Hải Dương: Du lịch trải nghiệm thúc đẩy nông nghiệp phát triển
Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm là một trong những hướng đi mới của nông nghiệp Hải Dương. Để làm được điều này, cần khai thác sâu về lịch sử văn hoá gắn với sản phẩm nông nghiệp.
Tiềm năng bỏ ngỏ
Với sự đa dạng về địa hình, cảnh quan thiên nhiên, Hải Dương là địa bàn giàu tiềm năng để hình thành và phát triển du lịch nông thôn. Phát huy lợi thế đó, Hải Dương đã hình thành những vùng sinh thái nông nghiệp với nhiều nông sản đặc trưng, nổi tiếng cả nước như: vải, ổi Thanh Hà; tỏi Nam Sách, Kinh Môn; cà rốt Cẩm Giàng, Nam Sách; cam, sắn dây, gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn; củ đậu Kim Thành; gà đồi Chí Linh; rươi Tứ Kỳ. Những năm qua, để khai thác tiềm năng du lịch của địa phương, 2 khu du lịch được hình thành thu hút khách là tour du lịch sinh thái Đảo Cò và du lịch mùa vải thiều Thanh Hà.
Một sản phẩm du lịch cũng đc coi là thế mạnh của du lịch Hải Dương là làng nghề nông nghiệp. Các làng nghề truyền thống chủ yếu sử dụng phương pháp sản xuất thủ công tạo sự hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước khi tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm các công đoạn tạo ra sản phẩm như: Làng nghề bánh đa Hội Yên (Ninh Giang), bánh đa Lộ Cương (TP Hải Dương), chiếu cói Tiên Kiều (Thanh Hà), thêu Xuân Nẻo (Tứ Kỳ)… cùng với đó là các làng nghề thủ công mỹ nghệ như: vàng bạc Châu Kê (Bình Giang), gốm Chu Đậu (Nam Sách)… Các làng nghề này cũng tạo thế mạnh để phát triển du lịch nông thôn kết hợp du lịch sinh thái và du lịch làng nghề, du lịch tâm linh.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, du lịch nông thôn tại Hải Dương vẫn còn manh mún, mang tính tự phát, chưa thực sự thu hút khách du lịch. Du lịch nông thôn tại Hải Dương chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Theo ông Vũ Đình Tiến – Phó Giám đốc sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, đến thời điểm này, du lịch Hải Dương vẫn được biết đến là một điểm đi qua chứ chưa phải một điểm đến. Còn du lịch nông nghiệp, địa phương cũng mới bắt đầu quan tâm đến.
Tuy nhiên, điểm yếu của Hải Dương trong việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đó là chưa làm tốt công tác quy hoạch cho từng vùng, từng sản phẩm, từng loại hình ở các địa phương; sự vào cuộc của người nông dân trong việc phát triển loại hình du lịch này. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chưa mặn mà để đầu tư loại hình này. Cùng với đó là nguồn kinh phí đầu tư cho việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn và kết nối hạ tầng giao thông còn gặp khó.
Theo ông Nguyễn Đức Thuật – Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, chúng tôi mong muốn, nếu được sự quan tâm của tỉnh Hải Dương và các sở, ngành liên quan về việc thúc đẩy, quảng bá và đưa những vấn đề du lịch trải nghiệm vào khai thác thì bản thân HTX sẽ chuẩn bị nhân lực, điều kiện tốt nhất. Đồng thời, quy hoạch các vùng, không những để mang đến cho khách du lịch những trải nghiệm thú vị mà còn tăng giá trị thu nhập cho nhân dân trong xã chúng tôi.
Cần thay đổi tư duy
Đánh giá về tiềm năng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm nông thôn tại Hải Dương, ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, nền nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước thách thức biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng, cần chuyển từ nền nông nghiệp sản lượng cao sang nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững. Vì vậy, Hải Dương có thể đẩy nền nông nghiệp lên thêm một bước bằng cách mở rộng du lịch nông nghiệp, nông thôn để quảng bá cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Ngoài ra, gắn những câu chuyện, những địa danh của tỉnh Hải Dương vào sản phẩm để nâng cao giá trị.
Giai đoạn 2021-2025, phát triển du lịch nông thôn được xác định là động lực đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và góp phần bảo vệ môi trường.
Ông Phạm Xuân Thăng – Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương cho biết, Hải Dương luôn quan tâm phát triển nông nghiệp, coi đây là 1 trong 4 trụ cột của nền kinh tế. Do vậy, cần phải thay đổi nhận thức, tư duy nông nghiệp, thay đổi từ coi trọng sản lượng đến nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cũng theo ông Thăng, phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển du lịch trải nghiệm sẽ là một trong những hướng đi mới của nông nghiệp Hải Dương. Tuy nhiên, để làm được điều này, ngành nông nghiệp và địa phương cần khai thác sâu hơn nữa về lịch sử văn hóa gắn với các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Xác định phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn đa giá trị là một trong những mục tiêu chính của ngành nông nghiệp.
Theo ông Trịnh Văn Thiện – Bí thư Huyện ủy Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, địa phương đang tập trung khuyến khích phát triển nông nghiệp đa giá trị gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm ở nông thôn. Trước mắt, huyện Thanh Hà sẽ mời gọi đầu tư triển khai Dự án du lịch sinh thái Sông Hương; khai thác các tour du lịch trải nghiệm tham quan và thưởng thức đặc sản của huyện tại các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung (vải thiều, ổi, bưởi…). Đồng thời, sẽ liên kết, hình thành chuỗi tuyến các du lịch sinh thái,; trong đó lấy tuyến Du lịch sinh thái sông Hương – Cây vải Tổ thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn – khu Đồng Mẩn, xã Thanh Khê – nghệ thuật múa rối nước Thanh Hải, xã Thanh Hải là trục trung tâm…
Hiện với chuỗi các sự kiện lớn như: Tuần lễ Văn hóa, thể thao, du lịch chào mừng SEA Games 31, lễ khai hội và mở vườn vải xuất khẩu, hội thi “Vải thiều Thanh Hà – Tinh hoa văn hóa xứ Đông”, Tuần lễ Xúc tiến thương mại và du lịch vừa được tổ chức sẽ là dịp để Hải Dương giới thiệu đến du khách những tour du lịch về xứ vải Thanh Hà, Đảo Cò, khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc. Từ đó, làm tiền đề quảng bá về du lịch trải nghiệm; đồng thời tạo đòn bẩy thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp