Giảm lãi suất – “Chìa khoá” giữ tăng trưởng

Lãi suất cho vay đang cao hơn chỉ số lạm phát gần 2,5 lần cho thấy dư địa giảm lãi suất vẫn còn. Đây được xem như chìa khoá giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực và hỗ trợ đà tăng trưởng của đất nước.

Tiêu dùng suy giảm

Năm 2023 là một năm khó khăn với nền kinh tế, nhưng nguy cơ suy thoái kinh tế trên toàn cầu có thể sẽ tránh được. Dự báo trước đó của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều cho thấy, Liên minh châu Âu và Đức có thể sẽ tăng trưởng âm, nhưng họ đã công bố mức tăng trưởng 0,1%. Còn đối với Việt Nam, có một nền nông nghiệp ổn định, bảo đảm an toàn lương thực sẽ là thế mạnh, cũng là cơ sở để chúng ta tránh được nguy cơ suy thoái kinh tế trong nước.

Giảm lãi suất -

Trong bối cảnh khó khăn chung, sức ép lên nguồn lao động đang tăng cao, các doanh nghiệp thiếu đơn hàng, phải giảm giờ làm, giảm lương

Tuy nhiên, Việt Nam là nền kinh tế rất mở, với xuất khẩu chiếm 119% GDP và nhập khẩu chiếm 117% GDP, cho nên khi thế giới bất ổn, chiến tranh Nga – Ukraine chưa kết thúc, kinh tế các nước tăng trưởng chậm… sẽ làm cho khả năng xuất khẩu và tạo công ăn việc làm của Việt Nam thấp đi. Tác động này đã rất rõ rệt lên doanh nghiệp Việt trong thời gian vừa qua.

Một lưu ý nữa đó là hiện nay, chúng ta đang chuyển đổi sang nền kinh tế số, làn sóng bán hàng online, giao hàng tận nhà, mua bán qua mạng đều đã kết nối với khách hàng tận nơi, đều là những điều cần xem xét trong các mô hình, phương thức kinh doanh. Mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường, song điều đó không có nghĩa là nền kinh tế bị tiêu diệt, mà sẽ có những nhà đầu tư mới, sự dịch chuyển mới, tiếp tục tạo ra “những con phượng hoàng mới bay lên từ đống tro tàn”. Theo tôi, chúng ta cần bình tĩnh, thái độ tích cực khi nhìn thấy sự suy thoái ở một số nước mà không diễn ra ở Việt Nam.

Năm 2022, chúng ta đã tăng trưởng 8,02%, còn năm nay, WB dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng 6,3 – 6,5%. Tôi hy vọng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu này, ở mức 6- 6,5%.

Trong bối cảnh khó khăn chung, sức ép lên nguồn lao động đang tăng cao, các doanh nghiệp thiếu đơn hàng, phải giảm giờ làm, giảm lương cũng là nguyên nhân dẫn đến việc tiêu dùng có phần eo hẹp trong quý 1/2023.

Thực tế, người Việt Nam rất có kinh nghiệm đối phó với các biến động, điển hình là nhiều người đã tự cắt giảm chi tiêu của mình, để dự phòng cho các tình huống phức tạp có thể xảy ra trong tương lai. Trong đó, các mặt hàng cao cấp sẽ gặp khó nhiều hơn, vì thế các doanh nghiệp phải tích cực chuyển dịch sang những mặt hàng chủ lực, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu dinh dưỡng của người dân mà không tạo ra sức ép quá lớn về chi tiêu.

Ngoài ra, cũng có các vấn đề khác ảnh hưởng đến tiêu dùng của người dân, như giá xăng dầu lên cao và tới đây, giá điện, giá nước cũng tăng khiến người dân phải đối mặt với phương án điều chỉnh giá mới. Do điều kiện nhiên liệu, than nhập khẩu tăng vọt khiến ngành điện khó có thể trang trải với giá điện hiện tại. Khi nâng giá điện, đồng nghĩa với việc giá nước, giá các mặt hàng khác có khả năng tăng lên và rất khó dự báo.

