Hà Nội xây dựng nông thôn mới mang dấu ấn thủ đô
Quá trình xây dựng nông thôn mới đối với các vùng ven đô của thủ đô Hà Nội đòi hỏi phải tích hợp với tiêu chí trở thành phường, quận trong tương lai. Bởi vậy, trong Bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 có nhiều chỉ tiêu cao hơn mang dấu ấn của thủ đô.
Có thể nói, xây dựng nông thôn mới là hành trình không có điểm dừng, không có điểm kết thúc, do đó, các địa phương ven đô của Hà Nội đã và đang tập trung đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn theo hướng tiệm cận tiêu chí đô thị; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân…
Tháng 3/2022, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định về Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc họp với các sở, ngành, địa phương để thảo luận về tiêu chí của nông thôn mới Hà Nội. Cuối tháng 8, thành phố đã ban hành Bộ tiêu chí của Hà Nội về nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 đối với cấp xã và cấp huyện. Trong đó, Bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu có quy định mô hình thôn thông minh, gồm: Tổ công nghệ số cộng đồng; Giao tiếp thông minh; Thương mại điện tử; Du lịch thông minh; Dịch vụ xã hội… Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố xác định, đây là một tiêu chí mới và là tiền đề ứng dụng chuyển đổi số trong chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng trên địa bàn một thôn, sau đó triển khai ra địa bàn các thôn, xã khác, hướng tới xây dựng xã nông thôn mới thông minh.
Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về hỗ trợ nông dân chuyển đổi số. Những năm trước, Hà Nội đã hỗ trợ nông dân minh bạch thông tin về nông sản và sản phẩm làng nghề thông qua quét mã QR Code, tập huấn cho nông dân, các chủ thể OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) về bán hàng online, livestream giới thiệu sản phẩm trên Facebook; rồi thí điểm mô hình “Chợ đêm trên mây”, thậm chí hợp tác với Tiktok để hỗ trợ các chủ thể quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP…
Song, mỗi địa phương cũng cần phải dựa vào thế mạnh vùng miền để tạo ra sự khác biệt, đa dạng trong xây dựng nông thôn mới. Chính sự khác biệt đó sẽ tạo ra hình ảnh địa phương hấp dẫn hơn, tạo sự thu hút từ đời sống nông thôn, để mỗi địa phương không chỉ tự hào về những tiêu chí đã đạt được mà còn lưu giữ được những nét đẹp văn hóa đặc trưng. Hà Nội được mệnh danh là vùng đất trăm nghề, hội tụ trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, lớn nhất cả nước. Trải qua hàng nghìn năm văn hiến, các làng nghề xưa vẫn còn in dấu ấn lịch sử văn hoá cho tới ngày nay. Nền tảng văn hoá truyền thống này giúp Hà Nội tiếp tục sáng tạo, lan tỏa, thể hiện vai trò quan trọng trong xuất khẩu hàng hóa và phát triển kinh tế. Thêm vào đó, với vị thế thủ đô, Hà Nội được chọn là điểm đến của rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Hà Nội còn có nhiều địa điểm có điều kiện tự nhiên thích hợp phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh. Xác định tầm quan trọng của vị thế đó, thành phố đã tập trung xây dựng thí điểm các mô hình, gồm: Du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề… theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây.
Vấn đề cốt lõi và mục tiêu xuyên suốt của quá trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về việc đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 – 2025 cũng xác định đến năm 2025, Hà Nội có tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đạt 70%. Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…
Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số hay đô thị hóa là quá trình tất yếu của thủ đô Hà Nội và phát triển nông nghiệp ở đây cũng sẽ phải chuyển dịch cho phù hợp và có những chính sách, định hướng riêng. Phải xác định như vậy để có cơ chế, chính sách tháo gỡ các điểm nghẽn, phát triển đồng bộ nông nghiệp nông thôn của Hà Nội phù hợp với vị thế một đô thị đặc biệt, mang dấu ấn của thủ đô.
Đỗ Linh – Đức Cường