Hà Tĩnh: Bế tắc di dời cụm công nghiệp Bắc Quý
Sau gần 10 năm đưa ra khỏi quy hoạch, nhưng đến nay cụm công nghiệp Bắc Quý (TP.Hà Tĩnh) vẫn chưa thể di dời.
Dù người dân đã nhiều lần kiến nghị, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa thể chốt phương án di dời cụm này.
Hạ tầng xuống cấp
Năm 2005, cụm công nghiệp Bắc Quý, phường Thạch Quý (phường Thạch Quý, TP.Hà Tĩnh) được đưa vào hoạt động 5ha giai đoạn 1 và thu hút được 6 doanh nghiệp vào đầu tư kinh doanh.
Tuy nhiên, cụm công nghiệp Bắc Quý nằm ngay trong khu dân cư đã gây ra nhiều hệ lụy, nhất là ô nhiễm môi trường, khói bụi, tiếng ồn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định đưa cụm công nghiệp Bắc Quý ra khỏi quy hoạch cụm công nghiệp của tỉnh.
Sau gần 10 năm có chủ trương, việc di dời cụm công nghiệp này vẫn bị bế tắc. Điều này đã gây ra nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp và người dân, nhất là khi giai đoạn 2 không được đầu tư, khiến hạ tầng ngày càng xuống cấp, doanh nghiệp không thể mở rộng sản xuất, chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa.
Ông Đặng Ngọc Lý, Giám đốc Công ty CP thương mại Lý Thanh Sắc, cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư nhà xưởng hàng mấy chục tỷ đồng, trong đó phần lớn là vay mượn, nhưng đến nay chỉ hoạt động cầm chừng. Do đó, chúng tôi mong sớm được di dời nhưng tỉnh phải có phương án bồi thường thỏa đáng cho doanh nghiệp. Ngoài ra, địa điểm di dời mới phải có mặt bằng, hạ tầng đầy đủ để doanh nghiệp yên tâm sản xuất”.
Đề xuất giải pháp
Theo một lãnh đạo TP. Hà Tĩnh, một trong những nguyên nhân chính khiến cụm công nghiệp chưa thể di dời là do cần nguồn lực rất lớn. Hiện UBND tỉnh và thành phố chưa đưa ra chính sách để di dời cụm công nghiệp này. Ngoài ra, địa điểm di dời cũng là một vấn đề đáng lưu tâm.
Trước thực trạng trên, UBND thành phố đã trình UBND tỉnh phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và các dự án đang thực hiện trong cụm công nghiệp Bắc Quý theo hướng chuyển từ đất công nghiệp sang thương mại dịch vụ. Theo đó, các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi sang mục tiêu kinh doanh thương mại – dịch vụ thì sẽ lập hồ sơ xin điều chỉnh dự án. Đối với doanh nghiệp tiếp tục sản xuất thì sẽ di dời nhà xưởng đến các vị trí theo quy hoạch, ưu tiên bố trí quỹ đất tại các cụm công nghiệp lân cận thành phố, đồng thời đề xuất tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí di dời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư. Đối với các doanh nghiệp không có nhu cầu tiếp tục kinh doanh sẽ thực hiện thủ tục thu hồi đất và bồi thường theo đúng quy định. Các khu đất thu hồi sẽ được tổ chức đấu giá theo đúng quy định. Dự kiến, lộ trình thực hiện phấn đấu hoàn tất trong năm 2022.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là đề xuất của UBND Thành phố Hà Tĩnh, chưa được UBND tỉnh Hà Tĩnh thông qua. Trong khi đó, thiệt hại đối với các doanh nghiệp đã và đang hoạt động tại khu cụm công nghiệp này ngày càng lớn. Bởi vậy, các doanh nghiệp đang mòn mỏi chờ đợi quyết định của UBND tỉnh để tháo gỡ bế tắc hiện nay.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn