Giám đốc OpenAI bị sa thải: Liệu có bàn tay của Microsoft?

Rõ ràng Microsoft không thể ngồi yên khi “đứa con” vẫn đang ăn hàng tỷ đô của mình lại đi cạnh tranh với chính mình.

Giám đốc OpenAI bị sa thải: Liệu có bàn tay của Microsoft?

Sáng 18/11/2023 (theo giờ Việt Nam), thế giới công nghệ bàng hoàng vì được tin ông Sam Altman, giám đốc OpenAI, công ty “cha đẻ” của ChatGPT đột ngột bị sa thải.

OpenAI thông báo trên blog chính thức của công ty: “Ông Altman sẽ rời vị trí. Hội đồng quản trị đã xem xét và kết luận ông không nhất quán và thẳng thắn trong giao tiếp với hội đồng quản trị, cản trở khả năng thực hiện trách nhiệm của mình”, và “Hội đồng quản trị không còn tin tưởng khả năng tiếp tục dẫn dắt OpenAI của ông nữa”.

Đây là một sự kiện rất bất ngờ và cực kỳ gây sốc với giới công nghệ toàn cầu vì Sam Altman đang được coi là người quyền lực nhất trong lĩnh vực AI, luôn là gương mặt đại diện cho OpenAI và được cộng đồng gọi là “ông chủ của ChatGPT” khi chatbot này ra đời cách đây tròn một năm.

Ngay lập tức, nhiều người nhìn về Microsoft, nhà đầu tư lớn nhất của OpenAI, để xem phản ứng của ông lớn này thế nào. Rất nhanh chóng, Microsoft khẳng định vẫn sẽ hợp tác tiếp với OpenAI. Microsoft cho biết: “Chúng tôi có mối quan hệ đối tác lâu dài với OpenAI và Microsoft cam kết với Mira (giám đốc kế nhiệm) và nhóm của họ khi mang kỷ nguyên AI tiếp theo này đến với khách hàng của mình”.

Microsoft là một đối tác đóng vai trò rất quan trọng của OpenAI. Microsoft đã đầu tư hàng tỷ đô la vào công ty này và thể hiện rõ sẽ dùng công nghệ AI của OpenAI làm vũ khí cạnh tranh với các đối thủ lớn như Google, Facebook hay Apple. Microsoft đã tích hợp ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing, tung ra các sản phẩm trí tuệ nhân tạo tạo sinh kiểu “ChatGPT” đi kèm với các bộ sản phẩm chủ lực của mình như bộ MS Office và có vẻ sẽ còn có nhiều sản phẩm nữa.

Như vậy có thể thấy, Microsoft có vẻ rất cần một OpenAI “ngoan ngoãn” chỉ ngồi phát triển các công nghệ AI và hoàn toàn không muốn có thêm một đối thủ nữa trong lĩnh vực AI, vốn đã lắm “ông lớn sừng sỏ” như Google hay Apple, đang cạnh tranh nhau “sứt đầu mẻ trán”.

Thế nhưng thứ 3 tuần trước khi bị sa thải, Sam Altman với vai trò giám đốc OpenAI, trong sự kiện DevDay đã tuyên bố sẽ cho ra đời cửa hàng bán trí tuệ nhân tạo (AI) vào cuối tháng 11. Cửa hàng mới của OpenAI sẽ bán các loại trí tuệ nhân tạo kiểu ChatGPT. Trong đó có cả mô hình GPT mới được cài đặt để người dùng có thể tự do sáng tạo phiên bản của riêng mình.

Cửa hàng sắp mở của OpenAI có mô hình hoạt động rất giống với App Store của Apple hay Google Play với Android trên điện thoại thông minh. Điều khác biệt là App Store bán tất cả các loại ứng dụng dùng được trên điện thoại, còn cửa hàng của OpenAI thì chuyên bán những trí tuệ nhân tạo “kiểu ChatGPT”. Tại cửa hàng mới này, người dùng có thể lựa chọn các ứng dụng trí tuệ nhân tạo phù hợp với nhu cầu.

Điều quan trọng nữa là các lập trình viên, hoặc thậm chí là những người kỹ thuật “tay ngang” cũng có thể tự tạo ra được ứng dụng “kiểu ChatGPT” trên cửa hàng này, giống như các nhà phát triển vẫn đang tạo ứng dụng đẩy lên App Store của Apple.

Đây hứa hẹn là một chiến lược rất lớn của OpenAI. Họ đang biến mình từ một công ty làm sản phẩm trí tuệ nhân tạo trở thành một nền tảng kinh doanh trí tuệ nhân tạo. Tức đây là một tham vọng kinh doanh cực kỳ lớn của OpenAI.

Nhưng điều rất quan trọng là bước đi chiến lược này của OpenAI đã biến OpenAI trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với “bầu sữa” lớn nhất của họ, Microsoft.

Vào ngày công bố chiến lược, ông Tổng giám đốc Microsoft, Satya Nadella cũng đã xuất hiện chớp nhoáng trên sâu khấu và bày tỏ sự phấn khích về sự hợp tác giữa Microsoft và OpenAI nhưng rõ ràng Microsoft không thể vui được khi “đứa con” vẫn đang ăn hàng tỷ đô của mình lại đi cạnh tranh với chính mình.

Trong bài viết Tham vọng của OpenAI ngày 09/11/2023, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã dự báo “liệu mối quan hệ này sẽ được duy trì bao lâu khi mâu thuẫn về quyền lợi bắt đầu xuất hiện? Các bước đi chiến lược tiếp theo của những ông lớn này hứa hẹn sẽ rất thú vị.”.

Liệu đây có phải bước đi chiến lược “thú vị” đầu tiên của Microsoft?

Bài Viết Liên Quan

Back to top button