươm hiện đang đầu tư trên 5 lĩnh vực, gồm may mặc, bất động sản, giáo dục đại học, công nghệ thông tin và nông nghiệp công nghệ cao. Nói riêng về đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, ông Nguyễn Duy Ninh cho rằng, Hồ Gươm lựa chọn nông nghiệp công nghệ cao là bởi tính bền vững cho cả con người và môi trường; đồng thời cũng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong suốt thời gian qua. Và, Hồ Gươm luôn tìm cho mình một hướng đi mới, khác biệt, tiên phong.

HỒ GƯƠM GROUP VỚI HÀNH TRÌNH ĐƯA NÔNG SẢN
Trang trại trồng tía tô xanh xuất khẩu của Tập đoàn Hồ Gươm tại Bắc Ninh. Thời điểm năm 2017, mỗi lá tía tô được xuất khẩu có giá 700 đồng.

Đơn cử như sản phẩm lá tía tô xanh, đây là sản phẩm duy nhất Hồ Gươm trồng được tại Việt Nam và xuất khẩu sang Nhật Bản có giá cao gấp nhiều lần so với các loại tía tô bản địa khác.

Tổng Giám đốc Khối Dịch vụ Nguyễn Duy Ninh chia sẻ, năm 2014, Tập đoàn Hồ Gươm quyết định đầu tư trang trại tía tô xanh tại tỉnh Bắc Ninh với diện tích 11,4 ha với chi phí hơn 150 tỷ đồng, được trang bị chuyên nghiệp hiện đại theo tiêu chuẩn khắt khe của Nhật Bản. Lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu nông sản siêu sạch để ăn sống sang thị trường Nhật Bản, một thị trường khắt khe bậc nhất thế giới với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hàng đầu về thực phẩm, đặc biệt là đồ ăn sống.

“Thành tích xuất sắc của Tập đoàn Hồ Gươm được giới truyền thông đánh giá như phát pháo đầu tiên minh chứng cho tiềm năng phát triển nông nghiệp chất lượng cao của Việt Nam. Xuất khẩu đồ ăn sống chất lượng cao sang thị trường Nhật Bản đã đánh dấu bước tiến mới của Tập đoàn khi bước vào lĩnh vực nông nghiệp đầy triển vọng, mở ra cánh cửa xuất khẩu nông sản đầy tiềm năng”, ông Ninh cho hay.

HỒ GƯƠM GROUP VỚI HÀNH TRÌNH ĐƯA NÔNG SẢN
Diện tích trồng vải không hạt của Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm tại Ngọc Lặc, Thanh Hóa

Tiếp nối trang trại ở Bắc Ninh, Hồ Gươm liên tục mở rộng quy mô lĩnh vực nông nghiệp khi đầu tư vào nông trường Hồ Gươm – Sông Âm ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa với diện tích gần 1.000 ha để trồng cây bơ Hass – 1 loại bơ có hàm lượng tinh dầu & dinh dưỡng cao bắt đầu cho ra trái để chuẩn bị xuất khẩu đi Israel và châu Âu.

Cũng tại đây, ngày 13/6/2023, hơn 1 tấn vải không hạt đầu tiên được Hồ Gươm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh. Đây là dấu mốc quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa, khi cây ăn quả được trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP được địa phương này hướng đến nhằm phục vụ thị trường xuất khẩu. Hiện, Hồ Gươm đang tiếp tục đàm phán với các thị trường tại Singapore, Canada… để có thể xuất khẩu nhiều hơn mặt hàng này trong những năm tiếp theo.

Tiếp nối tinh thần từ những “trái ngọt” thu được, Tập đoàn Hồ Gươm còn đầu tư xây dựng nông trường Hồ Gươm – Hoàng Lan tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai với diện tích gần 600 ha, trồng các loại cây ăn quả có nhiều tiềm năng xuất khẩu cao như dứa, bưởi da xanh, cam. Cùng với đó, nông trường Hồ Gươm – Hà Giang ở huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang với diện tích hơn 300 ha được trồng các loại cây ăn quả như chuối, bưởi ruby, cam và quế.

Nhận thấy những triển vọng của thị trường nông sản, hiện nay, Hồ Gươm cũng bắt đầu xây dựng nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, từ đó hướng tới mục tiêu xuất khẩu nông sản chất lượng cao là một mũi nhọn của Tập đoàn.

“Để khoa học công nghệ thực sự thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chúng tôi mong muốn các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, hoàn thiện chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp, HTX phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có các giải pháp hiệu quả để đưa các chính sách thực sự đi vào thực tiễn, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững”, ông Nguyễn Duy Ninh chia sẻ.

VŨ QUÝ – DUY PHƯỜNG

Bài Viết Liên Quan

Back to top button