Gỡ bớt áp lực, kiểm soát mức trượt giá của tiền đồng trong biên độ
Những lo ngại, phản ứng thái quá của thị trường trước áp lực tỷ giá đang đẩy VN-Index tiến gần đến mức sự kiện “thiên nga đen” vào 2022, mang đến điểm vào lệnh hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn.
Nâng dự báo GDP năm 2023
Kết thúc quý 3/2023, tăng trưởng GDP đạt 5,3%, tăng tốc từ mức 4,1% trong quý 2/2023 và 3,3% quý 1/2023, nhưng đây vẫn còn cách xa mục tiêu 6,5% của Chính phủ cho cả năm 2023.
Tuy nhiên, với sự khởi sắc của xuất khẩu, đầu tư công, FDI, tín hiệu tích cực của bán lẻ tiêu dùng và các động thái chính sách…, chúng tôi nâng dự báo GDP năm 2023 lên mức +4,8% từ mức 4,0% trước đó.
Lạm phát, vốn không phải là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến suy thoái theo chu kỳ đối với nền kinh tế Việt Nam từ nửa cuối năm 2022, sẽ trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách trong năm 2023. Chúng tôi kỳ vọng lạm phát chung sẽ được kiểm soát trong năm 2023 ở mức 3,4%, vẫn thấp hơn với ngưỡng mục tiêu của Chính phủ là 4,5%.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong 3 quý (tập trung vào 2 quý đầu năm), NHNN đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành, đưa lãi suất tái chiết khấu giảm 200 điểm về 3% và hạ trần lãi suất huy động tiền gửi dưới 6 tháng về mức 4,75%. Điều này cho thấy Chính phủ vẫn định hướng chính sách theo hướng nới lỏng. Với (i) kỳ vọng rằng việc gia tăng lãi suất của Fed sắp kết thúc, (ii) không có sự kiện “thiên nga đen” như vụ Vạn Thịnh Phát trong năm 2023 và (iii) CPI vẫn trong tầm kiểm soát, chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ trong quý 4/2023 và năm 2024.
Tháo gỡ dần các áp lực
Áp lực tỷ giá giảm bớt trong 6 tháng 2023 trước khi tăng lên trong quý 4/2023, tuy nhiên chúng tôi tin rằng NHNN có khả năng để kiểm soát mức trượt giá của tiền đồng ở mức 2-3% so với đồng USD.
Chúng tôi kỳ vọng tỷ giá sẽ thoái lui vào năm 2024-2025 do tài khoản vãng lai của Việt Nam liên tục duy trì ở mức thặng dư và chỉ số đồng USD (DXY) dường như đang ở mức đỉnh.
Năm trước, Chính phủ đã siết lại thị trường trái phiếu, bao gồm cả Nghị định 65 ban hành năm ngoái, đã để lại tình trạng khủng hoảng thanh khoản cho thị trường bất động sản trong bối cảnh nhu cầu yếu. Việc tái cấp vốn cho 8,4 tỷ USD/7,7 tỷ USD trái phiếu đáo hạn vào năm 2023/2024 sẽ là một thách thức to lớn đối với thị trường bất động sản. Tuy nhiên, những diễn biến chính sách gần đây, trong đó có Nghị định 08 ban hành tháng 3/2023 đang cho thấy nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc tháo gỡ những điểm nghẽn này.
Điều này đã giúp làm giảm áp lực thanh toán cho các nhà phát triển vì nó cho phép (i) thanh toán trái phiếu bằng tài sản và (ii) tái cấu trúc một phần trái phiếu và trì hoãn việc thực hiện lựa chọn nhà đầu tư trái phiếu chặt chẽ hơn. Chúng tôi cũng nhận thấy các sáng kiến từ chính phủ nhằm giải quyết các vấn đề pháp lý cho các dự án bất động sản cụ thể và đổi mới Luật đất đai.
Chiến lược đầu tư trong thị trường “tạo đáy”
Chúng tôi ước tính sơ bộ mức tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp phi ngân hàng theo năm sẽ giảm xuống còn 3% trong năm 2023 (so với dự báo trước đó là 19%), trong khi các ngân hàng vẫn có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 12% n/n (so với dự báo trước đó là tăng trưởng 15% n/n).
Theo đó, có thể kỳ vọng tăng trưởng EPS năm 2023 trên toàn thị trường sẽ giảm xuống 7% n/n (từ 20% n/n). Như vậy, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E năm 2023 là 10,1 lần.
Theo quan điểm của chúng tôi, nhìn chung, thị trường Việt Nam đã chuyển từ suy thoái do sự kiện (tức là việc Chủ tịch Tân Hoàng Minh bị bắt vào tháng 4/2022) sang suy thoái theo chu kỳ (do lãi suất tăng từ tháng 9/2022). Chúng tôi cho rằng thị trường đã tạo đáy và đã đang bước vào giai đoạn phục hồi. Môi trường lãi suất giảm là động lực chính cho đợt phục hồi từ tháng 5/2023 và sự hỗ trợ của môi trường lãi suất thấp có thể duy trì cho phần còn lại của năm.
Lợi suất trái phiếu doanh nghiệp cũng đã được trở lại mức bình thường. Chúng tôi kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ sớm hạ nhiệt và hỗ trợ phục hồi lợi nhuận doanh nghiệp trong nửa cuối năm 2023, đồng thời cho phép định giá cao hơn đối với VN-Index, mà chúng tôi tin rằng có thể đạt mức P/E dự phóng 6 tháng là 14,5 lần từ mức hiện tại.
Những lo ngại và phản ứng thái quá của thị trường trước áp lực tỷ giá đang đẩy VN-Index tiến gần đến mức sự kiện “thiên nga đen” vào năm 2022, mang đến điểm vào lệnh hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn.
Chúng tôi duy trì ưu tiên ở các ngành Tài chính (VCB, TCB, MBB, STB, HDB, VND,HCM), Tiêu dùng (MWG, PNJ, VEA, KDC), O&G (GAS, PVS, PVD, PLX), CNTT (FPT), Công nghiệp (HPG, DGC), Logistics (GMD và ACV) và các doanh nghiệp bất động sản chọn lọc (VHM, NLG, KDH, BCM).