Gỡ rào cản pháp lý để phát triển thị trường cho thuê tài chính

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trong Luật các TCTD sửa đổi tới đây cần có một chương mục riêng về cho thuê tài chính, để hỗ trợ thị trường này phát triển và trở thành kênh dẫn vốn quan trọng.

Thị trường còn nhiều rào cản

Cho thuê tài chính là kênh hỗ trợ vốn trung dài hạn có nhiều ưu điểm đối với các doanh nghiệp và hộ dân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).

Gỡ rào cản pháp lý để phát triển thị trường cho thuê tài chính

Hội thảo “Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi phát triển Cho thuê Tài chính ở Việt Nam” (ảnh: Diễm Ngọc)

Tuy nhiên, quy mô dư nợ cho thuê tài chính hiện còn rất thấp, chỉ chiếm 0,33% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, chưa chia sẻ được gánh nặng vốn trung dài hạn với các ngân hàng thương mại; số lượng công ty cho thuê tài chính còn ít, sản phẩm dịch vụ được phép cung ứng hạn hẹp; doanh nghiệp và người dân biết đến kênh cho thuê tài chính còn ít…

Thông tin từ Hiệp hội Cho thuê tài chính cho biết, hiện nay, hành lang pháp lý đối với lĩnh vực cho thuê tài chính đã ngày một hoàn thiện, gồm: Luật các TCTD từ điều 112 đến điều 116, Nghị định 39/2014/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn của NHNN về quản trị điều hành, về kiểm soát, về các tỷ lệ an toàn trong hoạt động.

Trên thị trường Việt Nam đang có khoảng 10 công ty cho thuê tài chính nhưng dư nợ cung cấp cho khách hàng dư nợ đối với nền kinh tế đạt gần 40.000 tỷ đồng (tổng hợp từ 8/10 công ty cho thuê tài chính), chất lượng tín dụng luôn được bảo đảm, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức trên dưới 1%.

Điều đó cho thấy quy mô thị trường còn quá nhỏ bé và còn nhiều dư địa để phát triển hơn nữa. Phát biểu tại Hội thảo “Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi phát triển Cho thuê Tài chính ở Việt Nam”, TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia – đánh giá, thị trường Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận lĩnh vực cho thuê tài chính từ năm 1995, nhưng sau gần 30 năm, chúng ta chưa phát triển được như mong muốn.

Điển hình là dư nợ cho thuê tài chính chỉ khoảng 40.000 tỷ đồng, tương đương một công ty tài chính tiêu dùng cỡ trung bình và tỷ lệ thâm nhập chỉ khoảng 0,33% tổng dư nợ; còn so với GDP là khoảng 0,42%, trong khi con số này tại Mỹ là 42%. Mặc dù nhu cầu vốn trung dài hạn ở Việt Nam là rất lớn, nhưng có 3 lý do chính cản trở quá trình phát triển của lĩnh vực này đó là:

Thứ nhất, quan điểm nhận thức về các tổ chức tín dụng (TCTD) phi ngân hàng vẫn bị coi là “con nuôi” – có cũng được, không có cũng không sao nên rất khó phát triển. Thứ hai, là chậm sửa đổi khung pháp lý cho thị trường này, trong đó có 2 cách tiếp cận được đề xuất là xây dựng Luật riêng và sửa đổi nằm trong Luật các TCTD, tuy nhiên đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Đặc biệt, không có nhiều cơ chế chính sách ưu đãi về thuế, phí, kế toán,… đối với cho thuê tài chính. Với một lĩnh vực còn yếu mà không được hỗ trợ thì không thể lớn mạnh.

Thứ ba, là mức độ, trình độ thị trường tài chính Việt Nam còn non trẻ, chưa phát triển, những yếu tố bổ trợ cho thị trường này không tốt. Chúng ta phải chủ yếu huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhưng thị trường này lại đang gặp nhiều khó khăn.

Ở góc độ doanh nghiệp, chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc, ông Nguyễn Thiều Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cho thuê Tài chính TNHH BIDV – SuMi TRUST bày tỏ: Về mặt tổ chức, các công ty cho thuê tài chính không được bổ nhiệm người quản lý của ngân hàng mẹ giữ vị trí quản lý tại công ty, theo Điều 34 Luật Các TCTD. Đồng thời Luật các TCTD hiện tại chưa cho phép công ty cho thuê tài chính được góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty con, công ty liên kết dưới mọi hình thức.

Trong khi đó, một số hoạt động chưa được phép gồm cung ứng dịch vụ tín dụng khác như bao thanh toán, chiết khấu giấy tờ có giá; Các dịch vụ phi tín dụng không rủi ro như môi giới (ngoại trừ môi giới bảo hiểm)…; Không được vay từ 1 năm trở lên tại các TCTD (trừ ngân hàng mẹ).

Ngoài ra, nguồn thu của các công ty cho thuê tài chính bị giới hạn, một số chỉ tiêu giới hạn ở mức cao tương đương Ngân hàng Thương mại theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN và Thông tư 23/2020/TT-NHNN).

“Ngược lại, một số điều kiện lại  quá chi tiết, cụ thể, không còn phù hợp với bối cảnh mới và cũng thể gây hiểu nhầm, rủi ro cho công ty trong hoạt động như: Quy định công ty cho thuê tài chính có nghĩa vụ “Đánh giá năng lực tài chính, uy tín của bên cung ứng hoạt động hợp pháp” (Nghị định 39/2014/NĐ-CP); Quy định Công ty cho thuê tài chính có nghĩa vụ “Đánh giá tính hiệu quả của dự án, phương án sử dụng tài sản” (Nghị định 39/2014/NĐ-CP); Chưa có hướng dẫn về “tài sản khác” (Nghị định 39/2014/NĐ-CP); Thiết bị bay không người lái phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc phạm vi định nghĩa là “tàu bay” (Thông tư 30/2015/TT-NHNN); Thuê tài sản nhưng hoạt động sử dụng tài sản thuê ở nước ngoài…”, ông Nguyễn Thiều Sơn dẫn chứng.

Gỡ “rào” pháp lý

Tại Hội thảo, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam – Phạm Xuân Hoè – nhấn mạnh, vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với các công ty cho thuê tài chính ở Việt Nam đó là điều kiện để các công ty gia nhập thị trường khá khó khăn.

Gỡ rào cản pháp lý để phát triển thị trường cho thuê tài chính

Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam mong muốn trong đợt sửa đổi Luật các TCTD tới đây sẽ có những sửa đổi một cách toàn diện để hỗ trợ thị trường này phát triển

Ví dụ các công ty phải có vốn điều lệ tối thiểu ở mức 100 tỷ đồng trở lên, đồng thời là đối tượng bị giới hạn hoạt động, nghĩa là chỉ được hoạt động theo những gì giấy phép cho phép mà không được tự do như các doanh nghiệp khác.

“Chính vì vậy, chúng tôi rất mong muốn trong đợt sửa đổi Luật các TCTD lần này sẽ có những sửa đổi một cách toàn diện, đây sẽ là “cơ hội vàng” cho cộng đồng cho thuê tài chính Việt Nam. Trong đó, cần làm rõ các điều kiện gia nhập thị trường, đơn giản hơn. Về các tài sản cho thuê tài chính thì các doanh nghiệp nên được quyền cho thuê tất cả các loại tài sản, máy móc thiết bị trên thị trường, trừ máy bay.

Việc hiểu về các công cụ hàng không là rất tiến bộ, nhưng phải có sự phân biệt rõ ràng, Chính phủ đã có quyết định thành lập công ty cho thuê máy bay riêng, vì đó là tài sản lớn, nhưng các thiết bị bay trong thời hiện đại như các máy bay nhỏ, các công cụ bay phun thuốc sâu trong nông nghiệp thì các công ty tài chính hoàn toàn có thể cho thuê; hoặc các thiết bị khác mà trong Nghị định 39 không giải thích rõ là những tài sản gì.

Đơn cử như trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, tất cả các máy tính, máy photo, thậm chí phần mềm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoàn toàn có thể cho thuê tài chính; nhưng điều đó cũng chưa được quy định chi tiết. Vậy chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phải đưa điều này vào để hỗ trợ, thậm chí không nhất thiết phải quy định mà chỉ cần là máy móc thiết bị, là các tài sản thông thường trên thị trường thì đều có thể cho thuê được”, ông Phạm Xuân Hoè kiến nghị.

TS. Cấn Văn Lực đề xuất: Chúng ta cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận, coi đây là kênh dẫn vốn quan trọng song song với ngân hàng thương mại. Đặc biệt, cần đẩy mục tiêu dư nợ lên 3-5% tổng dư nợ nền kinh tế đến năm 2025.

“Về hành lang pháp lý, các chuyên gia đề xuất có một luật riêng, nhưng điều đó rất khó trong bối cảnh hiện nay, theo tôi, hãy sửa đổi những gì đã có trong Luật các TCTD (sẽ thông qua vào tháng 10 năm nay), với 3 điểm cần góp ý như sau:

Một là, cần mở rộng hơn cho các công ty cho thuê tài chính, cho họ đi vay các TCTD khác kể cả trung dài hạn.

Hai là, bản thân các công ty phải công khai, minh bạch để phát hành trái phiếu doanh nghiệp như các TCTD, còn không thể có câu chuyện chỉ hút tiền gửi từ cá nhân theo thông lệ quốc tế.

Ba là, cơ chế ưu đãi phải được cơi nới, rõ ràng về thuế, phí. Các doanh nghiệp phải được mở rộng hoạt động tư vấn, điều này hoàn toàn nằm trong năng lực các công ty, không chỉ các đơn vị đi thuê mà bất kỳ đơn vị nào cũng có thể được tư vấn.

Tôi cho rằng, tất cả các vấn đề phải được lồng ghép trong Luật các TCTD sửa đổi tới đây và có một chương mục riêng về cho thuê tài chính”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button