Gỡ vướng hoàn thuế Giá trị gia tăng: Giải pháp từ ứng dụng số hóa
Ứng dụng số hóa vào thực thi chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) giúp tăng cường tuân thủ thuế, giảm gian lận và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp…
Đồng thời đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.
LTS: Nhiều doanh nghiệp đang kêu cứu về việc bị chậm hoàn thuế giá trị gia tăng khiến họ kiệt quệ do bị thiếu hụt dòng tiền. Vậy giải pháp nào để gỡ vướng mắc trong thủ tục hoàn thuế?
Ở một số quốc gia, hoàn thuế GTGT đã được triển khai theo hướng sử dụng công nghệ và tự động hóa quy trình, trên nền tảng áp dụng hoàn thuế điện tử. Không nói đâu xa, một quốc gia trong khu vực châu Á gần chúng ta là Hàn Quốc, cũng đã áp dụng công nghệ này rất hiệu quả, được triển khai ngay trong giao dịch mua hàng của du khách và nhận hoàn thuế tại sân bay Incheon.
Ở Việt Nam, chính sách hoàn thuế GTGT đã được quy định từ lâu trong pháp luật thuế. Hiện Bộ Tài chính đề xuất 4 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi và vẫn đang được lấy ý kiến. Tuy nhiên qua ghi nhận vẫn có thể thấy còn rất nhiều vướng mắc. Trong đó, chính sách thuế GTGT với những hạn chế phát sinh trong thực tế, nổi cộm là quy trình và thời gian hoàn thuế đang gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp.
Thực tế cũng cho thấy tại hội nghị gần nhất của Tổng Cục thuế với doanh nghiệp ở 5 tỉnh phía Nam mới đây, các doanh nghiệp có hàng trăm tỷ đồng bị treo chưa được hoàn đã “kêu ca” về những bất cập. Ứng dụng số hóa triệt để sẽ giúp ngành thuế giải quyết nhanh chóng tình trạng chậm trễ trong thực hiện chính sách hoàn thuế này.
Cụ thể, ở các quốc gia tiến bộ về quản lý, họ đã xây dựng hệ thống đánh giá rủi ro dựa trên lịch sử tuân thủ thuế của các doanh nghiệp; các doanh nghiệp có lịch sử tuân thủ tốt và ít rủi ro sẽ được ưu tiên xử lý hoàn thuế nhanh chóng, trong khi những doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao sẽ bị kiểm tra kỹ lưỡng hơn. Điều này khá đơn giản và tương tự như việc xây dựng hệ thống CIC của ngân hàng. Khi các dữ liệu đã dược kết nối, ứng dụng số đã được đưa vào triển khai, đây là cơ sở để giúp tiến đến có thể hoàn thuế – hậu kiểm mà không gây thất thoát, rủi ro cho thu ngân sách hay thiệt hại cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để minh bạch và công bằng cơ quan quản lý nên công khai quy trình và thời hạn xử lý hồ sơ hoàn thuế trên nền tảng của mình, cập nhật liên tục, có thông báo số cho doanh nghiệp, cá nhân. Việc này giúp các doanh nghiệp nắm bắt được tiến độ hồ sơ, có thể lên kế hoạch tài chính tốt hơn. Song song việc đặt thời hạn về hoàn tất nghĩa vụ thuế, thì cơ quan thu thuế cũng đặt ra một khung thời gian cụ thể cho xử lý hồ sơ hoàn thuế. Doanh nghiệp qua đó cũng chủ động hơn về nguồn vốn, không bị động, đặc biệt là trong các ngành có tỷ lệ hoàn thuế cao như xuất khẩu.
Tương tự, đối với các đối tượng nợ thuế, thay cho công khai danh sách định kỳ của các cục thuế đang làm, việc cần thiết hơn là nên xây dựng hệ thống nhắc nợ thuế, chế tài đối với nợ thuế tự động để cá nhân, doanh nghiệp nợ thuế nắm bắt nghĩa vụ và thực thi; giảm thiểu thực hiện các chế tài không cần thiết và không tạo thuận lợi cho người nộp thuế như vừa qua.
Những cơ chế hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu sẽ giúp khuyến khích thương mại quốc tế. Tương tự là chính sách hoàn thuế GTGT cho du khách, giúp thúc đẩy du lịch và tiêu dùng. Việc cải thiện các hệ thống hoàn thuế, giảm bớt gánh nặng hành chính và trả đúng quyền lợi cho các doanh nghiệp, người dân, không chỉ tiếp sức, còn kích thích động lực phát triển tạo nguồn thu, đóng thuế. Đó cũng chính là phương thức tốt nhất để thực hiện phương châm của ngành thuế “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”.
Cuối cùng, vẫn phải nhấn mạnh thêm chương trình chuyển đổi số quốc gia của chính phủ là đơn giản thủ tục hành chính và hỗ trợ cho doanh nghiệp nhanh chóng được giải quyết những công đoạn rườm rà phức tạp , phiền hà dẫn đến ảnh hưởng đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay. Ngành thuế đang được chờ đợi thể hiện vai trò đi đầu thực thi chương trình.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp