H&M khơi mào cuộc chiến giá với Shein
H&M bắt đầu gửi lời tuyên chiến tới hãng thời trang siêu rẻ Shein bằng cách giảm giá, bán đồ rẻ hơn cả Shein, giống như cuộc đua đồ điện tử giá rẻ ở Việt Nam.
Trong cuộc đua cạnh tranh với startup Shein, hãng thời trang có trụ sở tại Thụy Điển H&M đã quyết định giảm giá sâu đến 70% cho sản phẩm áo “croptop” xuống chỉ còn 1,7USD.
Việc giảm giá của H&M dường như phản ánh một trong những chiến lược cốt lõi của Shein là cạnh tranh để giành khách hàng bằng cách đưa ra mức giá thấp nhất có thể.
Nổi lên như một nhà bán lẻ thời trang nhanh hàng đầu, năm ngoái Shein đã đạt được mức định giá 100 tỷ USD. Điều này khiến cho giá trị vốn hóa của Shein – công ty có trụ sở tại Singapore – còn cao hơn cả H&M và Zara cộng lại.
Đại dịch xảy ra khiến nền kinh tế gặp nhiều khó khăn thì vô hình trung đây lại là thời điểm lý tưởng để Shein có cơ hội tăng trưởng bùng nổ và trở thành một trong số ít các thương hiệu tiêu dùng Trung Quốc giành được sự hoan nghênh trên toàn cầu. Tại Shein, người tiêu dùng có thể tìm thấy trên hàng trăm mặt hàng với giá chỉ vài USD.
Bất chấp những lo ngại về tác động tiềm ẩn của Shein đối với môi trường và điều kiện lao động, người tiêu dùng vẫn tiếp tục đổ xô sử dụng thương hiệu này. Hiện, trung bình mỗi khách hàng của Shein đang chi tới 100 USD mỗi tháng cho quần áo — cao hơn 60% so với mức chi trung bình của phụ nữ Mỹ.
Bên cạnh đó, Shein cũng đã cố gắng tận dụng sức mạnh sản xuất của Trung Quốc, cho phép họ cắt giảm đáng kể thời gian giao hàng. Các nhà nghiên cứu ước tính lịch trình sản xuất của Shein chỉ kéo dài từ 3 đến 7 ngày, so với khoảng thời gian trung bình là 3 tuần được tiết lộ bởi những doanh nghiệp như H&M.
Tháng này, Shein là nhà bán lẻ quần áo được tìm kiếm nhiều nhất trên Google và là một trong những ứng dụng mua sắm được tải xuống nhiều nhất ở Mỹ.
Trong khi đó, H&M sau một thời gian sa thải nhân viên và đóng cửa nhiều cửa hàng, công ty đang có dấu hiệu phục hồi. Giám đốc điều hành H&M Helena Helmersson cho biết, công ty đã tăng doanh số bán hàng tại nhiều thị trường mặc dù mức chi tiêu của người tiêu dùng còn hạn chế.
Tuy, chịu ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết cực đoan trong mùa hè năm nay, nhưng, bộ sưu tập hè mới của H&M vẫn gây ấn tượng với người tiêu dùng. Hồi cuối tháng 6, doanh số bán hàng từ ngày 1 đến ngày 27 tháng 6 tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện tại, đại diện phát ngôn của H&M vẫn từ chối bình luận về việc giá một chiếc áo giảm xuống mức 1,7 USD. Trên website công ty, giá bán cho một chiếc áo sơ mi dao động khoảng từ 5 USD đến 237 USD. H&M đang đặt mục tiêu biên lợi nhuận hoạt động là 10% vào năm 2024.
Tuy nhiên, trong cuộc đua khó cân sức này, ngay cả khi H&M có thể thu được nhiều doanh số hơn, thì các trang web thương mại điện tử thời trang khác rẻ hơn vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Hiện, ứng dụng mua sắm Temu – cửa hàng 1 đô của Trung Quốc, đang bắt đầu vượt qua Shein. Hồi tháng 5, chi tiêu của Mỹ cho Temu cao hơn 20% so với Shein.
Ở Việt Nam, các chuỗi bán đồ điện tử như Thế giới di động hay FPT cũng đang lao vào cuộc chiến giá rẻ chưa có hồi kết. Có vẻ như, thời khủng hoảng, giá rẻ là chiêu bài rất hiệu quả để thu hút khách hàng lẫn “triệt hạ” đối thủ.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn