Hiệu ứng “Bán tháng 5” có đáng lo?
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng của hiệu ứng “Bán tháng 5 và đi chơi (Sell in May and go away)”, song không hoàn toàn mang tính rút vốn mạnh…
Nhà đầu tư nên linh hoạt trong việc sử dụng các quy tắc kinh nghiệm như “Sell in May”, thay vì áp dụng cứng nhắc.
Cú hích mới cho thị trường
Sáng ngày 5/5, TTCK Việt Nam chính thức bước vào phiên giao dịch đầu tiên trên hệ thống mới KRX. Ngay trong những phút mở cửa đầu phiên (ATO), thị trường ghi nhận một số gián đoạn nhỏ, khi việc khớp lệnh chưa thực sự mượt mà như kỳ vọng.
Tuy nhiên, sau khoảng thời gian ngắn điều chỉnh và ổn định kỹ thuật, hoạt động giao dịch nhanh chóng trở lại bình thường. Tâm lý thận trọng bao trùm phần lớn các nhà đầu tư cá nhân và giới môi giới trong ngày vận hành đầu tiên của hệ thống mới. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE chỉ đạt khoảng 5.700 tỷ đồng – thấp hơn mức trung bình khoảng 8.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Khối Nghiên cứu & Phát triển Khách hàng cá nhân tại Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhìn nhận hiện tượng chậm trễ trong phiên ATO chủ yếu xuất phát từ yếu tố khởi động ban đầu và việc nhà đầu tư chưa quen với thao tác trên hệ thống mới. Tình trạng lệnh khớp chậm chỉ diễn ra cục bộ với độ trễ chỉ vài giây và không gây ảnh hưởng đáng kể đến toàn bộ thị trường.
“Một số mã cổ phiếu từng bị hạn chế giao dịch đã được mở lại, điều này có thể khiến dữ liệu hiển thị trong ngày đầu chưa thực sự ổn định. Việc thanh khoản sụt giảm trong phiên sáng ngày 5/5 chủ yếu phản ánh tâm lý dè chừng của nhà đầu tư, nhưng khi thị trường dần làm quen với hệ thống mới, thanh khoản sẽ sớm phục hồi và cải thiện trong những phiên tiếp theo”, ông Minh bày tỏ.
Theo chuyên gia chiến lược đầu tư tại SSI Research – ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, về mặt kỹ thuật, VN-Index hiện đang dao động quanh 1.250 điểm. Sự ổn định trong biên độ hẹp kéo dài nhiều phiên cho thấy thị trường đang nén lại, chuẩn bị cho một pha bứt phá khi đủ điều kiện. Những yếu tố như chính sách tiền tệ, kết quả kinh doanh quý, hay diễn biến thương mại toàn cầu… sẽ là nhân tố kích hoạt xu hướng tăng mới.
Việc hệ thống KRX chính thức vận hành từ ngày 5/5/2025 được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực quan trọng cho giai đoạn mới, không chỉ mang ý nghĩa cải thiện năng lực xử lý giao dịch so với hệ thống cũ, mà còn mở ra khả năng triển khai nhiều sản phẩm mới như bán khống, giao dịch T+0, quyền chọn… Tuy nhiên, KRX chỉ là yếu tố “cần” và chưa “đủ”. Việc triển khai các sản phẩm mới vẫn cần thời gian để hoàn thiện khung pháp lý, vận hành cũng như cơ chế thanh toán.
“Sự cải tiến về hạ tầng cũng gắn liền với kỳ vọng nâng hạng thị trường, một tiến trình đã được thúc đẩy mạnh mẽ trở lại. Việc sửa đổi quy định về mở tài khoản cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài – một rào cản lớn trong quá khứ, đang được đơn giản hóa. Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã công bố kế hoạch hành động cụ thể trong quý II và III/2025 để đáp ứng các tiêu chí nâng hạng, hướng đến kỳ đánh giá lại của FTSE trong tháng 9. Đây là những yếu tố có tính nền tảng, dù chưa tác động ngay đến lợi nhuận doanh nghiệp, nhưng lại rất có giá trị trong trung, dài hạn”, ông Hiếu cho biết.
Chiến lược cho nhà đầu tư
Ngoài ra, một vấn đề được giới đầu tư quan tâm nữa, đó là tháng 5 từ lâu được xem là một trong những giai đoạn “dễ tổn thương” nhất của TTCK toàn cầu, gắn liền với hiện tượng “Sell in May” – một quy tắc kinh nghiệm mà nhiều nhà đầu tư sử dụng để giảm thiểu rủi ro trong mùa hè. Tuy nhiên, việc áp dụng hiện tượng này không thể tách rời khỏi bối cảnh xu hướng giá lên hoặc giá xuống của thị trường tại thời điểm đó, đặc biệt khi được đánh giá trên nền tảng dữ liệu dài hạn.
Ông Nguyễn Thế Minh cho biết theo thống kê từ năm 1965- 2023, chỉ số S&P500 thường có xác suất tăng gần 70% với mức tăng trung bình 1% mỗi năm trong thị trường giá lên (tức là chỉ số S&P500 trên đường trung bình 200 ngày). Ngược lại, chỉ số S&P500 thường có xác suất tăng 35% với mức giảm trung bình 2,5% mỗi năm trong thị trường giá xuống (tức là chỉ số S&P500 dưới đường trung bình 200 ngày). Hiện nay, chỉ số S&P500 vẫn dưới đường SMA200 và cách đường SMA200 là 1,04%. Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán châu Âu cũng đã vượt xa đường SMA200.
Tại Việt Nam, thống kê từ năm 2000 đến 2024 cho thấy VN-Index có xác suất tăng trong tháng 5 là 46%, với mức tăng trung bình mỗi năm khoảng 1,32%. Tỷ lệ này không vượt trội nhưng cũng không quá tiêu cực, cho thấy TTCK Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng của hiệu ứng “Sell in May”, song không hoàn toàn mang tính rút vốn mạnh như các thị trường phát triển. Đây có thể đến từ việc TTCK Việt Nam đang trong quá trình phát triển, có sự tham gia ngày càng lớn của nhà đầu tư nội địa và cấu trúc thị trường chưa phản ứng quá nhạy với các hiệu ứng theo mùa.
Quan trọng hơn cả, dữ liệu cũng chỉ ra rằng hiệu ứng “Sell in May” không hoàn toàn cố định hay mang tính “định mệnh”, mà phụ thuộc rất lớn vào xu hướng thị trường tại thời điểm đó. Như phân tích trên, khi thị trường toàn cầu có dấu hiệu tích cực trở lại, ví dụ như các chỉ số châu Âu vượt SMA200, hoặc dòng vốn ETF quay trở lại thị trường mới nổi, thì tâm lý thận trọng theo mùa có thể bị lấn át bởi kỳ vọng lợi nhuận, đặc biệt là trong những giai đoạn có động lực mới như chính sách cải cách, thông tin vĩ mô tích cực hay việc vận hành hệ thống KRX.
Với quan điểm này, có thể kỳ vọng rằng trong năm 2025, hiệu ứng “Sell in May” tại Việt Nam sẽ không còn quá mạnh mẽ như trong các chu kỳ điều chỉnh trước. Thay vào đó, thị trường có thể bước vào giai đoạn tích lũy tích cực nếu các yếu tố hỗ trợ trung hạn như kết quả kinh doanh quý II/2025, lộ trình nâng hạng thị trường và KRX được vận hành suôn sẻ… tiếp tục duy trì được hiệu ứng tâm lý tích cực.
Ngọc Diễm – Diễn đàn Doanh nghiệp