Hải Phòng: 70 năm hành trình vượt sóng vươn xa

70 năm sau ngày Giải phóng (13/5/1955 - 13/5/2025), Hải Phòng với tinh thần “Trung dũng - Quyết thắng, Dám nghĩ - Dám làm” cùng những bước đột phá, sáng tạo đã và đang trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục của vùng Duyên hải Bắc bộ, đồng thời là động lực quan trọng của cả nước. Phát huy thành quả đã đạt được, thành phố đang tiếp tục khơi dậy khí thế “bừng sáng miền cửa biển”, hiện thực hóa khát vọng vươn lên, trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, văn minh, bền vững hàng đầu khu vực và châu Á.

Để tìm hiểu thêm về hành trình và những khát vọng này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng.
Ông có thể điểm lại những dấu mốc quan trọng của TP. Hải Phòng trong 7 thập niên phát triển và một số thành tựu nổi bật qua 6 năm thực hiện Nghị quyết số 45 Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng tầm nhìn đến năm 2045?
Ngày 13/5/1955, Hải Phòng được hoàn toàn giải phóng, đánh dấu bước ngoặt lịch sử, mở ra thời kỳ mới cho sự phát triển của thành phố. Trải qua 7 thập niên xây dựng và phát triển, thành phố đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, cảng biển và logistics quan trọng của cả nước.
Hải Phòng: 70 năm hành trình vượt sóng vươn xa
Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương chứng kiến lãnh đạo TP.Hải Phòng trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp
Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2016 đến nay là giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đột phá của Hải Phòng. Tăng trưởng kinh tế thành phố luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước, duy trì 10 năm liên tiếp tăng trưởng 2 con số. Hạ tầng giao thông được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, cảng biển nước sâu Lạch Huyện đưa vào sử dụng từ năm 2018 được xem là cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc. Ngoài ra, cầu vượt biển Tân Vũ – Lạch Huyện và một loạt các cây cầu kết nối liên vùng được đầu tư và đi vào sử dụng như cầu Dinh, cầu Quang Thanh, cầu Bến Rừng, cầu sông Hóa, cầu Lại Xuân… kết nối giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Thành phố đã thu hút được nhiều công ty, tập đoàn lớn trong nước (Vingroup, Sungroup, Geleximco, Flamingo…) với các dự án lớn có tổng mức đầu tư hơn 200 nghìn tỷ đồng; cùng với đó là các dự án lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, có khả năng thu hút các dự án vệ tinh khác như: LG Electronics, LG Display, Bridgestone, Nipro Pharma, Fuji Xerox…
Đặc biệt, ngày 24/01/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây được coi là kim chỉ nam hiện thực hóa các khát vọng phát triển, là điểm tựa để thành phố cất cánh. Đến nay, sau 06 năm triển khai thực hiện, vai trò là trung tâm kinh tế – xã hội lớn của TP. Hải Phòng đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước tiếp tục được khẳng định.
Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2019 – 2024 đạt 11,99%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 607.459,8 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 6,43%/năm. Đặc biệt, thành phố liên tục nằm trong danh sách các địa phương dẫn đầu về thu hút FDI. Tổng vốn đầu tư thực hiện giai đoạn 2019 – 2024 đạt 1.023,07 triệu tỷ đồng, gấp 2,76 lần giai đoạn 2013 – 2018, tăng trưởng bình quân 11,51%/năm.
Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa – xã hội; giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo… cũng đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Hiện nay, thành phố đang tập trung chỉ đạo xây dựng Khu kinh tế (KKT) ven biển phía Nam Hải Phòng. Mục tiêu đến năm 2030, KKT trở thành động lực chủ đạo của nền kinh tế thành phố.
Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bền vững, thành phố đã có những quyết sách, quyết tâm nào khi quý I/2025 đang có nhiều tín hiệu phát triển khả quan, thưa ông?
Những tháng đầu năm 2025, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhưng tình hình kinh tế – xã hội của thành phố vẫn ổn định và tiếp tục phát triển. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2025 ước tăng 15,5% so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước đạt 40.950,41 tỷ đồng, tăng 23,31% so với cùng kỳ, bằng 34,92% dự toán Trung ương giao.
Hải Phòng: 70 năm hành trình vượt sóng vươn xa
Lãnh đạo TP. Hải Phòng và Tập đoàn FPT ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Đặc biệt, các bến số 3, 4, 5, 6 của cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện đã hoàn thành theo đúng tiến độ, góp phần gia tăng đáng kể năng lực tiếp nhận hàng hóa của cảng biển. Thành phố cũng thực hiện khởi công xây dựng dự án đường Vành đai 2 đoạn tuyến Tân Vũ – Hưng Đạo – đường Bùi Viện kết nối các khu vực quan trọng của thành phố.
Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bền vững trong năm 2025 và các năm tiếp theo, thành phố sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
-Tập trung hoàn thành hồ sơ xây dựng Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TP. Hải Phòng, phấn đấu hoàn thành trình Quốc hội trong quý II/2025. Hoàn thành Đề án và trình cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Khu thương mại tự do thế hệ mới trong năm 2025.
-Tăng tốc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 03 trụ cột chủ yếu: Công nghiệp công nghệ cao, cảng biển – logistics, du lịch – thương mại. Nghiên cứu, thành lập các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới theo quy hoạch đã được phê duyệt.
-Hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng số. Trình phê duyệt hoặc phê duyệt điều chỉnh các quy hoạch quan trọng của thành phố như: Quy hoạch chung xây dựng KKT Đình Vũ – Cát Hải; Quy hoạch chung xây dựng thành phố; Quy hoạch chung KKT ven biển phía Nam. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng hoàn thành các thủ tục, phấn đấu khởi công tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng cuối năm 2025, đặc biệt đẩy mạnh chuyển đổi số.
-Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
-Tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn được giao. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, tăng cường liên kết vùng; củng cố quốc phòng – an ninh; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Hải Phòng là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.  Trong Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định 03 trụ cột phát triển: Dịch vụ cảng biển – logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế, ông có thể nói rõ hơn về định hướng này?
Hải Phòng xác định tăng trưởng xanh là nhiệm vụ trọng tâm, dài hạn, xuyên suốt và đang từng bước thực hiện một cách bài bản, kiên trì, khoa học. Tháng 4/2023, UBND thành phố đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về tăng trưởng xanh.
Hải Phòng: 70 năm hành trình vượt sóng vươn xa
Thành phố ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, sinh thái và bất động sản công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn bền vững, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Đối với hoạt động thu hút đầu tư, thành phố kiên trì tuân thủ danh mục các ngành nghề, lĩnh vực đầu tư được khuyến khích và kiên quyết không chấp nhận các lĩnh vực đầu tư gây ô nhiễm, lạc hậu, tiêu tốn tài nguyên…
Tập trung phát triển đô thị cảng biển xanh, văn minh, hiện đại, đô thị kinh tế – đô thị sinh thái theo hướng quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành, sử dụng đất bám sát mục tiêu tăng trưởng xanh. KKT ven biển phía Nam Hải Phòng được định hướng trở thành KTT ven biển tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, theo mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, trở thành hình mẫu thực hiện chuyển đổi xanh trong các KCN, KTT. Bên cạnh đó, thành phố chủ trương, chỉ đạo các đơn vị cảng biển nghiên cứu và đầu tư, tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ để thúc đẩy nhanh chuyển đổi xanh trong hoạt động cảng biển.
Cùng với đó, quan tâm phát triển ngành năng lượng tái tạo, nhất là phát triển điện từ rác thải, điện gió ven bờ và ngoài khơi, nhằm phát triển kinh tế gắn với tăng trưởng xanh, bền vững.
Hải Phòng đang quyết liệt bứt phá, phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, trở thành “Singapore thứ hai” như kỳ vọng của Tổng Bí thư Tô Lâm… và trong hành trình đó rất cần có đóng góp của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Ông có chia sẻ, cam kết gì về sự kiến tạo, đồng hành của chính quyền với các doanh nghiệp?
Hải Phòng xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Qua 7 thập niên kiến tạo và phát triển, nhất là sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 và gần 2 năm triển khai Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Xác định đây là thời khắc vàng để kiến tạo, đưa “Hải Phòng trở thành một Singapore thứ hai” như kỳ vọng của Tổng Bí thư Tô Lâm, thành phố đang tập trung nguồn lực hoàn thiện hạ tầng chiến lược, từ hạ tầng giao thông, logistics, cảng biển, đến hạ tầng xã hội, giáo dục, y tế và chuyển đổi số.
Đồng hành, hỗ trợ thực chất, hiệu quả cho các doanh nghiệp FDI. Tăng cường đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, kinh tế chia sẻ; kết nối doanh nghiệp với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo kết quả xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024, Hải phòng vươn lên giữ vị trí “Quán quân” đạt 74,84 điểm, tăng 02 bậc so với năm 2023. Kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2024, thành phố Hải Phòng cũng đứng đầu bảng xếp hạng, đạt 96,17%, tăng 01 bậc so với năm 2023. Trong 13 lần tổ chức đánh giá Chỉ số PAR Index, Hải Phòng có 12 năm liên tiếp nằm trong Top 5 địa phương dẫn đầu cả nước, trong đó 7 năm xếp vị trí thứ 2/63. Ngoài ra, kết quả Chỉ số SIPAS 2024 của Hải Phòng cũng đạt 90,59%, tăng 1,69%, lần đầu tiên xếp thứ nhất trong bảng xếp hạng đo lường sự hài lòng. Trong đó, thành phố đứng đầu cả nước về mức độ hài lòng với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách và mức độ hài lòng về cung ứng dịch vụ hành chính công.

Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; chủ động tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe doanh nghiệp. Bảo đảm ổn định chính sách, minh bạch thông tin, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh.
Thành phố mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư hãy coi Hải Phòng không chỉ là nơi đến đầu tư kinh doanh, mà là nơi đồng hành lâu dài, cùng phát triển, kiến tạo chuỗi giá trị. Thành phố sẵn sàng trao cơ hội, tạo niềm tin và hành động, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để mỗi doanh nghiệp, nhà đầu tư đều cảm thấy là: “Điểm đến thành công”. Từ đó chung tay biến khát vọng thành hiện thực – để Hải Phòng không chỉ là thành phố Cảng, mà còn là thành phố đáng sống, đáng đầu tư và đáng tự hào!

Trân trọng cảm ơn ông

                                                                                                 Hà Thành 

Bài Viết Liên Quan

Để lại một bình luận

Back to top button