Gỡ “nút thắt” tăng trưởng tín dụng

Năm 2023 đã khép lại và chính sách tiền tệ có thể xem là một trong những điểm sáng với các quyết sách điều hành mạnh dạn “ngược cơn gió ngược” và đạt các mục tiêu.

Tuy nhiên, còn đó những vấn đề chưa thực sự hoàn toàn giải quyết, đi kèm là những kỳ vọng chuyển biến ở năm 2024.

Gỡ “nút thắt” tăng trưởng tín dụng

Năm 2023, chính sách tiền tệ là “điểm tựa” cho doanh nghiệp vượt khó.

Từ “barie” tăng trưởng tín dụng của năm cũ

Hơn 1 tuần nữa trước khi kết thúc năm 2023, Công điện số 1403/CĐ-TTg ngày 22/12/2023 tiếp tục nêu các chỉ đạo về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả điều hành tăng trưởng tín dụng phục vụ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN kiểm soát tín dụng không phục vụ lợi ích nhóm, cho vay sân sau. Đồng thời, yêu cầu Thanh tra Chính phủ khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao tại văn bản số 9444/VPCP-V.I về thanh tra việc điều hành tăng trưởng tín dụng.

Trong năm 2023, điều hành tăng trưởng tín dụng của NHNN được cho gặp nhiều khó khăn do nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế suy giảm vì kinh tế toàn cầu gặp khó khăn với chính sách tiền tệ thắt chặt của các NHTW, lạm phát cao, chi dùng thấp, cùng với đó đầu tư tư nhân và chi tiêu nội địa co hẹp. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ 2022 do điều hành tăng trưởng tín dụng theo hạn mức bị cho là giật cục, NHNN đã giao room tín dụng từ đầu năm và tiếp tục điều chỉnh trong năm, phân bổ lại theo thực tế tăng trưởng. Việc khắc phục qua các đợt điều chỉnh hạn mức, dù vậy, vẫn không thể là yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng nhanh theo kỳ vọng.

Năm 2023 cũng chứng kiến các kỳ họp Quốc họp mà các Đại biểu đã nêu ý kiến về vấn đề nên chăng bỏ điều hành tăng trưởng tín dụng theo hướng cấp hạn mức, mà tiến tới kiểm soát rủi ro, tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các NH qua áp dụng chỉ tiêu an toàn vốn tối thiểu và các chỉ tiêu về quản lý rủi ro.

Có thể nói điều hành theo phân bổ chỉ tiêu tín dụng đang được xem là “nút thắt”, “barie” và dễ tạo tâm lý thị trường về việc liệu có cơ chế xin-cho trong sử dụng công cụ điều hành – được cho là “lạc hậu” so với chính sách điều của các NHTW khác trên thế giới.

Đến kỳ vọng từ thay đổi công cụ điều hành

Song dù như vậy, như Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định qua tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, có thể thấy trong điều kiện hiện nay, chưa thể bỏ việc điều hành tăng trưởng tín dụng, vì nhu cầu vốn của nền kinh tế vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng. Mặt khác, như TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận xét, việc tháo dỡ “barie” cũng cần thời gian do hệ thống vẫn còn những ngân hàng yếu kém.

Gỡ “nút thắt” tăng trưởng tín dụng

Tăng trưởng tín dụng theo thống kê của VNDirect – Dữ liệu chưa cập nhật số liệu giải ngân cuối năm theo như NHNN công bố

Mặc dù vậy, việc Chính phủ liên tục yêu cầu “áp sát” về vấn đề điều hành tăng trưởng tín dụng, thậm chí yêu cầu Thanh tra, cùng hé lộ của Thống đốc NHNN trong quyết định giữ “nguyên tắc cứng” với hạn mức thời điểm này, là “có lộ trình thích hợp, đảm bảo các điều kiện cần thiết và từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường”, được kỳ vọng sẽ tiến tới những chuyển biến, thay đổi kế tiếp trong sử dụng công cụ điều hành hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2024.

Thực tế, NHNN đã không “phụ” kỳ vọng của các thành phần trong nền kinh tế về nỗ lực đổi mới điều hành khi ngay từ đầu năm 2024, đã giao “KPI” 2 triệu tỷ đồng cho các ngân hàng dự kiến “bơm” vào nền kinh tế trong năm nay – theo định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 15%.

NHNN cũng đồng thời giao hết chỉ tiêu từ đầu năm cho các TCTD “tự quyết”, chủ động, trên cơ sở nguyên tắc và công thức tính hạn mức của từng ngân hàng. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định “không còn cơ chế xin -cho”.

Đáng chú ý, NHNN cũng “mở” hành lang rộng cho định hướng điều hành với khẳng định: Chỉ tiêu không đóng cứng, nếu hấp thụ vốn hết, hiệu quả, các chỉ tiêu vĩ mô đảm bảo, NHNN sẵn sàng tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên tới 16%. Những thông tin tích cực ngày từ đầu năm và sự công khai của NHNN đối với công cụ điều hành tín dụng, đang được hưởng ứng cao và được đánh giá tạo hiệu ứng tâm lý để thị trường “phấn khởi”, đặt nhiều kỳ vọng tích cực hơn vào 2024. Cổ phiếu ngành ngân hàng theo đó, cũng đã “cất cánh” đúng với vị thế cổ phiếu “vua” sau thời gian dài im ắng và đi ngang trong những phiên giao dịch gần nhất ngay sau khi NHNN công bố chỉ tiêu tăng trưởng tín và dỡ “barie” hạn mức.

 

Bài Viết Liên Quan

Back to top button