Hàn Quốc và bài học phát triển ngành bán dẫn
Ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc, nơi đóng góp 8% GDP quốc gia và đạt doanh thu 129 tỷ USD xuất khẩu, đã trải qua những bước phát triển lâu dài từ cách đây hơn 50 năm.
Hàn Quốc hiện là quốc gia thống trị lĩnh vực chip bộ nhớ toàn cầu, chiếm tới hơn 55% thị phần thế giới. Không dừng ở đó, quốc gia Đông Á này đang tập trung nguồn lực để mở rộng sang các lĩnh vực khác như chip AI để trở thành một cường quốc bán dẫn toàn diện. Chiến lược bán dẫn của chính phủ Hàn Quốc đang hướng tới xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn tốt nhất thế giới vào năm 2030 với kế hoạch đầu tư tới 450 tỷ USD.
Câu chuyện thành công của Hàn Quốc đã trở thành bài học cho nhiều quốc gia đang tìm chỗ đứng trong ngành công nghiệp màu mỡ này. Nhưng để tái lập thành tựu này không hề dễ dàng, khi quốc gia này có chiến lược phát triển ngành rất rõ ràng ngay từ khi bán dẫn còn manh nha, như thu hút đầu tư nước ngoài cho đến tự sản xuất trong nước và đầu tư vào giáo dục và R&D.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài
Quay trở lại đầu những năm 1960, các nhà sản xuất chất bán dẫn của Hoa Kỳ đang tìm kiếm lao động có tay nghề và giá thành rẻ hơn ở nước ngoài. Khi đó, Hàn Quốc nổi lên là một địa điểm lý tưởng với nguồn nhân lực có tay nghề cao, mức lương thấp và môi trường đầu tư thuận lợi.
Khoản đầu tư nước ngoài đầu tiên vào ngành bán dẫn Hàn Quốc được thực hiện bởi công ty Komy của Mỹ vào tháng 12/1965. Mặc dù quy mô đầu tư tương đối nhỏ nhưng đây là bước quan trọng đầu tiên trong việc phát triển ngành chất bán dẫn trong nước, dẫn tới khoản đầu tư lớn đầu tiên được Fairchild Semiconductor – công ty bán dẫn lớn nhất Hoa Kỳ thời đó – thực hiện vào năm 1969.
Cũng bởi khoản đầu tư của Fairchild đặt ra những điều kiện chưa có tiền lệ, gồm sở hữu 100% và tự do tiếp cận thị trường nội địa, chính phủ Hàn Quốc đã phải sửa đổi Luật đầu tư nước ngoài nhằm thu hút thêm vốn và công nghệ nước ngoài trong tương lai.
Trong giai đoạn ngành công nghiệp bán dẫn còn sơ khai, nguồn đầu tư lớn từ nước ngoài đã đóng vai trò quan trọng đối với chiến lược thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử trong nước của Hàn Quốc. Luật pháp cũng đã được thay đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài của chính phủ.
Luật Khuyến khích vốn nước ngoài được ban hành năm 1969, đưa ra nhiều hình thức khuyến khích khác nhau cho đầu tư nước ngoài như miễn thuế 5 năm, miễn thuế nhập khẩu hàng hóa và nguyên liệu thô, và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Quả thật, sau trường hợp của Fairchild, nhiều công ty bán dẫn và điện tử Mỹ đã đổ bộ tới Hàn Quốc để thành lập các liên doanh hoặc sở hữu độc quyền. Theo sau Mỹ là các cường quốc điện tử khác như Nhật Bản, với sự hiện diện của Toshiba năm 1969.
Tuy nhiên, điều rõ ràng là Hàn Quốc luôn ưu tiên cho các liên doanh hơn công ty 100% vốn nước ngoài. Nhờ đó, ngành điện tử Hàn Quốc được hưởng lợi từ việc chuyển giao công nghệ thông qua quan hệ đối tác, cấp phép và thỏa thuận với các nhà sản xuất Mỹ. Có thể nói, sự hợp tác này đóng một vai trò quan trọng trong việc Hàn Quốc gia nhập thị trường bán dẫn toàn cầu sau này.
Một điểm nhấn khác của chính phủ Hàn Quốc đưa ra, đó là việc thành lập khu liên hợp công nghiệp điện tử – mục tiêu quan trọng nhất của Luật Khuyến khích Công nghiệp Điện tử. Khu liên hợp Công nghiệp Điện tử Kumi được chính thức khai trương vào tháng 4 năm 1970 cung cấp cho các nhà sản xuất nhiều đặc quyền và nhận được sự hỗ trợ của chính phủ dưới hình thức phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất.
Khu Xuất khẩu Tự do Masan (MAFEZ) sau đó cũng được thành lập cùng với Khu công nghiệp Kumi theo chỉ đạo của Chính phủ Hàn Quốc, với mục đích chính là thu hút đầu tư của Nhật Bản. Được xem là một bước đi táo bạo khi cải thiện quan hệ với Nhật Bản, đường lối của Tổng thống Hàn Quốc thời đó là Park Chang Hee đã hái quả ngọt về kinh tế. Năm 1974, Nhật Bản đã chiếm hơn 90% số lượng công ty nước ngoài cũng như về quy mô tổng vốn đầu tư ở Hàn Quốc.
Khuyến khích doanh nghiệp trong nướcMặc dù có dòng vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt vào ngành công nghiệp điện tử, Hàn Quốc vẫn liên tục thúc đẩy với trọng tâm nâng cao năng lực nội tại của quốc gia. Một loạt các chủ trương được đưa ra năm 1967 như xúc tiến xuất khẩu; có chính sách dài hạn về đào tạo nhân lực kỹ thuật; khuyến khích các chaebol tham gia vào lĩnh vực điện tử… đã mang đến những thay đổi căn bản.
Các tập đoàn lớn dần tham gia ngày càng sâu rộng vào lĩnh vực điện tử nhằm xuất khẩu và tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Hai chaebol là Taehan Electric Wire và Samsung lần lượt gia nhập ngành điện tử vào năm 1968 và 1969 – được xem là một trong những cột mốc quan trọng nhất trong nỗ lực của Hàn Quốc.
Nhờ những bước đi này, ngành công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng. Trong những năm 1970, công nhân Hàn Quốc còn sản xuất và lắp ráp chất bán dẫn đơn giản, tập trung chủ yếu vào tivi đen trắng và máy tính điện tử thì bước sang 1983, Samsung đã bước vào lĩnh vực kinh doanh chất bán dẫn, đánh dấu sự thay đổi đáng kể theo hướng đầu tư mạnh mẽ hơn vào R&D và mua lại công nghệ.
Những năm 1980, sản phẩm chip bộ nhớ DRAM của Hàn Quốc còn cạnh tranh với các công ty Mỹ và Nhật Bản. Đến năm 1992, Samsung đã trở thành nhà sản xuất chip DRAM lớn nhất thế giới và tiếp tục đổi mới, phát triển các sản phẩm khác như bộ nhớ flash hay sản xuất chip như ngày nay.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn