Hà Nội tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số

Chiều 7/11, Trong khuôn khổ chương trình Hanoi DigiTech 2024, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thành phố Hà Nội”.

Hà Nội tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số
Tọa đàm “Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thành phố Hà Nội”

Với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương; các Sở, ngành, đơn vị liên quan; Đại diện các hội, hiệp hội ngành công nghiệp số, công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước, Tọa đàm tập trung thảo luận, đánh giá về thực trạng chuyển đổi số của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, đồng thời đề xuất các giải pháp về công nghệ, về chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội chuyển đổi số thành công.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Tự Lực, Phó giám đốc HPA cho biết, chuyển đổi số hiện nay không chỉ tạo cơ hội kết nối mạng lưới, thu gọn khoảng cách giữa các bộ phận trong tổ chức, nâng cao hiệu suất quản trị doanh nghiệp và tối ưu hóa năng suất làm việc của nhân viên, còn giúp cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh.

Để duy trì và nâng cao sự cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp phải thích nghi với sự thay đổi và sử dụng công nghệ số hóa để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, cải thiện hiệu suất và chất lượng, tạo ra giá trị cho khách hàng. Chuyển đổi số đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trên địa bàn thành phố, các doanh nghiệp đã nhận thức được rõ ràng rằng chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng, mà còn là yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển doanh nghiệp trong thế giới kỷ nguyên số.

Hà Nội tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số
Phó giám đốc HPA Lê Tự Lực phát biểu khai mạc Toạ đàm 

Nhằm giúp cho các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển mạnh cũng như tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, Thành phố đã có chiến lược và kế hoạch cụ thể nhằm kết nối, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận công tác chuyển đổi số gắn với phát triển bền vững, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô, phát triển kinh tế số quốc gia nhanh và bền vững.

“Tọa đàm hôm nay với sự tham dự của các đại biểu đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm, đã và đang triển khai các hoạt động trong lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ cao, tôi hy vọng và tin tưởng rằng đây là dịp để các quý vị đại biểu cùng chia sẻ, trao đổi, thảo luận, định hướng các giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố Hà Nội nói chung và các tỉnh, thành phố nói riêng” – ông Lê Tự Lực nhấn mạnh.

Tham luận tại Tọa đàm, bà Đặng Thị Hương, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) nhận định, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ về công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế và khó khăn trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đã có văn bản quy định của Trung ương nhưng chỉ dừng ở mức độ những hỗ trợ nhỏ cho doanh nghiệp, mang tính phụ trợ, chưa thực sự đáp ứng, tạo điều kiện thúc đẩy nhu cầu phát triển căn bản của doanh nghiệp nên chậm đi vào cuộc sống.

Mặt khác một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ; việc vận dụng cụ thể hóa các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số còn nhiều khó khăn. Công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số của các sở, ban, ngành và các hiệp hội chưa được quan tâm đúng mức.

Hà Nội tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số
Bà Đặng Thị Hương, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) chia sẻ tại Toạ đàm 

Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, bà Đặng Thị Hương cho rằng Thành phố Hà Nội cần tập trung triển khai các giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tăng cường bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao nhận thức và thái độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động tại các Sở ngành, hội, hiệp hội, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về các chính sách hỗ trợ quy định tại Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

Thứ ba, Thành phố tiếp tục bố trí ngân sách ổn định để bảo đảm công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số được đồng bộ, liên tục, hiệu quả.

Đại diện cho Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội, bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội đề xuất một số giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố.

Về chính sách, cần có các chương trình hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình chuyển đổi số thông qua các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp hoặc không lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ số. Đồng thời, Chính phủ có thể thiết lập các chính sách thuế ưu đãi, ví dụ như miễn thuế hoặc giảm thuế đối với các hoạt động và đầu tư liên quan đến chuyển đổi số. Điều này giúp giảm áp lực tài chính đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với đó là cung cấp chương trình đào tạo và hỗ trợ để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nắm vững các kỹ năng và kiến thức cần thiết để thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả.

Để khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuyển đổi số, UBND Hà Nội cần cải thiện môi trường thể chế và pháp lý. Điều này bao gồm việc ban hành các quy định hỗ trợ và khuyến khích các hoạt động chuyển đổi số như: Xây dựng và công bố quy hoạch về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin; Ban hành các quy chuẩn để trao đổi thông tin giữa các cơ quan và đơn vị, nhằm đảm bảo sự liên kết và đồng bộ trong việc đầu tư và phát triển hạ tầng chuyển đổi số; Phát triển hạ tầng số và mạng di động 5G; Hỗ trợ và đào tạo các chuyên gia chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Lê Minh

Bài Viết Liên Quan

Back to top button