HBC bán công ty con, chuẩn bị “thay máu” Hội đồng quản trị
HBC đẩy mạnh tái cấu trúc, thông qua việc bán các công ty con hoạt động không hiệu quả, tăng cường quản trị rủi ro và tái cấu trúc tài chính, nhằm sớm lấy lại vị trí số 1 của ngành xây dựng Việt Nam.
Đẩy mạnh tái cấu trúc
Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) đã thông qua Nghị quyết của HĐQT về việc bán 100% vốn tại Công ty TNHH Máy xây dựng Matec cho nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính là Ashita Group, tổng giá trị chuyển nhượng là 1.100 tỷ đồng.
Theo HBC, điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ bổ sung thêm 1.100 tỷ đồng nguồn vốn vào các hoạt động kinh doanh. Đồng thời, nhiều bất động sản của công ty bao gồm nhà xưởng, văn phòng tại TP.HCM mua từ nhiều năm trước cũng sẽ được định giá lại theo chuẩn mực kế toán quốc tế, chắc chắn sẽ làm tăng thêm vốn chủ sở hữu cho Hòa Bình.
Trước đó, vào cuối tháng 5/2023, HBC cũng đã có Nghị quyết về việc chuyển nhượng 100% vốn góp của Công ty TNHH Trung tâm Đổi mới sáng tạo Hòa Bình cho Công ty TNHH Nuance hoặc bên thứ 3 do Nuance chỉ định với giá 167 tỷ đồng.
Lãnh đạo HBC cho biết, thời gian này, Tập đoàn đang tập trung tái cấu trúc hệ thống quản lý, tăng cường quản trị rủi ro cũng được tiến hành đồng thời cùng lúc với tài chính. Tiến hành rà soát, đánh giá lại hệ thống quản lý, cắt bỏ những khâu trung gian không cần thiết trên tinh thần tinh gọn bộ máy quản lý và tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, HBC sẽ tập trung mạnh vào công tác quản trị rủi ro để phát triển bền vững.
Theo Tổng giám đốc HBC Lê Văn Nam, HBC chỉ giữ lại các công ty có hoạt động kinh doanh hiệu quả, đồng thời tiếp tục đầu tư cho công ty đó phát triển tiến đến mục tiêu IPO để mời gọi nhiều nhà đầu tư cùng tham gia sở hữu cổ phần, tăng tài sản cho những công ty này, cũng như tăng tài sản cho Tập đoàn. Còn công ty nào hoạt động không hiệu quả và không còn phù hợp với định hướng phát triển của Tập đoàn trong tương lai thì sẽ thoái vốn và có thể giải thể.
Bên cạnh việc tái cấu trúc các công ty con, HBC cũng đẩy mạnh việc tái cấu trúc tài chính. Theo đó, doanh nghiệp sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà cung cấp, nhà thầu phụ để tăng vốn điều lệ cũng như giảm áp lực trả nợ. Cùng với đó là đưa các nhà thầu phụ, nhà cung cấp trở thành cổ đông chiến lược của Hòa Bình.
Bên cạnh đó, công tác tập trung thu hồi công nợ; tái cấu trúc các khoản vay với ngân hàng để giãn nợ và tái cấp các gói tín dụng mới và định giá lại tài sản của công ty. Việc tiến hành định giá tài sản mà chủ yếu là máy móc, thiết bị để ghi nhận lại giá trị hiện tại và khẳng định giá trị còn cao hơn rất nhiều so với giá trị ghi nhận trong sổ sách kế toán.
CEO HBC cho biết, việc tái cấu trúc toàn diện lúc này là một việc làm cấp bách và cần thiết. Hành trình “lột xác” sẽ bắt đầu tập trung vào các nhóm giải pháp quan trọng để giúp HBC vượt qua “cơ bão” dữ và trở lại vị trí số 1 của ngành xây dựng Việt Nam trong thời gian tới.
Khó khăn vẫn tiếp tục đeo bám
Tại tờ trình về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022, chuẩn bị cho ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 sắp tới, HBC nêu: Doanh thu thuần năm 2022 sau kiểm toán đạt gần 14.149 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2021 và tăng không đáng kể so với báo cáo tự lập.
Đáng chú ý, sau kiểm toán, doanh nghiệp ghi nhận mức lỗ ròng năm 2022 tăng 1.456 tỷ đồng, tương ứng với tăng gần 2,3 lần so với báo cáo tài chính tự lập, lên hơn 2.594 tỷ đồng.
Đến nay, HBC vẫn chưa công bố chi tiết BCTC kiểm toán 2022. Cũng vì lý do này mà cổ phiếu HBC đã bị HoSE đưa vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 18/05/2023 và chỉ được giao dịch trong phiên chiều.
Theo văn bản giải trình của HBC, gần đây công tác quản trị nội bộ phát sinh một số vấn đề. Bên cạnh đó, tình hình thị trường bất động sản và tài chính biến động, hàng loạt công trình phải ngưng thi công dẫn đến việc xác nhận khối lượng, giá trị hoàn thành từ chủ đầu tư gặp khó khăn, ảnh hưởng đến vấn đề thanh – quyết toán. Công ty đã phải tập trung nỗ lực để giải quyết các vấn đề trên. Điều này ảnh hưởng đến các hoạt động xuyên suốt của Công ty, trong đó có việc hoàn thành báo cáo tài chính năm đúng hạn.
Khó khăn vẫn tiếp tục đeo bám “ông lớn” ngành xây dựng Việt Nam HBC sang tận quý I/2023, khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn tiếp tục thua lỗ. Theo đó, doanh thu thuần giảm 60% so với cùng kỳ, về còn hơn 1.194 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tiếp tục ghi nhận lỗ gần 444 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 tới đây, HBC cũng sẽ “thay máu” mạnh mẽ HĐQT, thông qua việc miễn nhiệm 5/8 thành viên trong HĐQT nhiệm kỳ 2022 – 2024 hiện tại. Bên cạnh đó, HBC cũng đề xuất giảm số lượng thành viên HĐQT từ 8 thành viên, xuống còn 5 thành viên, trong đó, có 1 thành viên HĐQT độc lập và 2 thành viên HĐQT không điều hành.
Nhằm đảm bảo đủ số lượng thành viên HĐQT, ông Lê Viết Hải với tư cách là cổ đông lớn đã đề cử 2 cá nhân gồm Tổng Giám đốc HBC Lê Văn Nam và Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Bất động sản Thành Ngân Mai Hữu Thung vào HĐQT của HBC nhiệm kỳ 2022 – 2024.
Theo khảo sát của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), các doanh nghiệp xây dựng tỏ ra khá thận trọng đối với triển vọng kinh doanh năm 2023. Lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn trong ngành này nhận định, năm 2023 vẫn là một năm hết sức khó khăn đối với các nhà thầu, bởi họ đang phải chịu sức ép tài chính rất lớn.
Trong bối cảnh kinh tế thắt chặt, tính thanh khoản trên thị trường bất động sản, xây dựng vốn ở mức thấp như hiện tại. Theo nhận định của Vietnam Report, năng lực quản trị rủi ro trở thành ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp xây dựng, với kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành cũng như nâng cao uy tín đối với khách hàng và nhà đầu tư. Đồng thời, quản lý tốt hơn các nguồn lực của mình, giảm lãng phí và tối đa hóa lợi nhuận.