Như vậy, nếu sức mua giảm thì sản xuất cũng phải có điều chỉnh và tăng trưởng sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, chúng ta rất mừng khi có một nền nông nghiệp vững vàng, đảm bảo an ninh lương thực, giúp nền kinh tế không bị tăng trưởng âm, nhưng sức ép đến lao động, việc làm và thu nhập của một số tầng lớp người dân là khó tránh, đòi hỏi những người đó phải có thêm các kỹ năng mới trong ứng phó với sự biến đổi của tình hình chung.

Hạ lãi suất hỗ trợ tăng trưởng

Bên cạnh các khó khăn ở nhiều khu vực, thì gần đây, một số nguồn thông tin cho biết, những tour du lịch đi nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu hiện đã bán hết và đang mở bán đến những nước khác. Từ đó chúng ta cũng thấy xã hội có sự đa dạng và khoảng cách giữa người có thu nhập cao, sẵn sàng đi du lịch đắt tiền với những người đang phải cố gắng thích nghi với tình hình giá cả thị trường tăng mạnh. Đó là hai mặt của đời sống, đòi hỏi mỗi người cần tìm cách khắc phục, chuyển đổi để đáp ứng được các yêu cầu cao hơn.

Giảm lãi suất -

Một số ngân hàng đã giảm lãi suất huy động xuống dưới mức 9%, trong khi chỉ số lạm phát năm 2022 chỉ khoảng 3,5%, nên chúng ta vẫn có thể giảm tiếp lãi suất huy động và lãi suất cho vay

Tôi tin rằng, Việt Nam sẽ không rơi vào vòng xoáy suy thoái kinh tế, vì để suy thoái kinh tế chúng ta sẽ phải liên tục tăng trưởng âm hai quý liên tiếp. Nhưng vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp tại Việt Nam là lãi suất cũng đang cao hơn lạm phát rất nhiều. Có doanh nghiệp phản ánh họ đang phải vay vốn với mức lãi suất từ 10 – 12%, cao hơn chỉ số giá cả đến 2,5 lần.

Chính vì vậy, dư địa giảm lãi suất là vẫn có. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần tạo điều kiện để đồng vốn có thể đến được với những người khởi nghiệp, những người muốn tái cơ cấu doanh nghiệp để họ tiếp tục tạo công ăn việc làm. Việc cố gắng vượt lên trên mọi biến động là một trong những vấn đề quan trọng nhất, thì Chính phủ, các cơ quan địa phương cần tìm cách giúp đỡ nhiều hơn, từ hộ gia đình cho đến doanh nghiệp.

Trong thời gian vừa qua, NHNN đã có những đợt điều chỉnh hạ lãi suất điều hành, tạo cơ hội cho việc hạ lãi suất cho vay là điều rất đáng hoan nghênh. Nhưng yếu tố cần xem xét nữa là chênh lệch giữa mức lãi suất cho vay với lãi suất huy động còn có thể giảm được hay không?

Một số ngân hàng đã giảm lãi suất huy động xuống dưới mức 9%, trong khi chỉ số lạm phát năm 2022 chỉ khoảng 3,5%, nên chúng ta vẫn có thể giảm tiếp lãi suất huy động và lãi suất cho vay xuống thấp hơn nữa. Lãi suất được xem như chìa khoá giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực bước vào thị trường, hỗ trợ đà tăng trưởng của đất nước.

Thêm một vấn đề nữa chưa được khơi thông đó là thị trường bất động sản, sự đóng băng của thị trường khiến các ngân hàng gặp khó khăn. Bởi vì các nhà đầu tư bất động sản và cả những người mua bất động sản đều vay vốn, phụ thuộc vào ngân hàng, làm tăng rủi ro cho ngân hàng. Do đó ngân hàng cần có một quy trình phân tích kỹ lưỡng các lĩnh vực và phải giải cứu bất động sản ở những mặt nào để tạo điều kiện tiêu thụ bất động sản trong khả năng cho phép. Đồng thời tránh việc lặp lại khủng hoảng bất động sản trong tương lai.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button