Giải bài toán kinh tế báo chí đối với các tạp chí khoa học của Liên hiệp Hội Việt Nam
Vừa qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Vấn đề kinh tế báo chí đối với các tạp chí khoa học của Liên hiệp Hội Việt Nam”. Nhiều giải pháp thiết thực đã được các đại biểu đề xuất nhằm nâng cao khả năng tự chủ tài chính với cơ quan báo chí…
Phát biểu Khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Ngọc Linh – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, trong hệ thống các cơ quan báo chí hiện nay của Việt Nam, có hơn 70 cơ quan báo chí thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam phần lớn đang thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính.
Theo PGS. TS. Phạm Ngọc Linh, hệ thống cơ quan báo chí của Liên hiệp Hội Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh các hoạt động thông tin, phổ biến kiến thức, tư vấn phản biện và giám định xã hội; đồng thời là kênh quan trọng trong việc phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. “Thời gian qua, báo chí trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam đã không ngừng cải thiện nội dung, phương pháp làm báo, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin ngày càng cao của các nhà khoa học, trí thức và bạn đọc cả nước. Tuy nhiên, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho các cơ quan báo chí trong giai đoạn hiện nay là rất lớn, trong đó có vấn đề kinh tế báo chí” – PGS.TS. Phạm Ngọc Linh nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận một số nội dung về chuyển đổi số đa nền tảng – công cụ để phát triển kinh tế báo chí; nâng cao khả năng tự chủ tài chính với cơ quan báo chí…
Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp để các đơn vị báo chí tự chủ của Liên hiệp Hội Việt Nam tháo gỡ khó khăn như: đồng bộ công tác đổi mới các nội dung và phát hành; xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng tài chính phù hợp với đặc thù của hoạt động báo chí; tăng cường kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản…
Phó Tổng Biên tập kiêm Thư ký Tòa soạn Tạp chí Tự động hóa ngày nay Trần Thị Giang cho rằng, báo chí thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam phải coi trọng việc đồng bộ trong công tác đổi mới nội dung và phát hành; đồng thời xây dựng chiến lược phát triển nguồn thu cho cơ quan báo chí, tạo cơ chế chính sách hợp lý để huy động nguồn lực tập thể. Trên cơ sở đó, tăng tính chủ động, sáng tạo và năng lực chuyên môn của cán bộ, nhân viên trong tòa soạn. Cùng với đó là xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng tài chính phù hợp đặc thù của hoạt động báo chí.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Tòa soạn Thời báo Kinh tế Việt Nam Đào Quang Bính cho rằng, khi nền kinh tế thị trường phát triển mạnh, nhu cầu quảng bá sản phẩm xuất hiện và ngày càng lớn, kéo theo nguồn thu của báo chí ngày càng đa dạng, tạo điều kiện cho báo chí phát triển mạnh mẽ. Nhà báo Đào Quang Bính đồng thời cho rằng, hai điểm tựa quyết định cho kinh tế báo chí là sản phẩm báo chí truyền thông và dịch vụ quảng cáo trên các phương tiện truyền thông. Và kinh tế báo chí góp phần trở thành động lực phát triển cho báo chí.
PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho rằng, trong xu hướng chuyển đổi số, các cơ quan báo chí bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, cần làm tốt và bắt kịp xu thế vận động cũng như phát triển của kỷ nguyên công nghệ số. Nếu cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công, cần phải có công nghệ và giải pháp hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và sự liên kết giữa các cơ quan báo chí. Do đó, kinh tế báo chí trong xu hướng chuyển đổi số đã tiệm cận dần đến từ khóa “kinh tế báo chí số”.
Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi, để phát triển kinh tế báo chí trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, báo chí cần phải thay đổi tư duy, cần coi trọng công nghệ làm báo hiện đại. Các cơ quan báo chí truyền thông cần xây dựng bộ phận và đội ngũ những người làm truyền thông, quảng cáo chuyên nghiệp, đểcó thể phát triển kinh tế báo chí ổn định và bền vững lâu dài; tránh hiện tượng núp bóng nhà báo để “xin” quảng cáo, tránh gặp những rủi ro không đáng có.
“Các cơ quan báo chí cần xây dựng một mạng lưới quảng cáo mới và tái cấu trúc hoạt động kinh tế báo chí. Diện tích quảng cáo trên báo chí điện tử cần phải được bán trực tiếp cho các nhà quảng cáo, tránh bị phụ thuộc vào các “thế lực” truyền thông xã hội để giảm thiểu rủi ro và không vi phạm pháp luật. Xây dựng chiến lược “điện tử hóa” báo chí, tận dụng lợi thế của Internet để tăng doanh thu nhờ sự đa dạng về thông tin, từ đó có thể xây dựng hệ thống thanh toán paywall để tính tiền người sử dụng nội dung thông tin. Cơ quan báo chí cũng cần tăng cường tổ chức sự kiện, tham gia các hoạt động từ thiện, những hoạt động trách nhiệm xã hội, vì cộng đồng… làm tăng uy tín và thương hiệu của các cơ quan báo chí, tạo nên 1 trong 4 trụ cột trong chiến lược phát triển dài lâu của cơ quan báo chí trong tương lai. Đặc biệt, cần phải có chính sách, xây dựng đội ngũ chăm sóc khách hàng hiệu quả; phân tích dữ liệu để thuyết phục người đọc trả phí trên báo chí điện tử” – PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi chia sẻ.
Nguyễn Văn Cảm – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học và kỹ thuật Thú y đưa ra nhận định, vấn đề hoạt động kinh tế báo chí thế nào cho một tạp chí đứng vững, phát triển trong xu thế kinh tế thị trường và chuyển đổi số báo chí mạnh mẽ hiện nay là cả một vấn đề lớn. TS. Nguyễn Văn Cảm đồng thời chia sẻ một số giải pháp cụ thể giúp Tạp chí Khoa học và kỹ thuật Thú y tồn tại và phát triển những năm qua: tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác trong hoạt động quảng cáo; tăng cường chất lượng nội dung, tăng số lượng phát hành theo nhu cầu thị trường; nâng cấp ấn phẩm thông qua hoạt động in ấn và thiết kế; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, qua đó góp phần giảm chi phí hoạt động đến mức tối thiểu; giảm biên chế trong Ban biên tập và tăng cường Hội đồng biên tập; thu phí đăng các bài khoa học và phát hành các ấn phẩm chuyên đề.
Minh Quân