Hà Nội: Vỉa hè hay “đường tắt” cho xe máy?
Tình trạng xe máy lấn chiếm vỉa hè tại Hà Nội không chỉ gây hư hỏng hạ tầng, cản trở người đi bộ mà còn phản ánh văn hóa giao thông thiếu ý thức.
Khi vỉa hè không dành cho người đi bộ
Tình trạng xe máy lấn chiếm vỉa hè, vốn dành cho người đi bộ, đang ngày càng phổ biến tại các đô thị lớn như Hà Nội. Hình ảnh những chiếc xe máy leo lên vỉa hè, thậm chí bóp còi inh ỏi để ép người đi bộ nhường đường, đã trở thành cảnh tượng thường xuyên trên nhiều tuyến phố lớn. Đáng lo ngại hơn, sự vi phạm này không chỉ ảnh hưởng đến giao thông mà còn gây bức xúc trong cộng đồng người dân Thủ đô.
Tại Hà Nội, các tuyến phố như Hồ Tùng Mậu, Phạm Hùng, hay Cầu Giấy đều là những nơi thường xuyên xảy ra tắc nghẽn giao thông. Để thoát khỏi cảnh ùn tắc, nhiều người đã chọn cách đi xe máy lên vỉa hè, biến không gian vốn dành cho người đi bộ thành đường riêng của mình. Chị Hồng (32 tuổi, ngụ tại quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Mỗi lần đi bộ trên vỉa hè mà nghe tiếng còi xe máy inh ỏi phía sau, tôi đều phải né sang một bên. Có lần chưa kịp tránh, họ còn mắng mỏ, buông lời khó chịu”.
Không chỉ gây phiền toái cho người đi bộ, hành động này còn khiến bề mặt vỉa hè trở nên hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều đoạn vỉa hè tại các tuyến phố trên đã bị bong tróc, nứt nẻ, gây nguy hiểm cho cả người đi bộ lẫn xe cộ. Anh Minh, chủ một cửa hàng nhỏ trên đường Hồ Tùng Mậu, bức xúc: “Xe máy cứ leo lên vỉa hè chạy, gạch lát vỉa hè trước cửa hàng bị bể nát liên tục. Không những thế, có lần xe của khách đỗ trước cửa bị quệt trúng khi họ phóng xe vội vàng”.
Văn hóa giao thông và ý thức cá nhân
Lý giải cho hiện tượng này, các chuyên gia giao thông cho rằng, sự phát triển hạ tầng chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa là một trong những nguyên nhân chính. Theo TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, áp lực giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội là rất lớn, trong khi hệ thống đường sá không đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Điều này khiến một bộ phận người tham gia giao thông tìm cách thoát khỏi ùn tắc bằng việc đi lên vỉa hè.
Ông cũng nhấn mạnh rằng việc xử lý vi phạm này không chỉ dừng lại ở các chiến dịch kiểm tra mà cần có sự đồng hành của các lực lượng địa phương để đảm bảo tính hiệu quả và triệt để. Về lâu dài, việc áp dụng phạt nguội với xe máy cũng là một giải pháp cần được triển khai, giúp giảm thiểu tình trạng vi phạm vỉa hè.
Không chỉ dừng lại ở vấn đề hạ tầng, văn hóa giao thông và ý thức của người tham gia giao thông cũng là yếu tố quan trọng. PGS TS Nguyễn Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, một bộ phận người lái xe hiện nay chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân, bỏ qua sự an toàn của người khác. Ông nhận định: “Những hành vi như đi lên vỉa hè, chen lấn, vượt đèn đỏ không chỉ gây nguy hiểm mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với cộng đồng. Đây là vấn đề văn hóa, và để thay đổi, chúng ta cần bắt đầu từ giáo dục từ nhỏ, biến việc tuân thủ luật lệ giao thông thành thói quen”.
Để giải quyết triệt để vấn đề xe máy lấn chiếm vỉa hè, ngoài việc nâng cao nhận thức của người dân, các chuyên gia cũng đề xuất tăng cường giám sát và xử phạt nghiêm minh. Theo khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019 (sửa đổi tại Nghị định 123/2021), người điều khiển xe máy leo lên vỉa hè sẽ bị phạt từ 400.000 đến 600.000 đồng, trừ trường hợp cần vào nhà. Tuy nhiên, để luật pháp thực sự hiệu quả, việc phạt nguội cần được triển khai đồng bộ, đồng thời đẩy mạnh vai trò của các lực lượng tuần tra cơ sở.
Trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng nhanh chóng, việc duy trì trật tự giao thông là thách thức không nhỏ. Nhưng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và cộng đồng, hy vọng rằng những vi phạm giao thông như việc xe máy lấn chiếm vỉa hè sẽ dần được kiểm soát, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, và xây dựng một môi trường giao thông văn minh hơn.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp