Giải ngân gói 40.000 tỷ đồng: “San sẻ” sang cho thuê tài chính

Nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng một phần trong gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các công ty cho thuê tài chính sẽ là phương án hợp lý và có tính khả thi cao.

Giải ngân gói 40.000 tỷ đồng: “San sẻ” sang cho thuê tài chính

Đến nay mới giải ngân được khoảng 2,3% gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng. Ảnh: H.Hải

Theo số liệu của NHNN, đến nay số tiền giải ngân gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước mới chỉ đạt chưa tới 875 tỷ đồng, tức chỉ khoảng 2,3%.

Xây dựng chương trình cụ thể

Dự kiến đến hết năm nay, gói hỗ trợ này có thể chỉ giải ngân được hơn 1.400 tỷ đồng, còn gần 38.600 tỷ đồng không sử dụng hết. Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia đề xuất có thể sử dụng một phần gói này để hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các công ty cho thuê tài chính (CTTC).

Đến nay, dư nợ CTTC mới chỉ vào khoảng 0,33% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, một tỷ lệ thấp đến không tưởng. Do đó, ông Phạm Xuân Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội CTTC Việt Nam, cho rằng giải pháp sử dụng một phần trong gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các công ty CTTC sẽ là phương án hợp lý và có tính khả thi cao.

“Chính phủ nên đặt ra một chương trình cụ thể, ủy thác toàn bộ tiền cho các công ty CTTC nhưng với tiêu chí rõ ràng như: hỗ trợ vào những công nghệ nào, dây chuyền máy móc thiết bị gì và các đối tượng doanh nghiệp làm công nghiệp phụ trợ đó cần đạt các tiêu chuẩn ra sao để được hưởng hỗ trợ. Đó có thể là các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất chip, hoặc những công nghệ mà Chính phủ mong muốn đạt được”, ông Hòe nhấn mạnh.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Ông Phạm Xuân Hoè cho biết có hai yếu tố trong quy định pháp luật hiện hành gây cản trở các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận vốn gia rẻ là “lành mạnh” và “minh bạch” về tài chính- điều mà các ngân hàng yêu cầu ở doanh nghiệp trước khi giải ngân cho vay.

Trên thực tế, doanh nghiệp muốn chứng minh được sự minh bạch thì phải thông qua kiểm toán, nhưng có đến hàng trăm ngàn DNNVV thì ai sẽ kiểm toán để họ có cơ sở để tiếp cận vốn.

Do đó, theo ông Phạm Xuân Hòe, đối với việc giải ngân gói 40.000 tỷ đồng còn ì ạch, thì phần còn lại nên chia làm hai: Dành một phần hỗ trợ thông qua các công ty CTTC và phần còn lại hỗ trợ qua Quỹ bảo lãnh tín dụng ở quy mô quốc gia cho các DNNVV. Tuy nhiên, quỹ này phải áp dụng cơ chế tín chấp, không yêu cầu doanh nghiệp thế chấp như vay ngân hàng và không huỷ ngang. Đặc biệt, cần thay đổi toàn bộ các chính sách quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button