“Giải sức ảnh hưởng” – Xu thế “phản tiếp thị” mới nổi

Thay vì quảng cáo, khuyến khích người xem mua sản phẩm, thì bây giờ người ta làm những video khuyên người tiêu dùng… đừng mua.

“Giải sức ảnh hưởng” - Xu thế “phản tiếp thị” mới nổi

Bây giờ người ta làm những video khuyên người tiêu dùng… đừng mua

“Giải sức ảnh hưởng” (Deinfluencing) là một thuật ngữ mới trên TikTok và sớm trở thành xu hướng với hơn 100 triệu lượt xem. Có thể hiểu đơn giản “giải sức ảnh hưởng” là khi bạn phản hồi không tốt, nói thật trần trụi về một sản phẩm đang được quan tâm (và thường có giá cao) thay vì nói tốt về nó – tức là giảm sự ảnh hưởng thay vì tạo ảnh hưởng đến người xem.

Chưa rõ xu hướng này có tác động như thế nào trong cách bán hàng trên mạng khi cộng đồng người có sức ảnh hưởng đã tạo nên một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD. Nhưng bây giờ, ngay cả những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội cũng “bắt trend” và thẳng thắn chia sẻ về những món đồ mà họ nghĩ không đáng mua.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, khách hàng đang ngày càng ý thức nhiều hơn về túi tiền của mình – và những người làm nội dung hiểu rõ điều đó. Một số người thậm chí còn dùng sức ảnh hưởng của chính mình để can ngăn, làm cho người xem không phải chi tiêu quá nhiều, trong khi một số khác cho biết họ không cảm thấy thoải mái khi góp phần vào việc tiêu thụ quá mức. Đó là một phần lý do thúc đẩy các video theo xu hướng deinfluencing.

Ali Fazal, Phó chủ tịch tiếp thị của nền tảng quản lý người sáng tạo Grin, nói rằng “mô hình kích thích tiêu dùng qua người có ảnh hưởng đã không còn hiệu quả vì người mua sẽ chỉ lướt qua và không tin tưởng vào nội dung đó nữa”.

Emma Austin, một giám đốc tiếp thị truyền thông xã hội, đã nói về xu hướng này trên TikTok cùng các mẹo tiết kiệm tiền cũng như mua sắm tỉnh táo hơn. Theo bà, xu hướng này “đặt quyền lực trở lại vào tay người tiêu dùng thay vì chỉ nghe theo ý kiến của người khác.”

“Giải sức ảnh hưởng” - Xu thế “phản tiếp thị” mới nổi

“Giải sức ảnh hưởng” (Deinfluencing) là một thuật ngữ mới trên TikTok

Austin cũng cho biết thêm, các thương hiệu không nên vì vậy mà từ chối làm việc với những người có sức ảnh hưởng, mà trái lại nên tìm cách hợp tác với những ai “có danh tiếng thực sự tốt và thực sự gắn kết với nhóm khách hàng đặc thù của mình.”

Điều đó có nghĩa những người có sức ảnh hưởng ở phạm vi nhỏ hơn (micro-influencer) sẽ có đất dụng võ. Sinead Norenius-Raniere, Phó Giám đốc chiến lược tiếp thị sản phẩm và người có ảnh hưởng tại Cision, nói rằng những người có ảnh hưởng vi mô “biết cách nói chuyện với những đối tượng thích hợp và gần gũi với mình.”

Xu hướng deinfluencing còn thúc đẩy những người làm nội dung quảng bá các sản phẩm thay thế, các sản phẩm có chức năng tương tự nhưng có mức giá thấp. Claudia Ratterman, giám đốc phân tích tại Gartner for Marketers nói rằng: “Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và thu nhập hạn chế, một món đồ rẻ hơn đôi khi lại mang giá trị tốt hơn.”

Mặc dù một số người coi xu hướng này là một lời cảnh tỉnh để cắt giảm mua hàng một cách có ý thức, một số người sáng tạo khác đã sử dụng nó như một cơ hội để quảng bá các sản phẩm tương tự với mức giá thấp hơn.

Chưa rõ xu hướng này có tác động như thế nào đến những người có ảnh hưởng, những người đã tạo nên một ngành công nghiệp bán hàng trị giá hàng tỷ USD. Nhưng khi mọi người “bắt trend” để quảng cáo các sản phẩm thay thế ít tốn kém hơn, giới tiếp thị cho rằng đây vẫn là các video tạo ảnh hưởng giống hệt các video khác.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button