“Hạ nhiệt” giá xăng, dầu: Cần chấp nhận hụt thu ngân sách trong ngắn hạn
Để “hạ nhiệt” giá xăng, dầu trước đà tăng “sốc” thời gian qua, chuyên gia cho rằng, cần tính toán tạm ngừng thu các loại thuế đối với xăng dầu trong vòng 2-3 tháng…
Như đã thông tin, giá xăng, dầu tăng và giải pháp giảm thuế để hạ nhiệt mặt hàng này tiếp tục được người dân, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, đề xuất mới đây của Bộ Tài chính đưa ra khiến nhiều người đánh giá chỉ như “muối bỏ bể” so với mức độ “leo thang” của giá xăng dầu hiện nay.
Cụ thể, trong Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế BVMT đối với xăng từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu ma-dút, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
Trước đề xuất đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, với sức “nóng” của giá xăng, dầu hiện nay, việc giảm tiếp thuế BVMT như đề xuất nêu trên chưa thể kìm đà tăng của mặt hàng này. Nhất là khi giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục tăng cao, quỹ bình ổn không thể giúp giá trong nước hạ nhiệt được, còn thuế, phải tính toán để giảm thêm các loại thuế khác trong cơ cấu giá xăng dầu, không phải lần nào cũng chỉ tính đến thuế BVMT, bởi nếu chỉ giảm thêm 1.000 đồng thuế BVMT thì không có nhiều tác dụng.
Thông tin với báo chí, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng – chuyên gia kinh tế trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất cơ quan có thẩm quyền cần mạnh tay giảm thuế xăng, dầu. Theo đó, cần tạm ngưng thu tất cả loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu, chấp nhận hụt thu ngân sách từ 2-3 tháng để giảm giá nhiên liệu.
“Dư địa giảm thuế chúng ta vẫn còn nên cần giảm mạnh các loại thuế, sau đó mới tính đến các phương án khác. Không nên giảm “nhỏ giọt” như thời gian vừa qua hoặc đề xuất mới đây của Bộ Tài chính”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng bày tỏ.
Thực tế, tại kỳ điều hành giá xăng dầu chiều 21/6/2022 giá các mặt hàng xăng, dầu tiếp tục được điều chỉnh tăng từ gần 200 – 1.000 đồng/lít (tuỳ loại). Khi giá xăng, dầu tăng vọt, người tiêu dùng phải gồng mình chống chọi với những đợt sóng lạm phát ập đến, còn doanh nghiệp vừa thoát khỏi khó khăn do dịch bệnh COVID-19 thì nay lại đối mặt áp lực chi phí vận hành, đội giá sản xuất và hiệu quả hoạt động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Trương Tiến Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian qua, giá xăng, dầu tăng đột biến, gần gấp 3 lần so với trong dịch COVID-19 nên tác động đến phí logistics, vận chuyển… càng làm trầm trọng thêm những khó khăn của doanh nghiệp.
Theo ông Dũng, việc Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022, trong đó giảm thuế BVMT đối với xăng còn 1.000 đồng/lít trong bối cảnh giá xăng dầu đang trên đà tăng sẽ khó kìm giá xăng hoặc giá các hàng hóa, dịch vụ khác nên sẽ không tác động đáng kể đến việc kéo giảm các chỉ số kinh tế. Tuy nhiên, đây là tín hiệu tích cực thể hiện sự quan tâm, đồng hành của Chính phủ đối với doanh nghiệp, người dân.
Còn theo ông Lê Trung Tín – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải xe khách TP. Hồ Chí Minh, với giá xăng dầu tăng quá cao như hiện nay, nếu giảm được đồng nào hay đồng đó. Việc giảm thêm 1.000 đồng thuế BVMT cũng là đáng quý vào lúc này. Tuy nhiên, giải pháp giảm thuế, phí cần làm ngay để doanh nghiệp bớt khổ. Chính sách thuế, phí ở một số nước họ làm rất tốt, như Malaysia chẳng hạn, giá xăng của họ chỉ khoảng 11.000-12.000 đồng/lít.
“Do đó, cũng phải học hỏi, chia sẻ bài học từ các nước trong khu vực để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng trong nước”, ông Tín chia sẻ.
Liên quan đến dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn của Bộ Tài chính, mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý về dự thảo này.
Theo VCCI, mức đề xuất giảm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng là hợp lý. Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ Tài chính cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.
Bên cạnh đó, đối với phương án cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu, VCCI cho rằng, dự thảo tờ trình chưa nêu rõ lý do vì sao không lựa chọn phương án này. Bởi vấn đề này thuộc thẩm quyền của Chính phủ và hoàn toàn có thể làm ngay trong tháng 7.
“Dự thảo tờ trình của Bộ Tài chính đã thuyết minh tương đối chi tiết tác động ngân sách trong trường hợp thực hiện phương án giảm thuế BVMT như đề xuất. Tuy nhiên, việc giảm thuế này đặt trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, dẫn đến các khoản thu theo thuế suất tương đối (gồm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu) tăng mạnh. Do đó, tác động tổng thể đến thu ngân sách sẽ không lớn như được trình bày trong dự thảo tờ trình. Cơ quan soạn thảo cần bổ sung các thuyết minh về tác động tổng thể này giúp cơ quan có thẩm quyền thêm cơ sở để ra quyết định”, VCCI phân tích và góp ý.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn