Hà Nội tìm giải pháp tăng tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Là trung tâm kinh tế lớn cả nước nhưng sản xuất nông nghiệp của Hà Nội chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, trong khi đất nông nghiệp ngày càng giảm. Vì vậy phát triển nông nghiệp công nghệ cao thực sự cần thiết.
Phát biểu tại hội thảo “Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội” do Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội (HPA) phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội (Husta) tổ chức mới đây, ông Bùi Duy Quang, Phó Giám đốc HPA cho biết, tính đến nay, toàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Chưa ứng dụng công nghệ cao đồng bộ
Trong đó có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 01 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi.
Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp thành phố Hà Nội.
Các mô hình ứng dụng công nghệ cao tập trung nhiều tại các huyện Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…
Hà Nội phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn Thành phố.
Trong trồng trọt, công nghệ cao chủ yếu áp dụng các kỹ thuật canh tác vào sản xuất như ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới; ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật IoT, công nghệ canh tác không sử dụng đất, công nghệ Blockchain truy xuất nguồn gốc, công nghệ nhân nuôi tế bào thực vật quy mô công nghiệp, sử dụng máy bay điều khiển từ xa trong bón phân và phòng trừ dịch bệnh trên lúa…
Trong chăn nuôi đã áp dụng hình thức chăn nuôi trong chuồng kín, có hệ thống làm mát giúp ổn định nhiệt độ, độ ẩm, chuồng nuôi, dây chuyền cho ăn tự động, uống nước tự động, công nghệ thụ tinh nhân tạo, tinh phân ly giới tính…
Hay công nghệ sông trong ao, sử dụng chế phẩm sinh học và máy tạo oxy tự động, công nghệ biofloc trong nuôi trồng thủy sản.
Ông Nguyễn Văn Thuần, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Nội cho rằng, nhìn chung, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội mới chỉ được thực hiện chủ yếu ở từng khâu, chưa ứng dụng công nghệ cao đồng bộ.
Việc ứng dụng các quy trình canh tác tiên tiến như quy trình sản xuất và quản lý chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn VietGap, quy trình quản lý dịch bệnh trên cây trồng, công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học,… cũng chưa đồng bộ.
Công nghệ cao chủ yếu mới thực hiện ở một vài khâu như tưới tiết kiệm theo công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới,… Còn khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến vẫn áp dụng công nghệ thủ công, công nghệ lạc hậu nên năng suất, chất lượng nông sản còn thấp.
Thành phố Hà Nội đã có những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đã đạt được những thành công bước đầu. Tuy nhiên, theo ông Thuần, thành tựu đó chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thể là Thủ đô.
Cùng với đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp thông minh còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh… Do đó, vẫn cần có một số chính sách đột phá hơn nữa để nông nghiệp công nghệ cao ở thành phố Hà Nội tương xứng với tiềm năng vốn có.
Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao
Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội, ông Thuần cho rằng, cần rà soát phương án quy hoạch nông nghiệp tích hợp vào quy hoạch Thành phố. Trong đó cần định hướng cụ thể về phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nội trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch sử dụng đất nhằm tạo ra một cấu trúc cân bằng, hợp lý giữa các yếu tố trong hệ sinh thái nông nghiệp và góp phần bảo vệ môi trường Thủ đô.
Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp trong việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vốn để ứng dụng công nghệ cao, nhất là các chính sách về đất đai, quy hoạch phát triển,….
Đồng thời đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đã được ban hành. Trong đó chú trọng thu hút doanh nghiệp vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường.
Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao để tạo động lực thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Bởi theo ông Thuần, phát triển nguồn nhân lực được xác định là mục tiêu then chốt, có ý nghĩa quyết định để Hà Nội trở thành một trong những đầu tàu phát triển kinh tế, trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ của cả nước.
Mặt khác, tăng cường việc xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp gắn với các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm mà doanh nghiệp là đầu tàu của chuỗi.
“Những mô hình này vừa tạo nền tảng cho việc xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp quy mô khép kín, vừa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quan, lưu thông sản phẩm và xúc tiến thương mại”, ông Thuần phân tích.
Cần đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức (Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam…) và các đơn vị nghiên cứu đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ.
Đồng quan điểm trên, ông Kim Chae Joo, Tổng giám đốc công ty công nghệ Life & Tech Hàn Quốc, một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ chế biến nông sản chia sẻ: Tại Hàn Quốc công ty đã nghiên cứu và phát triển thành công công nghệ cảm biến chất lượng không phá huỷ như, đo hàm lượng đường, phát hiện bất thường bên trong rau củ quả mà không cần cắt thử, sử dụng công nghệ cảm biến hình ảnh để phân loại màu sắc và hình dạng của rau củ quả.
Ngoài ra, công ty còn sở hữu các giải pháp công nghệ số trong dây chuyền phân loại chế biến sâu theo từng trọng lượng và kích cỡ của nông sản Life & Tech cũng đã và đang thử nghiệm ứng dựng công nghệ cao trong hệ thống lưu thông nông sản, áp dụng đồng loạt đối với tất cả các loại trái cây, rau củ quả…
“Việc ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp người dân giảm thiểu sức lao động, nâng cao giá trị chất lượng của nông sản. Tôi hy vọng rằng mô hình chế biến nông sản hiện đại này sẽ được các cơ quan ban ngành đón nhận và triển khai áp dựng rộng rãi tại Việt Nam” ông Kim Chae Joo mong muốn.
Còn theo PGS. TS Trần Khắc Thi, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, các địa phương cần quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở lợi thế tự nhiên, khả năng đầu tư, cân đối cung cầu. Cùng với đó là thu hồi những diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, đất dự án bỏ hoang để giao lại cho các doanh nghệp đầu tư vào lĩnh này.
Bên cạnh đó, để có thị trường tiêu thụ cho các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, Thành phố cần hỗ trợ, khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng các trang website quảng bá sản phẩm, tiếp cận thông tin phản hồi của người tiêu dùng, liên kết với trang thông tin điện tử của huyện… để tạo thế cạnh tranh.
Người sản xuất cần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, kết hợp với tổ chức giới thiệu rộng rãi sản phẩm đến với người tiêu dùng. Đặc biệt là cần có giải pháp thực hiện liên kết trong tiêu thụ nông sản chất lượng cao.