Hành trình “vá” lại cuộc đời

Từng phải trả giá bằng 6 năm tù bởi một phút sai lầm, nhưng với quyết tâm làm lại cuộc đời, 6 năm sau, cậu thanh niên bồng bột ngày nào đã trở thành ông chủ doanh nghiệp với quy mô hàng chục tỷ đồng…

Hành trình “vá” lại cuộc đời

Đặng Văn Toàn bên một tác phẩm mà anh yêu thích.

Đó là câu chuyện về doanh nhân Đặng Văn Toàn (Sn 1992 tại trú xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Hiện Toàn đang là Giám đốc Công ty TNHH Nội thất gỗ An Minh, một doanh nghiệp có tiếng với hệ thống kinh doanh đồ gỗ trải dài khắp 40 tỉnh thành.

Từ sai lầm tuổi đôi mươi…

Đặng Văn Toàn sinh tại làng mộc Tràng Đình (xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), là con út trong gia đình có 9 anh chị em. Bố mất sớm, một mình mẹ tần tảo nuôi anh em Toàn trưởng thành. Sớm ý thức được hoàn cảnh của gia đình, từ nhỏ, Toàn luôn chăm chỉ học hành để thoát nghèo.

Năm 2011, Toàn đậu vào Trường Đại học Nông Lâm TPHCM với chuyên ngành công nghệ ô tô. Tưởng rằng cuộc sống cứ êm đềm trôi và giấc mơ làm chủ một xưởng ô tô sẽ thành sự thật để có thể kiếm tiền đỡ đần cho mẹ. Thế nhưng, bao dự định, mơ ước của chàng sinh viên bỗng “tan như mây khói” khi vừa kết thúc học kỳ I năm 2012, Toàn về quê nghỉ hè rồi vướng vào vòng lao lý bởi 2 tội danh “Gây rối trật tự công cộng” và “Cố ý gây thương tích”.

Sự bồng bột của tuổi trẻ đã khiến Toàn phải trả giá bằng bản án 6 năm tù. Mùa hè năm ấy, Toàn cũng tròn 20 tuổi. “Khi đó, mọi thứ trước mắt tôi sụp đổ, tôi buông xuôi tất cả bởi ám ảnh hai chữ “thằng tù”. Nhưng nghĩ đến mẹ, đến gia đình, đồng thời được sự khích lệ của cán bộ trại giam khiến tôi nhận ra rằng mình cần phải sống, phải cố gắng cải tạo tốt để sớm có cơ hội hoàn lương, tôi luôn tự nhủ sẽ quyết tâm “vá” lại cuộc đời để viết thành một trang sách mới”, Toàn tâm sự.

Theo đó, năm 2017, nhờ cải tạo tốt, Toàn được đặc xá, mãn hạn tù trước thời hạn. Trở về cuộc sống đời thường, rào cản lớn nhất với anh là ánh mắt dị nghị của người làng . “Nhưng tôi chấp nhận điều đó để tìm về con đường đúng cho mình. “Quá khứ là điều không thể thay đổi, do đó, chỉ có quyết tâm và bắt tay từ hiện tại để thay đổi tương lai thì mình mới đứng lên được”, Toàn suy nghĩ.

Hành trình “vá” lại cuộc đời

Một công trình mà Toàn vừa hoàn thành.

Đến “ông trùm” kinh doanh đồ gỗ

Sau thời gian ngắn lấy lại thăng bằng, Toàn bắt đầu xây dựng kế hoạch cho tương lai. Anh trải qua nhiều công việc, nhưng vẫn không mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Nhận thấy, chẳng thể nào làm giàu từ những nghề đã làm, trong khi ở quê có nghề thủ công sẽ là một cơ hội phát triển, vậy là Toàn bắt tay phát triển đúng nghề truyền thống của quê hương.

Tuy vậy, các sản phẩm của làng mộc Tràng Đình chỉ mới được biết đến trong tỉnh chưa được tiếp thị ra các thị trường toàn quốc… Từ suy nghĩ đó, năm 2017, Toàn bắt tay vào gây dựng phát triển thương hiệu. Một trong những hướng đi chính mà Toàn chọn là tìm kiếm thị trường cho trần gỗ – một sản phẩm lâu đời của làng mộc Tràng Đình.

Cuối năm 2018, khi thị trường gỗ khan hiếm và giá thành cao, Toàn quyết định chuyển hướng đi. Anh đi khắp các tỉnh Bắc, Trung, Nam để nghiên cứu thị trường. Cuối cùng, anh quyết định chuyển sang nhập khẩu gỗ từ nước ngoài để làm trần gỗ và cung cấp các sản phẩm từ gỗ.

Sau một năm phát triển, xưởng mộc cho doanh thu ổn định, nhưng Đặng Văn Toàn vẫn luôn trăn trở làm sao các sản phẩm không chỉ phân phối trong tỉnh mà còn vươn ra tỉnh ngoài, cạnh tranh với các thương hiệu khác. Đầu năm 2019, khi tỉnh đầu tư xây hạ tầng Cụm Công nghiệp Yên Huy gắn với làng nghề mộc Tràng Đình, Toàn mạnh dạn thuê 1.000 m² đất để xây dựng xưởng sản xuất và phòng trưng bày.

Toàn tự mày mò nghiên cứu mẫu mã, mạnh dạn cải tiến công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm và tiếp tục gửi hàng chào bán trên mạng. Ngay lập tức, các sản phẩm được khách hàng trong nước đón nhận. Đó là động lực để anh tiếp tục đầu tư, hiện đại hoá dây chuyền sản xuất, cho ra đời các sản phẩm có mẫu mã đẹp, lạ mắt lại tiện lợi, chất lượng tốt.

“Năm 2019, sản xuất đồ mộc đã đem lại doanh thu hàng tỷ đồng cho gia đình. Từ hiệu quả ban đầu, tôi mạnh dạn đầu tư hơn 10 tỷ đồng để mở thêm nhà xưởng tại Đồng Nai. Nhà xưởng rộng hơn 1.000 m2 với 8 máy đục CNC, xe nâng, máy cưa và hàng hoá lưu động… phục vụ cho sản xuất đồ mộc”, Toàn hào hứng kể.

Thành công nối tiếp thành công, đầu năm 2020, Toàn thành lập Công ty TNHH Nội thất gỗ An Minh chuyên cung cấp gỗ và sản phẩm từ gỗ cho khách hàng trên 40 tỉnh, thành trong cả nước. Công ty của anh tạo công ăn việc làm cho gần 20 lao động với thu nhập mỗi người từ 5,5 – 20 triệu đồng/tháng. Trong số này, có không ít người từng có quá khứ lầm lỗi như anh.

Nhìn lại hành trình đã qua, Toàn bảo “Ai cũng có những sai lầm, nhưng biết sửa sai bằng tất cả ý chí và nỗ lực của bản thân thì quả ngọt sẽ về”.

 

Bài Viết Liên Quan

Back to top button