Hàng nghìn doanh nghiệp Việt xếp hàng xin cấp ‘visa’ xuất khẩu sang Trung Quốc

Để quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, Trung Quốc áp Lệnh 248, 249 từ 1/1/2022. Đến nay mới có 1.656 doanh nghiệp (DN) Việt xuất khẩu được cấp “visa” vào thị trường này.
Hàng nghìn doanh nghiệp Việt xếp hàng xin cấp 'visa’ xuất khẩu sang Trung Quốc
Hàng nông sản xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh-Pò Chài. (Nguồn: TTXVN)

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến ngày 22/2, có 1.656 DN Việt được cấp mã số để xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Trong đó, 779 DN xuất khẩu thủy sản được cấp mã số, đảm bảo hoạt động xuất khẩu ổn định và không bị gián đoạn.

Có 270 doanh nghiệp do Cục Bảo vệ thực vật đề xuất đã được cấp mã. Tuy nhiên, do mức độ đa dạng của sản phẩm nên hiện Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới cấp khoảng 70% (187 DN) khối lượng theo đề xuất.

Ngoài ra, 11 doanh nghiệp xuất khẩu sữa thuộc thẩm quyền Cục Thú Y quản lý. Số còn lại là mã số cấp cho doanh nghiệp thực hiện theo loại hình tự đăng ký; và doanh nghiệp thuộc quản lý của Bộ Công Thương, Bộ Y tế.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc DN được cấp mã số để xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc còn chậm là do thời gian qua tồn tại một số lỗi kỹ thuật khi sử dụng hệ thống đăng ký doanh nghiệp nước ngoài trực tuyến của Tổng cục Hải quan Trung Quốc như: tốc độ truy cập chậm, ngôn ngữ tiếng Trung, lỗi giao diện khó theo dõi…

Cùng với đó, việc phê duyệt mã sản phẩm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc còn chậm, chưa có quy định về thời gian phê duyệt cấp mã số đăng ký DN.

Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục làm đầu mối trao đổi với phía Hải quan Trung Quốc và phối hợp với các Bộ Công Thương, Bộ Y tế và các cơ quan quản lý tại các địa phương để triển khai tiếp việc đăng ký DN.

Đồng thời, tăng cường trao đổi để tháo gỡ các vướng mắc kỹ thuật khi đăng ký trên cổng thông tin điện tử một cửa của Hải quan Trung Quốc; tháo gỡ việc chậm cấp mã số DN cho các mặt hàng là sản phẩm có nguồn gốc thực vật và những vướng mắc phát sinh.

Thời điểm giữa tháng 4/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” và Lệnh 248 “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài”.

Trước đó, ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản – chỉ rõ, Lệnh 248 chỉ yêu cầu đăng ký với những DN xuất khẩu thực phẩm vào Trung Quốc.

Riêng với Lệnh 249, ông cho rằng, DN phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm ngay cả khi sản phẩm đã xuất khẩu sang Trung Quốc. Do đó, các DN cần lựa chọn những đối tác đảm bảo, tin cậy nhằm giúp việc lưu trữ hồ sơ (tối thiểu 6 tháng), bên cạnh các yếu tố như kho bãi, vận chuyển.

Cùng với đó, DN cần chú ý tới các vấn đề về vệ sinh khi chế biến, đóng gói thực phẩm như: đi găng tay lúc sản xuất, có quy định rõ ràng với kho, nhà xưởng, chọn các nhà cung cấp nguyên liệu rõ ràng, minh bạch, có thể truy xuất được nguồn gốc.

Theo ông, những yêu cầu từ phía Trung Quốc đang dần tiệm cận với những nước phát triển. Vì thế, DN cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong Lệnh 248, 249, tránh bị ngưng trệ việc xuất khẩu, ông nhấn mạnh.

Theo Báo Thế giới và Việt nam

https://baoquocte.vn/hang-nghin-doanh-nghiep-viet-xep-hang-xin-cap-visa-xuat-khau-sang-trung-quoc-175675.html

Bài Viết Liên Quan

Back to top button